Chỉ một ngày sau khi đặc phái viên chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Arập, ông Lakhơđa Brahimi (Lakhdar Brahimi) đưa ra cảnh báo về tác động của cuộc khủng hoảng ở Xyri đối với hòa bình thế giới, ngày 16/9, giao tranh ở Đamát và Aléppô (Aleppo), hai thành phố lớn của Xyri, tiếp tục diễn ra giữa lực lượng quân đội Chính phủ Xyri với các tay súng chống đối.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Xyri (SOHR), giao tranh ở Đamát đã bùng phát dữ dội lúc bình minh, tập trung ở Haraxta (Harasta), ngoại ô phía Đông Bắc thủ đô. Từ nhiều phía, quân đội Chính phủ Xyri đã nã pháo vào khu vực An Hagia An Axoát (Al-Hajar Al-Aswad). Các cuộc giao tranh lúc nửa đêm và rạng sáng đã làm chết ít nhất 15 người. Quân đội cũng sử dụng máy bay ném bom tấn công khu vực Cađam (Qadam) và Axali (Assali) ở phía Nam thủ đô Đamát. Tại thành phố Aléppô, vụ pháo kích trong đêm ở khu vực Phađôxơ (Fardoss) đã làm ba người thiệt mạng, trong đó có một trẻ em. Giao tranh cũng diễn ra ác liệt ở quận trung tâm Miđan (Midan) gây nhiều thương vong...
Riêng trong ngày 15/9, trên toàn lãnh thổ Xyri đã có ít nhất 115 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là dân thường. SOHR cho biết kể từ khi làn sóng bạo động chống chính quyền của Tổng thống Átxát bùng phát ở Xyri hồi tháng 3/2011, có 27.000 người đã thiệt mạng, song theo số liệu thống kê của LHQ, thì con số này chỉ là 20.000 người.
* Trong khi đó, ngày 15/9, tại thủ đô Mátxcơva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ghennađi Gatilốp (Gennady Gatilov) khẳng định rằng Nga không "trung thành" với bất cứ nhân vật chính trị nào ở Xyri, song cũng cảnh báo sẽ ngăn chặn bất cứ nghị quyết mới nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có nội dung gây sức ép đối với đương kim Tổng thống Xyri Átxát. Ông Gatilốp cũng cho rằng người dân Xyri nên quyết định tương lai và thành phần chính phủ nước mình thông qua tiến trình chính trị, chứ không phải bất cứ một quyết định nào của HĐBA LHQ. Ông Gatilốp cũng tuyên bố Nga sẽ tôn trọng mọi quyết định liên quan đến tương lai của Tổng thống Átxát do chính người dân Xyri đưa ra.
Trong diễn biến liên quan, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRG), Chuẩn tướng Môhamát Ali Giaphari (Mohammad Ali Jafari), ngày 16/9 thừa nhận các binh sĩ thuộc Lực lượng Quds, đơn vị tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của ông, hiện đang có mặt ở Xyri và Libăng. Đây là lần đầu tiên IRG công khai thừa nhận điều này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tướng Giaphari nói: "Một số thành viên của Lực lượng Quds đang có mặt tại Xyri và Libăng... Chúng tôi (tới những nước này để) cố vấn, đưa ra những lời khuyên và truyền đạt kinh nghiệm cho họ. Nhưng điều này không có nghĩa chúng tôi có sự hiện diện quân sự tại đó".
Một số nước phương Tây và Arập cáo buộc Iran viện trợ quân sự cho chính quyền Đamát, đồng minh chủ chốt của Têhêran ở khu vực, trong cuộc xung đột đẫm máu tại Xyri.
Lực lượng Quds là đơn vị đặc biệt thuộc IRG chịu trách nhiệm tiến hành các chiến dịch, cả công khai và bí mật, bên ngoài lãnh thổ Iran. Giới phân tích phương Tây cho rằng đơn vị có hàng nghìn thành viên này hoạt động đặc biệt tích cực ở Trung Đông./.