Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Doha: Các nước phát triển cần tỏ rõ trách nhiệm và thiện chí

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Doha: Các nước phát triển cần tỏ rõ trách nhiệm và thiện chí

Hội nghị lần thứ 18 của các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-18) đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên mà chưa đạt được tiến triển rõ rệt nào. Không những thế, thái độ thờ ơ của các nước phát triển trong các cuộc đàm phán lại tiếp tục phủ bóng đen xuống hy vọng có thể đạt được các kết quả cụ thể trong tuần đàm phán tới đây.


Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Doha (Qatar)

Trong các cuộc thảo luận, các nhà đàm phán đến từ các nền kinh tế phát triển đã tránh đề cập tới những vấn đề lớn như chuyển giao công nghệ, hoặc là lờ đi các cam kết về giảm lượng khí thải và cung cấp các nguồn quỹ hỗ trợ cho các nước đang phát triển.

Quỹ Khí hậu Xanh, vốn được kỳ vọng sẽ được tăng thêm đến 100 tỷ USD mỗi năm, dành cho các nước nghèo vẫn chưa đi vào hoạt động, trong khi cơ chế đầu tư nhanh chỉ được xoa dịu bằng việc tái thiết lập gói hỗ trợ tài chính đã từng cam kết.

Mặt khác, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nhiệt độ của trái đất đang biến động tăng đến 4°C trong thế kỷ tới, vượt mục tiêu do Liên hợp quốc thiết lập ở ngưỡng 2°C.

Thời điểm để nhân loại cùng đếm ngược tới “bờ vực khí hậu” đã bắt đầu. Các nước phát triển, nên bỏ thành kiến ​​và cùng hợp tác với các nước đang phát triển để xây dựng các chi tiết cho giai đoạn thứ hai của Nghị định thư Kyoto trước khi giai đoạn cam kết đầu tiên hết hạn hiệu lực vào ngày 31/12 tới đây.

Trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển cùng với tính cấp thiết, nghiêm trọng của tình hình hiện tại đòi hỏi các nước phát triển chủ động hành động để kiểm soát sự gia tăng của nhiệt độ.

Thứ nhất, các nước phát triển chịu trách nhiệm khoảng 80% lượng khí thải gây hiệu hiệu ứng nhà kính phát tán ra môi trường trong quá trình công nghiệp hóa của họ.

Thứ hai, GDP bình quân đầu người ở các nước phát triển cao hơn nhiều so với ở các nước đang phát triển, trong đó các mối ưu tiên đặc biệt được dành cho việc giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống của người dân. Vì vậy, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, một trong những việc bức thiết cần làm chính là hạn chế sự gia tăng lượng khí thải carbon.

Thứ ba, các cam kết hiện có để giảm lượng khí thải của các bên tham gia Nghị định thư Kyoto còn xa mới đủ để chúng ta có thể tránh được các thảm họa khí hậu. Để đạt được các mục tiêu của Liên hợp quốc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ không vượt quá 2°C thì lượng khí thải carbon trong các nước phát triển cần được giảm từ 25-40% vào năm 2020 so với mức của năm 1990, thay vì 15% như đã cam kết.

Vì lợi ích của toàn nhân loại, hơn lúc nào hết, các nước phát triển cần thể hiện rõ trách nhiệm và thiện chí, cùng hành động, hợp tác với các nước đang phát triển để cứu hành tinh của chúng ta.

*Báo cáo thường niên của dự án Global Carbon công bố ngày 03/12 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Doha cho thấy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bắt nguồn từ ngành công nghiệp đã tăng 2,6% trong năm nay, bất chấp khủng hoảng kinh tế.

Bà Corinne Le Quéré, Giám đốc Trung tâm Tyndall (Anh) chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu, giảng viên đại học East Anglia, đồng tác giả của báo cáo lưu ý: "Tôi lo ngại rằng nguy cơ biến đổi khí hậu đã quá nghiêm trọng với các diễn biến hiện tại của chúng ta về khí thải. Chúng ta cần phải có một kế hoạch triệt để.”

Theo các nhà nghiên cứu của dự án Global Carbon, tổng lượng khí thải CO2 vào năm 2012 được ước tính khoảng 35,6 tỷ tấn, và nếu chúng tiếp tục biến động với tốc độ này, sự nóng lên của trái đất sẽ có thể lên tới từ 4-6°C.

Trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay, các kênh khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng lên tới 58%. Đây thực sự là một con số đáng báo động./.

Báo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN