Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Học Bác từ những điều bình dị: Phần 1

Học Bác từ những điều bình dị: Phần 1

Việc học tập, làm theo Bác là tổng thể các nội dung, biện pháp song điều quan trọng và thiết thân thường ngày chính là học Bác lối sống bình dị, gần gũi, trọng dân, vì dân, chan hòa với quần chúng nhân dân.

 

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện theo di huấn của Người và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Việc học tập, làm theo Bác là tổng thể các nội dung, biện pháp song điều quan trọng và thiết thân thường ngày chính là học Bác lối sống bình dị, gần gũi, trọng dân, vì dân, chan hòa với quần chúng nhân dân.

I. SỐNG BÌNH DỊ, ĐƯỢC DÂN YÊU

Tại sao cần sống bình dị?

Câu trả lời đến từ chính cốt cách, lối sống của người dân Việt Nam, một cốt cách mộc mạc, chân phương, kiệm cần với công việc và đơn sơ trong lối sống, sinh hoạt thường ngày.

Đó là lối sống tự bao đời của người dân trên mọi miền đất nước, chẳng cứ vùng đất, dân tộc, thành phần, cốt cách đó định hình từ nền văn hóa truyền thống làng xã, ruộng vườn với tâm niệm “đói cho sạch, rách cho thơm”, “thương nhau chia củ sắn lùi”, sự mộc mạc chân phương “canh rau muống, cà dầm tương”...

Bữa cơm đạm bạc của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Người cán bộ, đảng viên sinh ra, lớn lên dù ở đô thị hay thôn quê cũng đều mang cốt cách từ ông bà, cha mẹ hoặc ảnh hưởng của cốt cách đó. Môi trường nào, con người đó, khi đồng bào “chân lấm tay bùn, một nắng hai sương”, lẽ nào người cán bộ, đảng viên lại mang lối sống xa hoa, nhung lụa, phè phỡn, phung phí?

Hiểu được cốt cách này để người cán bộ, đảng viên sống sao cho đúng, cho xứng và để được đồng bào tin yêu. Khi bà con ăn mì tôm chống lũ, chạy từng hạt gạo tránh hạn, người cán bộ không thể đến với dân bằng một sự thết đãi thịnh soạn, xa xỉ. Hòa đồng với quần chúng thì trước hết, phải hòa mình vào đời sống người dân, với phong tục, văn hóa bản địa, từ bữa ăn, lời nói đến cách ứng xử, việc làm.

Tự cổ xưa tới nay, ở các dân tộc trên thế giới, một nguyên tắc đã định hình: Sống càng bình dị, càng gần gũi, càng được dân tin, dân yêu. Và chỉ khi được dân tin, dân yêu thì lời nói, việc làm của người cán bộ, đảng viên mới thực sự có hiệu quả, mới phát huy được vai trò.

Cũng chỉ có thể sống bình dị, sống hòa mình vào quần chúng, người cán bộ, đảng viên mới có thể hiểu được đời sống thực tiễn, mới nắm được tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con. Thấu hiểu để điều tiết hành vi của mình, quý trọng từng đồng tiền bát gạo, mồ hôi, xương máu của đồng bào và phát huy thành quả trong hiện tại, tương lai. Giá trị của nền độc lập, tự do ngày nay là kết quả của bao máu xương các bậc tiền bối đổ xuống, người không biết quý trọng giá trị đó là vô ơn, phụ lại thành quả cha ông đã giành được.

Lối sống xa hoa, hưởng lạc, cá nhân ích kỷ, tiêu tiền như tát nước, thể hiện quan cách, trịch thượng, kiêu ngạo… là những thứ đối lập với lối sống bình dị, mộc mạc của đồng bào. Người có lối sống quan cách, trịch thượng, xa hoa hưởng lạc tất xa rời quần chúng, lợi dụng để hưởng thụ, vụ lợi, để diễn kịch, lừa mị người khác, tìm phương kế vun vén cho thói ích kỷ và những động cơ cá nhân của mình.

Học lối sống bình dị của Bác 

Sinh thời, Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.

Nhà ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói, trên gác có hai phòng, mỗi phòng hơn 10m², chỉ nhỏ gọn vậy thôi nhưng Bác vẫn đề nghị đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng để khỏi lãng phí. Bác luôn nghĩ đến người nghèo “lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”.

Bác Hồ thường nói rằng: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”.

Bác đến với các chiến sỹ trên mặt trận, cùng chiến sỹ hành quân; thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; viết thư thăm hỏi người già, trẻ em…

Bác luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Bác. Điều đó đã được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể của Người, có sức thuyết phục to lớn.

Chị Trần Thị Thu Hà, Giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi không phải là người theo chủ nghĩa thần tượng. Tôi cũng chưa bao giờ được gặp Bác. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời, Người đã đi xa. Nhưng thông qua những trang sách, những thước phim, những câu chuyện về Người, càng ngày tôi càng khâm phục Bác.

Khi còn bé, trong tôi, Bác Hồ giống như một tiên ông vậy. Tôi ghen tỵ với những em bé được ngồi trong lòng Bác chờ đến lượt mình được phát kẹo và ao ước được đưa bàn tay non nớt vuốt chòm râu bạc phơ của Bác như một cô bé nào đó trong bộ phim tài liệu về Người.

Lớn lên, đọc các tác phẩm Người viết, suy ngẫm về những quyết sách và hành động của Người trên cương vị người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, tôi vẫn không quên những hình dung thơ ấu về vị tiên ông Hồ Chí Minh.

Đôi lúc, tôi tự hỏi, phải chăng Bác của chúng ta là một huyền thoại? Nhưng đã là huyền thoại thì phải ly kỳ và huyền bí chứ? Mà Bác thì vô cùng gần gũi, vô cùng giản dị và có phải vì thế mà hóa vô cùng lớn lao?”.

Chị tâm sự, mỗi lần nghĩ về câu nói, rằng “Chủ tịch nước mặc áo vá là hồng phúc của dân tộc”, cứ thấy cay cay nơi khóe mắt nhưng vẫn thật khó cầm lòng khi đi qua những nhãn hàng thời trang nổi tiếng… Những lần dự tiệc với tràn trề món ngon vật lạ, chạnh nghĩ về bữa cơm tương cà đơn sơ của Chủ tịch nước ngày nào, day dứt có, áy náy có…

“Nhưng tôi nghĩ rằng vì Bác không phải là một siêu nhân, nên chúng ta hãy học và làm theo Bác những điều bình dị nhất. Không học được tất cả, chúng ta hãy học từng ít một. Không học được ngay một lúc, hãy cứ học từ từ” - chị nêu quan điểm và viện dẫn, có bao nhiều điều cần học và có thể học từ Bác.

Bình dị - cốt cách và sự rèn luyện

Bình dị, liêm chính thể hiện ở phong cách, lối sống và ở hành động (lao động, học tập). Cả hai yếu tố này gắn bó mật thiếu, bình dị ở lối sống thì hành động vì cộng đồng, vì xã hội cũng nhiệt huyết, sẵn lòng.

Gốc rễ của đạo đức, phong cách bình dị, liêm chính chính là tấm lòng vì nước vì dân, vì lợi ích quốc gia, tập thể của Bác. Trong đời sống, chỉ những ai có được đức tính đó, không mưu cầu, vụ lợi cá nhân mới có thể làm được, mới hành động một cách “tự nhiên hương” chứ không phải là sự khiên cưỡng, giả tạo. Bất cứ ai để chủ nghĩa cá nhân chi phối, để chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, tất không thể làm được.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong Đảng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém. Những người này “mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân thực sự là kẻ địch nguy hiểm của đạo đức cách mạng, đồng thời cũng là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội.

Nếu không thể bình dị theo đúng cốt cách, bản chất thì người cán bộ, đảng viên phải biết tu dưỡng, luyện rèn đức tính, lối sống bình dị. Đây chính là ý thức, là sự học hỏi, noi theo để hoàn thiện mình hơn, khắc phục các yếu điểm.

Ngày nay, không ít cán bộ chưa làm to đã lộ tính hách dịch, xa dân, sống trong dinh thự xa hoa. Ngay cả con cán bộ cũng tự lúc nào sinh cái bệnh tinh tướng, muốn thể hiện mình “con nhà quan”, lối sống xa hoa, hưởng thụ sa đọa. Đọc lại những mẩu chuyện về phong cách, đạo đức, lối sống của Bác để ngẫm và hành động, thực thiết thân vô cùng.

(còn nữa)

Theo Báo Công an nhân dân điện tử

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN