Thái Lan và Campuchia có thể sớm ngồi vào bàn đàm phán ngừng bắn sau 5 ngày giao tranh đã làm ít nhất 13 binh sĩ của hai bên thiệt mạng và hàng chục người bị thương - nguồn tin từ cả hai bên xác nhận.
>>Thái Lan - Campuchia giao tranh gần đền cổ Preah Vihear
![](http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2011/04/27/2704.thai.jpg)
Quân đội Thái Lan triển khai ở khu vực biên giới.
“Như đã thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng nước ta (Tướng Prawit Wongsuwon) sẽ sớm hội đàm với người đồng cấp Campuchia và đây là dấu hiệu tích cực mang hoà bình trở lại cho khu vực biên giới”, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva thông báo.
Ông Abhisitkhẳng định, rõ ràng Campuchia muốn các nước khác can thiệp vào vụ tranh chấp này “và chính phủ phải đưa ra những chiến lược để đảm bảo rằng tình hình không làm lợi cho Campuchia”.
Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, Bộ Quốc phòng Campuchia xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh đã đồng ý gặp người đồng cấp Thái Lan tại Phnom Penh để thảo luận về lệnh ngừng bắn ở biên giới hai nước.
Tuy nhiên, thời điểm cụ thể tiến hành đàm phán chưa được công bố.
Trong một động thái nhằm xúc tiến giải quyết xung đột trong khuôn khổ ASEAN, hôm nay, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya sẽ nêu vấn đề này với Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của khối.
Nội các Thái Lan hôm qua đã đồng ý với kiến nghị của Ngoại trưởng Kasit xem lại quan hệ với Campuchia “ở tất cả các cấp độ, gồm cả thương mại và văn hoá”, nhưng không thảo luận về khả năng hạ cấp quan hệ ngoại giao.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Thani Thongphakdi, Bangkok cũng đã yêu cầu Việt Nam và Trung Quốc “giúp thuyết phục Campuchia trở lại bàn thương lượng”.
Những động thái trên xuất hiện sau 5 ngày nổ ra xung đột vũ trang giữa binh sỹ hai nước tại những khu vực quanh một số ngôi đền cổ mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Các vụ giao tranh trước đó chỉ xảy ra tại khu vực quanh hai ngôi đền cổ mà Campuchia gọi là Ta Muan và Ta Kwai còn phía Thái Lan gọi là Ta Moan và Ta Krabei, cách Preah Vihear khoảng 240km về phía tây.
Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ quan tâm sâu sắc đến cuộc xung đột biên giới này và kêu gọi hai bên kiềm chế.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cũng kêu gọi hai nước thành viên mở cuộc đối thoại ngay lập tức.