Sáng 27/10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua một loạt quyết định quan trọng, trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận xóa một nửa số nợ của Hy Lạp và củng cố Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).
Sau gần 10 giờ đàm phán tại Brusels (Bỉ), sáng nay, theo giờ châu Âu, các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu đã đi đến nhất trí về các đường hướng lớn trong kế hoạch chống khủng hoảng nợ. Đặc biệt, phải kể đến quyết định xóa bỏ 50% khoản nợ cho Hy Lạp và huy động 1.000 tỷ euro để ngăn chặn tình trạng lây lan khủng hoảng vốn đang đe dọa nghiêm trọng tới nền kinh tế của toàn liên minh. Hỗ trợ cho Hy Lạp Các ngân hàng và quỹ đầu tư tư nhân hiện nắm giữ nợ của Hy Lạp đã chấp nhận tự nguyện từ bỏ 50% yêu cầu đối với khoản nợ của quốc gia này trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Cụ thể, bắt đầu từ năm 2012, họ sẽ trao đổi các trái phiếu nợ của Hy Lạp với các loại khác có giá trị giảm xuống một nửa. Khoản tiền xóa nợ được thỏa thuận nói trên tương đương với 100 tỷ euro, trong đó, Quĩ bình ổn tài chính châu Âu sẽ đóng góp 30 tỷ euro và việc bán các tài sản nhà nước Hy Lạp sẽ góp vào đó 50%. Bản kế hoạch 109 tỷ euro hỗ trợ công (của EU và Quỹ tiền tệ quốc tế) dành cho Hy Lạp đưa ra ngày 21/7 vừa qua cũng được thay thế bằng một thỏa thuận khác với khoản tiền trị giá 100 tỷ euro. Theo đó, từ nay đến năm 2014, Athens sẽ tiếp tục được vay thêm 100 tỷ euro từ các quĩ công cộng với sự giám sát chặt chẽ từ phía các tổ chức nắm giữ nợ về quá trình tiến hành cải tổ của quốc gia này. Bên cạnh đó, Athens cũng sẽ phải tự tìm ra 15 tỷ euro để giảm thiểu số nợ của mình vốn bắt nguồn từ lĩnh vực tư nhân. Tái cấp vốn cho các ngân hàng Theo quyết định của các nhà hoạch định chính sách EU, nguồn quỹ của các ngân hàng (vốn chủ sở hữu và lợi nhuận) sẽ phải lên tới 9% vào ngày 30/6/2012. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu vốn của ngân hàng sẽ rất tốn kém. Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu dự kiến sẽ tiêu tốn đến 106 tỷ euro dành cho 70 tổ chức tài chính. Trong đó, các ngân hàng Hy Lạp sẽ cần đến 30 tỷ euro, trong khi các ngân hàng Tây Ban Nha cần 26,16 tỷ euro và các ngân hàng Italy cần 14,77 tỷ euro. Các ngân hàng Pháp cần 8,84 tỷ euro, trong khi các ngân hàng Đức mạnh hơn, chỉ cần 5,18 tỷ euro.
Củng cố Quỹ bình ổn tài chính châu Âu Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, hiện tồn tại với khả năng cho vay là 440 tỷ euro, sẽ có thể đạt được sức mạnh khoảng 1.000 tỷ euro. Để làm được điều này, cần phải hoàn thiện hai cơ chế. Đầu tiên là phải đảm bảo được một số thiệt hại tiềm năng của các nhà đầu tư tư nhân khi họ mua trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp. Mặt khác là tạo ra một hay nhiều nguồn quỹ đặc biệt (công cụ chuyên dụng) nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân từ bên ngoài, hay các nhà đầu tư công như các nước mới nổi. Trung Quốc và Nga đã tuyên bố mối quan tâm của họ về vấn đề này. Trong hôm nay, nhà lãnh đạo Pháp - ông Nicolas Sarkozy, sẽ tiến hành thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào để huy động vốn từ quốc gia châu Á này vào EFSF. Bên cạnh đó, văn bản này cũng đề cập đến song không chỉ rõ “một sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Quỹ tiền tệ quốc tế”. Kỷ luật ngân sách Các quy tắc vàng về cân đối ngân sách sẽ phải được tổng quát hóa. Trong số các biện pháp được dự kiến để tăng cường kỷ luật ngân sách chung của Liên minh tiền tệ có tính đến việc “mỗi chính phủ thành viên phải thông qua các quy định về cân đối ngân sách, từ đó đạt được Hiệp ước ổn định và tăng trưởng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2012”, thỏa thuận của EU cho biết. Các cuộc hội nghị của khu vực euro zone sẽ diễn ra hai lần một năm. Ít nhất trong giai đoạn đầu tiên, hội nghị này sẽ do Chủ tịch EU -ông Herman Van Rompuy chủ trì. * Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi thông báo thỏa thuận vừa đạt được, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nêu rõ: Hội nghị đã cho phép thông qua các nhân tố của một giải pháp toàn diện, một giải pháp hữu ích cho cuộc khủng hoảng đang hoành hành khắp khu vực đồng tiền chung châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng vui mừng cho biết: “Hôm nay, thế giới đang nhìn vào chúng ta và chúng ta đã đưa ra được những quyết định đúng đắn”. Chính phủ Đức đã kiên quyết yêu cầu đến năm 2020, giảm mức nợ của Hy Lạp xuống còn 120% GDP. Tổng Giám đốc IMF -bà Christine Lagarde, cũng phát biểu hoan nghênh các “tiến bộ đáng kể” được thực hiện trong Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brusels, cũng như cổ vũ các nhà lãnh đạo của khu vực đồng tiền chung châu Âu về quyết định áp dụng “một chương trình sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực”. “Ngay bây giờ, tôi có dự định đề nghị Ban Quản lý của IMF thanh toán các khoản nợ tới” cho Hy Lạp -bà Lagarde tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh việc áp dụng “các cải cách kinh tế được Athens chấp nhận” vẫn còn “chiếm ưu thế”. Về phần mình, Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) -ông Jean-Claude Trichet, cũng hoan nghênh các “quyết định đặc biệt quan trọng” được các nhà lãnh đạo của euro zone đưa ra trong hội nghị quan trọng nhằm thống nhất về một kế hoạch hành động ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ đang có dấu hiệu lan tràn trong toàn khu vực. Không thể phủ nhận, những quyết sáchquan trọngvừa được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đưa ra không chỉ đem lại ánh sáng cho thị trường tài chính vốn đang u ám của châu Âu mà còn góp phần giải tỏa không ít những lo ngại của các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế, góp phần củng cố quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu./. Báo ĐT.ĐCS |