Hãng thông tấn NHK cho hay, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận trên biển ở khu vực gần tỉnh Okinawa vào ngày 5/11. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc vàNhật Bảnxung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đang có dấu hiệu tiếp tục leo thang.
![]() |
Hãng thông tấn NHK công bố những hình ảnh đầu tiên về cuộc tập trận chung giữa lực lượng Mỹ và Nhật Bản ngày 5/11 |
Hãng tin trên cho hay, cuộc tập trậnvới tên gọi "Kiếm sắc"sẽ diễn ra trong vòng 12 ngày, nhằm mục tiêu nâng cao khả năng bảo vệ đối với các hòn đảo xa ở vùng Tây Nam Nhật Bản.
Cho tới nay, đã có 5 tàu lớn của lực lượng SDF tiến vào khu vực gần căn cứ hải quân của Mỹ ở White Beach ở thành phố Uruma, tỉnh Okinawa. Trong khi đó, một tàu hải quân Mỹ chở theo một số lực lượng lính thủy đánh bộ hiện cũng đã tiến vào căn cứ quân sự này.
Theo ghi nhận của NHK, Nhật Bản đã huy động hơn 37.000 lính tham gia vào cuộc diễn tậpkéo dàitừ ngày 5 đến 16/11 tới, trong khi con số này từ phía Mỹ là 10.000 lính. Mỹ hiện cũng đang lên kế hoạch triển khai một tàu sân bay đến để tham gia vào cuộc tập trận này. Đơn vị đánh bộ thuộc SDF có nhiệm vụ chính là bảo vệ các quần đảo xa xôi của Nhật Bản cũng sẽ được huy động tham gia vào cuộc tập trận chung với Mỹ. Theo kế hoạch, đơn vị này sẽ di chuyển từ một căn cứ thuộc tỉnh Nagasaki tới Okinawa bằng tàu hải quân của SDF.
Theo dự kiến ban đầu, cuộc tập trận chung giữa SDF và lực lượng quân đội Mỹ sẽ bao gồm cả chương trình đổ bộ lên một hòn đảo hẻo lánh thuộc quận Okinawa. Tuy nhiên, vào phút chót, kế hoạch trên đã bị thay đổi nhằm tránh gây nên những “phản ứng tiêu cực” từ phía Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang ngày càng trở nên căng thẳng do những tranh cãi liên quan tới chủ quyền biển đảo.
Cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng gì sau khi Mỹ và Nhật Bản tiến hành tập trận trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, khi đưa ra phản ứng trước thông tin về việc Mỹ và Nhật Bản nối lại cuộc diễn tập quân sự này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân đã khẳng định, Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao những hoạt động có liên quan từ phía Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông Dương Vũ Quân còn cáo buộc “Nhật Bản đang có những hành động gieo rắc căng thẳng trong khu vực”.
Hiện thông tin về cuộc tập trận trên đã được các quan chức Nhật Bản và Mỹ công bố rộng rãi với báo giới. Trước đó, trong cuộc tập trận chung hồi năm 2010, Mỹ và Nhật Bản cũng đã cho phép các phương tiện truyền thông cử đại diện đến để quan sát và đưa tin về cuộc tập trận vốn vào thời điểm trên đã được huy động cả tàu khu trục lớp Aegis và máy bay chiến đấu.
Theo ghi nhận của NHK, trong ngày 4/11, đã có 4 tàu hải giám của Trung Quốc đi vào khu vực mà Tokyo xem là một phần lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, trên Biển Hoa Đông. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 4 tàu hải giám của Trung Quốc đã tiến vào vùng hải phận của Nhật Bản gần hòn đảo Uotsuri vào lúc 11 giờ 40 phút trưa và rời đi vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày.
JCG cho biết, hiện họ đang tiếp tục giám sát hoạt động của 4 tàu hải giám của Trung Quốc trong bối cảnh 4 con tàu này vẫn đang ở gần vùng tiếp giáp lãnh hải, tức là chỉ cách vùng hải phận của Nhật Bản ở một khoảng cách không xa. Theo JCG, kể từ khi chính quyền Tokyo mua lại và quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp với Bắc Kinh từ hồi tháng 9/2012 cho tới nay, Trung Quốc đã 11 lần triển khai tàu vi phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản.
Ngay sau sự việc trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai, ngày 4/11 đã có cuộc điện đàm với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Cheng Yonghua nhằm phản đối sự xâm nhập của các tàu Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế.
Ông Kawai cho rằng, các hành động của Trung Quốc nhằm vi phạm vùng lãnh hải Nhật Bản là không thể chấp nhận được. Ông Kawai kêu gọi các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Nhật Bản ngay lập tức, đồng thời cảnh báo rằng nếu tàu của Trung Quốc tiếp tục các hành vi khiêu khích, Bắc Kinh có nguy cơ làm tổn hại đến triển vọng đối thoại nhằm giảm bớt căng thẳng trong bối cảnh các cuộc đụng độ gia tăng về chủ quyền các đảo. Ngoài ra, đại diện ngoại giao Nhật Bản còn kêu gọi lãnh đạo hai nước cần theo đuổi các nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp xúc tiến các cuộc trao đổi mang tính tích cực và xoa dịu tình hình.
Đưa ra phản ứng trước tuyên bố của ông Kawai, ông Cheng nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng những hòn đảo đó là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc cũng nhất trí rằng những rạn nứt hiện tại giữa hai nước cần được giải quyết thông qua các cuộc thảo luận song phương./.