Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương mẫu mực về nghệ thuật ứng xử

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương mẫu mực về nghệ thuật ứng xử

Sức mạnh cảm hóa, cuốn hút và tập hợp được mọi người - đó là phong cách ứng xử, một bí quyết thành công trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết đề cập những nét tiêu biểu trong phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh: khiêm tốn; khoan dung, độ lượng và tình yêu thương, tôn trọng con người... đây là tấm gương mẫu mực về phong cách ứng xử của Người, để mỗi cán bộ, đảng viên luôn không ngừng học tập và làm theo trong cuộc sống và công việc hàng ngày.

tam guong ung xu hcm
Ảnh minh họa. Nguồn: TL

1. Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị (chân, thiện, mỹ), mang đậm dấu ấn cá nhân, được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức đa dạng, phong phú của Người. Trong đó, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là một mẫu mực của phép đối nhân, xử thế; một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn của lẽ phải, tình thương và bao dung rộng lớn.

Phong cách ứng xử chính là mối quan hệ giữa người với người trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày. Nét nổi bật nhất của phong cách ứng xử Hồ Chí Minh chính là sự khiêm tốn. Cố Tổng thống nước Cộng hòa Chilê Xanvađo Agienđê đã từng khái quát: “Nếu như muốn tìm một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường”1. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng khiêm tốn. Người từng nhấn mạnh: “Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam. Đối với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Đối với đồng chí và bạn bè thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập. Đối với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”2.

Khi tiếp xúc với bất cứ ai, Người không bao giờ đặt mình cao hơn người khác mà rất dân chủ, bình đẳng; luôn thương yêu, kính trọng, tin tưởng và phát huy con người; quan tâm săn sóc đến tư tưởng, công tác, đời sống của từng người, từng giai tầng, lứa tuổi, không bỏ sót một ai; sống chan hòa, gần gũi với mọi người, nâng niu từng nhân cách. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách của người ta”3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hành động đúng như những điều mình đã nói, Người có cách ứng xử mang đậm bản chất của người Việt Nam “kính già, yêu trẻ, trọng phụ nữ”. Rất nhiều người khi được gặp Bác đều có chung cảm tưởng là được gặp một con người rất Người, thương người; mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu. Bác luôn có sức hút kỳ lạ với mọi người; được gặp Bác là được gặp một nhân cách tỏa sáng thông qua tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người và nhờ vậy mà trưởng thành hơn. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhận xét sâu sắc: “Lúc gặp một con người, bất cứ ai, làm việc gì, trong hoàn cảnh nào, Bác đều đem lại cho người đó cái người ta cần, nó có thể làm cho người đó suy nghĩ, nó có thể đòi hỏi người đó khá nhiều, và như vậy người đó sẽ vươn lớn lên ngang tầm công việc của mình”4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đối lập với sự khiêm tốn là tính kiêu ngạo, mà biểu hiện của nó là tự cao, tự đại, tự cho mình là tài giỏi hơn hết, rồi ba hoa, khoe khoang, cho ai cũng không bằng mình, không xem ai ra gì, việc gì cũng muốn làm thầy người khác, thậm chí “Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”5. Theo Người, càng cao, càng giỏi, càng có công lao càng phải khiêm nhường; người cách mạng không được hiếu danh, kiêu ngạo, đặc biệt “người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu”6, nghĩa là phải lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân. Muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì phải có nhiệt thành, quyết tâm, phải khiêm tốn và chịu khó. Đối với câu hỏi “học ở đâu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn, ai mà tự cho mình đã biết đủ cả rồi thì người đó dốt nhất.

2. Phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự bao dung, độ lượng vĩ đại, cảm hóa mọi người. Trong công việc và cuộc sống thường ngày, cách giải quyết của Bác bao giờ cũng thấu lý, đạt tình, chan chứa lòng yêu thương và sự quan tâm đến con người. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), bàn về tư cách một người cách mệnh, Người chỉ rõ: “Với từng người thì khoan thứ”, tức là phải rộng rãi, hòa hợp với mọi người và rộng lòng tha thứ cho người.

Đặc biệt, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Người nhiều lần đề cập đến đức tính khoan dung, độ lượng của người lãnh đạo: phải biết yêu thương, quý trọng, thành tín và khoan dung đối với người dưới quyền; phải biết lắng nghe, hiểu thấu cán bộ, đảng viên và nhân dân; biết tôn trọng, chấp nhận cái khác biệt… thì mới có thể tập hợp, giáo dục, sử dụng và phát huy được tiềm năng, sức mạnh của mọi người, mọi lực lượng phục vụ cho sự nghiệp chung. Đối với những người có thói hư tật xấu, thậm chí đã từng lầm đường lạc lối thì phải lấy lòng khoan dung, độ lượng mà giáo dục, cảm hóa họ, giúp đỡ họ tiến bộ, trở thành những người có ích cho xã hội. Người nhấn mạnh, sông sâu, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được; nhưng cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ một giọt nước cũng tràn đầy. Vì vậy, chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái, chứ không sợ người ta không theo mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rõ việc xử thế xưa nay là vấn đề không dễ dàng, mà đòi hỏi tính đúng đắn, khéo léo, tinh tế rất cao. Với những trải nghiệm của bản thân cũng như từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Người đã có những đúc kết mang tính nguyên tắc, chân lý sâu sắc: “Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu”7; “Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”8. Trong vấn đề sử dụng cán bộ, Người nêu rõ: “Mình phải có lòng độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa. Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình”9. Trách nhiệm của người lãnh đạo là làm cho cán bộ “ham làm việc, vui làm việc”10; “Phải giúp cán bộ cho đúng - phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ”11; đối với nhân tài ngoài Đảng thì “chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”12. Đối với cán bộ bị sai lầm, phải tìm cách đúng để giúp họ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm; phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra nguyên nhân vì sao mà sai lầm. Làm thế nào mà sửa chữa. Phải giải thích rõ ràng, để cho họ thấy rõ sai lầm đó, từ đó mà vui lòng sửa đổi.

Đối lập với khoan dung, độ lượng là bệnh hẹp hòi, ích kỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, hẹp hòi là chỉ biết cá nhân mình, xa rời tập thể, xa rời quần chúng, không biết dùng nhân tài, không biết cách xử trí khôn khéo với mọi tầng lớp nhân dân để huy động sức người, sức của và tinh thần đoàn kết phục vụ cho cách mạng. Bệnh hẹp hòi hết sức tai hại và nguy hiểm, nó sẽ làm cho con người và tổ chức trở nên cô độc, mà “cô độc nhất định sẽ thất bại”; nó sinh ra tệ chia rẽ, bè phái, phá hoại sự thống nhất trong Đảng, làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí.

3. Xuyên suốt, nhất quán trong chiều sâu tư tưởng và ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình yêu thương, tôn trọng con người “… ở đời và làm người thì phải biết thương nước, thương dân, thương nhân loại lao khổ”. Người nhấn mạnh: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”13. Nhân nghĩa chính là cái gốc trong giao thiệp, ứng xử giữa con người với con người, nên phải quan tâm đến thái độ, hành vi đối nhân xử thế của mình sao cho có tình có nghĩa, thấu lý đạt tình, không nên cứng nhắc, máy móc hay lý luận suông.

Tư tưởng nhân ái, nhân văn cao cả của Người cũng là những tình cảm, hành động rất chân thật, cụ thể. Trong cuốn hồi ký Con đường theo Bác của đồng chí Hoàng Quốc Việt có viết: “Bác biết rõ tính cách và sinh hoạt của cán bộ để lựa chiều uốn nắn. Tính tôi hay nóng, Bác biết lắm. Một hôm, Bác bảo: “Lửa nóng làm mọi người rát mặt, trời nóng làm mọi người đầm đìa mồ hôi, con người ta nóng thường làm mọi người khó chịu”. Bác chỉ nói có ngần ấy lời, vậy mà tôi đã suy nghĩ nhiều, và sau lần đó, tính nóng có phần nào giảm đi”14. Trong quan hệ công tác giữa những người đồng chí, đồng nghiệp với nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức lưu ý một điều là phải biết tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Trong Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ có kể: Vào ngày sinh nhật Bác (ngày 19/5/1948) giữa rừng Việt Bắc, được ăn cơm với Bác: “Trong bữa ăn hôm đó, tôi có tâm sự với Bác một số vấn đề về đoàn kết của bộ phận phục vụ. Tôi thưa với Bác:

- Cháu làm việc với Bác đã khá lâu, nhưng chưa một lần nào cháu thấy Bác nặng lời với cháu. Thế mà chỉ mấy anh em, thỉnh thoảng chúng cháu lại cáu gắt nhau…

Bác vừa ăn vừa nghe tôi nói, rồi ôn tồn bảo tôi:

- Chú làm việc với Bác lâu, thì Bác làm việc với chú cũng lâu chứ, thế mà Bác có thấy bao giờ chú cáu gắt với Bác đâu!

Tôi đang ngỡ ngàng về cách đặt vấn đề của Bác thì đã nghe Bác nói tiếp với giọng hiền từ:

- Hai bác cháu ta có gì khó khăn thì bàn bạc với nhau, cùng giải quyết, việc gì mà phải nặng lời, việc gì mà phải cáu gắt. Đó chính là do Bác tôn trọng chú, chú tôn trọng Bác. Vì vậy, chú cứ tự nghĩ xem, trong quan hệ công tác các chú đã thật sự tôn trọng nhau chưa? Theo Bác, sở dĩ các chú hay cáu gắt với nhau cái chính là do các chú chưa tôn trọng nhau đúng mức… Tự phê bình và phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Và điều quan trọng là phải biết tôn trọng lẫn nhau”15.

Không phải ngẫu nhiên trong Di chúc, đoạn nói về sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, Người đã ghi thêm một câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Suy cho cùng, đây chính là điểm cơ bản, quan trọng hàng đầu để bảo đảm đoàn kết thật sự trong Đảng và bao trùm lên tất cả là trong các mối quan hệ giữa người với người. Nếu không xuất phát từ điểm chính yếu này thì chẳng có điều gì có ý nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về nghệ thuật ứng xử. Phong cách ứng xử của Người không phải là bẩm sinh, mà là kết quả của quá trình không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện, trở thành một mẫu mực, tiêu biểu cho văn hóa ứng xử của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi chúng ta đều có thể học tập và làm theo phong cách của Người để trở nên tốt đẹp hơn. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu càng phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trau dồi phong cách ứng xử có văn hóa; phải thực sự là mẫu mực về nhân cách, lối sống. Người lãnh đạo, quản lý là người truyền cảm hứng, động lực cho sự phát triển sáng tạo các giá trị, các hình mẫu ứng xử trong tổ chức - người lãnh đạo phải là tấm gương mẫu mực trong thực hiện những giá trị, chuẩn mực đó.

Vì vậy, phải quan tâm, chú ý đến cách hành xử của người lãnh đạo với cấp dưới và Nhân dân, sao cho bảo đảm sự thấu hiểu, tôn trọng, tin tưởng, quan tâm và gần gũi mọi người; tạo được niềm tin, gây cảm xúc, hứng thú, hăng say trong công việc với tinh thần tự giác, sáng tạo; đảm bảo lãnh đạo thực sự là “một nghệ thuật động viên”, chứ không phải lãnh đạo theo kiểu mệnh lệnh, ra oai. Do đó, cần: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”16.

Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu theo phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. “Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị”17. Khuyến khích, động viên kịp thời những cán bộ, đảng viên có tinh thần, thái độ, hành vi ứng xử đẹp vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm những hành vi, thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, đảng viên gây bức xúc trong cộng đồng, xã hội./.

TS. Nguyễn Mậu Linh - Học viện Chính trị khu vực III,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

Tâm Trang (st)

------------------------------

Ghi chú:
1. Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, Nxb CTQG-ST, H.2010, tr.37.
2. Nguyễn Văn Khoan, Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại, Nxb Thanh niên, H.2017, tr.214.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.52.
4. Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb CTQG-ST, H.2012, tr.485.
5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. Sđd, tập 5, tr.323, tr.325, tr.317, tr.324, tr.319, tr.293, tr.314, tr.315-316.
13. Sđd, tập 15, tr.668.
14. Hoàng Quốc Việt, Con đường theo Bác, Hồi ký, Nxb Thanh niên, H.2003, tr.230.
15. Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG - ST, H.2005, tr.531-532.
16. Bộ Chính trị, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.262.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN