Ngày 3/8, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết về Xyri, trong đó, lên án Chính phủ Xyri do tình trạng bạo lực leo thang tại đây, đồng thời hối thúc thúc đẩy quá trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Trung Đông này.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin.
Nghị quyết của ĐHĐ cũng chỉ trích Hội đồng Bảo an LHQ đã không nhất trí được về những biện pháp nhằm buộc Chính phủ Xyri thực thi các yêu cầu của LHQ để có thể chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 18 tháng qua ở nước này. Có 12 nước bỏ phiếu chống và 31 nước bỏ phiếu trắng đối với bản dự thảo nghị quyết do Arập Xêút đề xuất này.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tại ĐHĐ, Đại sứ Xyri tại LHQ Basa Giaphari (Bashar Jaafari) khẳng định nghị quyết của ĐHĐ LHQ sẽ không có bất kỳ tác động nào. Theo ông, đây là "vở kịch" được một số nước Arập dàn dựng để đưa quan điểm của nước mình vào chương trình nghị sự quốc tế.
Nga và Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng phản đối nghị quyết vừa được ĐHĐ LHQ thông qua. Nga cho rằng nghị quyết này can thiệp vào đặc quyền của Hội đồng Bảo an và cuộc bỏ phiếu này rất nguy hại, nó có thể làm xói mòn những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận chính trị tại Xyri. Đại sứ Nga tại LHQ Vitali Trurơkin (Vitaly Churkin) nêu rõ nghị quyết này đi ngược với những nỗ lực để giúp thực hiện kế hoạch hòa bình của đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn Arập Côphi Annan (Kofi Annan), và những thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị của Nhóm hành động về Xyri ở Giơnevơ (Geneva, Thụy Sĩ), diễn ra cuối tháng 6 vừa qua. Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Vương Dân cho rằng tương lai và vận mệnh của Xyri cần phải do người dân nước này tự quyết, việc áp đặt một giải pháp từ bên ngoài sẽ không giúp tháo ngòi cuộc khủng hoảng tại Xyri. Đại diện Trung Quốc nhấn mạnh một giải pháp chính trị cho vấn đề Xyri chỉ có thể do người dân nước này thực hiện và phải được sự chấp thuận của tất cả các bên liên quan tại Xyri. Ông Vương Dân hối thúc tất cả các bên liên quan ở Xyri chấm dứt bạo lực ngay lập tức và hoàn toàn, đồng thời tái khẳng định vấn đề Xyri phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị, còn các biện pháp quân sự sẽ không đi đến đâu.
Ngoài Nga và Trung Quốc, nhiều nước cũng đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, trong đó có Iran, CHDCND Triều Tiên, Bêlarút, Cuba… Các nước này đều chỉ trích âm mưu can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của Xyri.
Trước đó, dự thảo nghị quyết do Arập Xêút đề xuất này đã gây nhiều tranh cãi và phải sửa đổi nội dung nhiều lần trước khi được bỏ phiếu thông qua, như bỏ đi yêu cầu tiên quyết đòi Tổng thống Xyri Basa An Átxát (Bashar al-Assad) phải nhanh chóng từ chức. Nghị quyết tuy không mang tính ràng buộc về pháp lý nhưng sẽ gia tăng sức ép lên Hội đồng Bảo an để có hành động chống chính quyền Xyri.
Việc ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết về Xyri diễn ra sau khi đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập Côphi Annan tuyên bố sẽ từ bỏ sứ mệnh trung gian hòa giải vào cuối tháng này do những bế tắc trong HĐBA. Hiện Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki Moon) đang tìm kiếm người thay thế ông Annan./.
Báo ĐT.ĐCS