Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Syria đối mặt với sức ép can thiệp quân sự

Syria đối mặt với sức ép can thiệp quân sự

Càng ngày, áp lực quốc tế ngày càng gia tăng đối với Syria. Ngoài sức ép ngoại giao, bao vây cấm vận kinh tế, giờ đây, Syria cũng đang đối mặt với khả năng can thiệp quân sự, vượt qua tầm ảnh hưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.


Syria đối mặt với một cuộc can thiệp quân sự ngoài tầm ảnh hưởng của Liên hợp quốc


Ngoài các nước phương Tây và Mỹ, một số nước trong khu vực như: Libya và Tunisia đã triệu hồi đại sứ tại Syria về nước. Liên đoàn Arập (AL) ngày 12/2 vừa qua cũng đạt được một nghị quyết về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Damascus, đồng thời, kêu gọi các nước Arập đình chỉ mọi hợp tác ngoại giao với các đại diện của Chính phủ Syria.

Mới đây nhất, Ai Cập cũng đã quyết định triệu hồi đại sứ nước này tại Syria về nước. Đáp trả, Syria cũng đã triệu hồi Đại sứtại Ai Cập về nước. Sự cô lập của của các nước vốn "anh em một nhà" vẫn không làm Syria nao núng.

Hôm nay (24/2), Hội nghị “Những người bạn của Syria” sẽ nhóm họp tại Tunisia. Các nước tham gia hy vọng sẽ đưa ra kế hoạch hành động tiếp theo cho Syria sau khi Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống dự thảo Nghị quyết về Syria của các nước phương Tây và Arab.

Ngoài sức ép ngoại giao, Syria đang phải đối mặt với một sức ép khác, hết sức nguy hiểm. Đó là sự can thiệp quân sự, vượt qua tầm ảnh hưởng của Liên hợp quốc. Ngày 23/2, một số nguồn tin khu vực cho rằng, Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ đang lặng lẽ chuẩn bị can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Syria. Công tác chuẩn bị cũng đang diễn ra tại một số nước đồng minh khác từng cùng với Mỹ tham gia chiến dịch Libya, lật đổ chính quyền của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm ngoái.

Mỹ đang chờ kết quả của Hội nghị “Những người bạn của Syria” để biết cụ thể liệu việc các nước Arập Xêút, Ai Cập, Cata và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) có ủng hộ hành động can thiệp của phương Tây vào Syria, cả về chính trị và tài chính. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẵn sàng ra quyết định cuối cùng sau khi Lầu Năm Góc đệ trình các kế hoạch bảo vệ lực lượng nổi dậy Syria và người dân tại các thành phố bị quân đội Syria bao vây.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc tái khẳng định sẽ không thay đổi quan điểm về vấn đề Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì. Sau cuộc điện đàm, ông Lavrov, cho biết, cả Nga và Trung Quốc đều nhất trí phản đối mọi nỗ lực gây sức ép nhằm thay đổi chế độ ở Syria.

Trước đó, một nghị quyết do phương Tây dự thảo về tình hình Syria đã không được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc. Do đó, các nước phương Tây đang lên kế hoạch hành động quân sự với phạm vi hạn chế, ngoài tầm của tổ chức Liên hợp quốc này, có thể là thay mặt "Những người bạn của Syria" - nhóm gồm 80 nước dự kiến gặp nhau lần đầu tiên tại Tunis trong ngày 24/2 để tìm ra những bước đi thực tiễn nhằm chấm dứt đổ máu tại Syria. Hội nghị này đã không nhận được sự ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc. Nga từ chối tham dự hội nghị này vì cho rằng, nó được tổ chức với mục địch ủng hộ phe đối lập Syria nên sẽ không thể góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 11 tháng qua tại Syria.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng khẳng định, Trung Quốc sẽ không cử đại diện tham dự hội nghị quốc tế về Syria bởi Trung Quốc chưa biết rõ mục tiêu, ảnh hưởng cũng như cơ chế của hội nghị này. Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ đóng vai trò tích cực và xây dựng trong vấn đề này. Những hành động của cộng đồng quốc tế đưa ra cần phải giúp làm giảm căng thẳng, tăng cường đối thoại chính trị, mang lại hoà bình và ổn định cho khu vực Trung Đông.

Ngày 23/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil Elaraby đã thông báo việc bổ nhiệm cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốcKofi Annan là đặc phái viên chung của hai tổ chức này về cuộc khủng hoảng Syria. Các phái viên đặc biệt sẽ nỗ lực giúp đỡ nhằm chấm dứt tất cả các hành vi bạo lực và vi phạm nhân quyền, đồng thời thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria.

Trong khi Hội nghị “Những người bạn của Syria” vẫn chưa diễn ra thì lực lượng đối lập ở Syria đã lên tiếng kêu gọi vũ trang cho lực lượng này. Một quan chức Hội đồng quốc gia Syria (SNC) - lực lượng đối lập chính tại Syria, ông Abdullah Turmani nhấn mạnh đến sự cần thiết phải trang bị vũ khí cho Lực lượng quân đội Syria tự do và công nhận Hội đồng quốc gia Syria là một đại diện hợp pháp của Syria.

Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Ben Helli ngay lập tức bác bỏ việc hỗ trợ vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria. Ông Helli cho rằng, hội nghị này nhằm ủng hộ kế hoạch của các nước Arab, trong đó có các vấn đề viện trợ nhân đạo và thúc đẩy đối thoại. Việc hỗ trợ vũ khí cho lực lượng đối lập sẽ càng khiến cho tình hình bất ổn thêm.

Ông Helli nói: “Tôi nghĩ việc hỗ trợ vũ khí cho lực lượng đối lập sẽ chỉ khiến tình hình thêm phức tạp hơn. Quân sự hoá lực lượng đối lập và các cuộc biểu tình tạo thêm nhiều bất ổn và có thể dẫn đến một cuộc nội chiến. Đây là điều không ai muốn”.

Bất chấp những thách thức từ trong và ngoài nước, ngày 23/2, Iran vẫn tuyên bố sẽ sát cánh cùng đồng minh Syria chống lại mọi âm mưu lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Hãng tin Fars dẫn lời ông Ali Akbar Velayati, cố vấn chính sách đối ngoại của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei, khẳng định chính quyền của Tổng thống al-Assad sẽ không sụp đổ và Iran sẽ sát cánh cùng Damascus./.


Theo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN