Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giám sát chặt chẽ cuộc khủng hoảng tại Yemen

Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giám sát chặt chẽ cuộc khủng hoảng tại Yemen

Ngày 3/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valerođã lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giám sát chặt chẽ tình hình tại Yemen cũng như đưa ra một lời tuyên bố mạnh mẽ trước tình trạng bạo lực ngày càng có dấu hiệu leo thang tại quốc gia này.


Tình hình tại Yemen trở nên bất ổn sau khi các làn sóng biểu tình chống chính phủ
tại quốc gia vùng Vịnh này bùng phát hồi tháng 2/2011



Theo quan điểm của ông Valero, kể từ khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh quay trở về Yemen ngày 24/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải bày tỏ quan ngại trước các hành động trấn áp mạnh tay của chính phủ Yemen.

Phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra ở thủ đô Paris ngày 3/10, ông Valero nhấn mạnh: “Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giám sát chặt chẽ tình hình tại Yemen cũng như đưa ra một lời tuyên bố mạnh mẽ trước tình trạng bạo lực leo thang tại quốc gia vùng Vịnh này…Tình trạng bạo lực tại Yemen cần được chấm dứt. Điều quan trọng hiện giờ là Tổng thống Saleh phải chịu trách nhiệm và ngay lập tức khởi động một quá trình chuyển giao dân chủ tại Yemen cũng như cân nhắc một cách kỹ lưỡng đến những lợi ích của người dân nước này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có liên quan cần nỗ lực để tìm ra một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn tại Yemen…”. Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sớm thông qua bản kế hoạch về tình hình Yemen do Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất.

Tình hình tại Yemen đã trở nên bất ổn khi các cuộc biểu tình hàng loạt nhằm yêu cầu cải cách và buộc Tổng thống Saleh từ chức bùng phát từ tháng 2/2011. Thậm chí quốc gia vùng Vịnh này đã gần như đã bị rơi vào nội chiến sau khi diễn ra các vụ xung đột đẫm máu ở thủ đô Sanaa hồi tháng trước. Cộng đồng quốc tế lo ngại diễn biến này có thể kích động các "chân rết" của tổ chức al-Qaeda ở khu vực này hoạt động mạnh hơn và ảnh hưởng tới tuyến vận tải hàng hải qua Biển Đỏ.

Trong khi đó, một số nước phương Tây đang theo đuổi các nỗ lực giúp tăng sức ép để Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh chuyển giao quyền lực bằng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong bối cảnh các cuộc đàm phán chuyển giao quyền lực tại quốc gia vùng Vịnh này vẫn "giậm chân tại chỗ". Thậm chí hiện Mỹ, Anh và Pháp còn đang phác thảo một bản dự thảo nghị quyết "hợp tình hợp lý," theo đó sẽ hối thúc Yemen thực thi tiến trình chuyển giao quyền lực theo sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó có đề cập tới việc ông Saleh sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 30 ngày sau khi ký kết một bản thỏa thuận, chuyển giao quyền lực cho phó Tổng thống Yemen để đổi lấy sự miễn truy cứu trách nhiệm đối với bản thân ông Saleh và gia đình của ông này. Tuy nhiên, cho tới nay, ba nước nói trên vẫn chưa thảo luận nghị quyết dự thảo này với Nga và Trung Quốc, hai ủy viên thường trực khác trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Moscow và Bắc Kinh vẫn theo đuổi quan điểm phản đối một nghị quyết chống Yemen tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Yemen, hãng tin chính thức Saba cho biết Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen Jamal Omar ngày 3/10 đã rời thủ đô Sanaa mà không đạt được kết quả về một thoả thuận chính trị. Hãng tin Saba dẫn lời ông Omar tuyên bố chính các nhà lãnh đạo Yemen phải tìm ra một thỏa thuận chính trị và họ phải chịu trách nhiệm về việc này.

Đặc phái viên Liên hợp quốc cảnh báo sự kiên nhẫn của người Yemen cũng chỉ có giới hạn và giờ là lúc các nhà lãnh đạo Yemen phải đưa đất nước tới một giai đoạn chuyển đổi và cải cách một cách hoà bình. Bên cạnh đó, ông Omar cũng bảo đảm rằng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục cam kết với các bên giúp đỡ người dân Yemen tiến lên phía trước./.


Báo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN