Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc tổ chức xây dựng Bộ Nội vụ trong những năm đầu của chính quyền cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc tổ chức xây dựng Bộ Nội vụ trong những năm đầu của chính quyền cách mạng

Tháng 8/1945, chớp thời cơ hết sức thuận lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt toàn dân tộc tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 02/9/1945, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên của độc lập, tự do và hạnh phúc. Người cũng trở thành người sáng lập ra nhà nước kiểu mới ở Việt Nam và để lại dấu ấn sâu sắc đối với việc tổ chức, hoạt động của Chính phủ, trong đó nổi bật là Bộ Nội vụ - cơ quan lúc đó đảm nhiệm vai trò tổ chức xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng từ Trung ương xuống các địa phương, vừa đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và một phần chức năng của Chủ tịch phủ, kiểm soát và điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và là đầu mối liên hệ, phối hợp với các bộ khác trong Chính phủ. Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ Nội vụ được thể hiện nổi bật trong những năm đầu của chính quyền cách mạng và trong một bối cảnh hết sức đặc biệt của đất nước.

Chỉ ít ngày sau khi nước ta giành lại được độc lập, cách mạng Việt Nam lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lấy danh nghĩa thực hiện giải giáp quân Nhật, quân Đồng Minh ồ ạt kéo vào nước ta. Dù có những tham vọng và toan tính khác nhau, nhưng những đội quân Đồng Minh đều có âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ” (diệt Đảng Cộng sản, bắt giam Hồ Chí Minh), lật đổ chính quyền cách mạng và xóa bỏ Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ. Ở phía Bắc vĩ tuyến 16 của đất nước có khoảng 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch, do tướng Lư Hán làm tổng chỉ huy. Theo chân quân Tưởng Giới Thạch là bọn phản động Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng) do Vũ Hồng Khanh cầm đầu, Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội) do Nguyễn Hải Thần cầm đầu. Dựa vào thế đó, lực lượng của Việt Quốc, Việt Cách chiếm giữ một số nơi ở Móng Cái, Yên Bái, Vĩnh Yên. Chúng ra sức tập hợp lực lượng, ngang nhiên tuyên truyền vu cáo Việt Minh, đòi cải tổ Chính phủ, thay thế các Bộ trưởng là đảng viên Đảng Cộng sản và tiến hành các vụ cướp của, giết người, bắt cóc, ám sát cán bộ cách mạng. Ở phía Nam vĩ tuyến 16 của đất nước là quân Anh do tướng Graxây chỉ huy. Theo sau quân Anh là quân Pháp, với dã tâm khôi phục lại Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam. Sau các vụ khiêu khích trắng trợn, ngày 23/9/1945, với sự yểm trợ của quân Anh và quân Nhật, quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, rồi đánh rộng ra Nam Trung Bộ.

Tình hình nước ta lúc đó: Về chính trị, nền dân chủ cộng hòa mới ra đời, khối đoàn kết dân tộc còn phải tiếp tục được củng cố và mở rộng; về ngoại giao, Chính phủ lâm thời chưa được sự công nhận của quốc tế; về quân sự, lực lượng vũ trang cách mạng còn non trẻ và nhỏ bé, vũ khí và trang bị thiếu hụt, kinh nghiệm tác chiến chưa có nhiều; về kinh tế, sản xuất đình trệ, hàng hóa khan hiếm, ngân khố gần như trống rỗng. Nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu dưới chế độ thực dân, phong kiến lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi Chiến tranh thế giới lần thứ hai và thiên tai, lũ lụt. Nạn đói nghiêm trọng năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hai triệu người dân và tiếp tục đe dọa bùng phát trở lại; về văn hóa, xã hội, do hậu quả của ách thống trị phản động của chính quyền thực dân, phong kiến, có đến trên 90% dân số không biết chữ, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu diễn biến rất trầm trọng.

Đứng trước tình hình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ xác định nhiệm vụ cách mạng chủ yếu lúc này là phải giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc - thành quả cuộc cách mạng giải phóng toàn dân tộc đã giành được trong những ngày tháng Tám lịch sử. Vì vậy, yếu tố tiên quyết là phải huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vào sự nghiệp cách mạng. Do đó, vai trò điều hành của Chính phủ, đặc biệt là hoạt động của Bộ Nội vụ có vai trò hết sức quan trọng. Trong bối cảnh đó, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian và tâm huyết tập trung chỉ đạo xây dựng bộ máy tổ chức của Bộ Nội vụ.

Ngày 27/8/1945, chỉ hai ngày sau khi từ Khu giải phóng Việt Bắc về đến Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ủy ban dân tộc giải phóng. Tại cuộc họp, Người đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia, bao gồm cả những đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ danh vọng không đảng phái. Tán thành đề nghị của Người, nhiều đại biểu Việt Minh trong Ủy ban đã rút lui để nhường chỗ cho đại biểu các đảng phái yêu nước và nhân sĩ danh vọng1. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo nêu rõ Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam được Đại hội quốc dân Tân Trào cử ra (ngày 16/8/1945) quyết định tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tuyên cáo cũng chỉ rõ nhiệm vụ của Chính phủ lâm thời: “Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ... Chính phủ lâm thời... thật là một chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức”2.

Trong 13 bộ của Chính phủ lâm thời có Bộ Nội vụ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp - một trong những người học trò xuất sắc, người đồng chí và cộng sự thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh - là Bộ trưởng đầu tiên. Ngày 28/8/1945 trở thành ngày ra đời của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước. Trong thời gian đầu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp là người duy nhất trong Chính phủ lâm thời được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền ký nhiều sắc lệnh quan trọng quy định những việc như: thiết quân luật ở Hà Nội, quy định về Quốc kỳ, mở cuộc Tổng tuyển cử v.v.. với danh nghĩa thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời.

Nhận thức rõ cùng với việc tổ chức xây dựng chính quyền mới là phải xóa bỏ bộ máy chính quyền thực dân, ngày 03/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41/SL về việc bãi bỏ tất cả công sở và các cơ quan trước đó thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương được thiết lập ở Hà Nội hoặc các nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam; quy định bất động sản và động sản ở tất cả các công sở trên đều phải giữ nguyên vẹn và chuyển giao cùng với những nhân viên hiện đang tòng sự tại đây sang các bộ của Chính phủ lâm thời Việt Nam theo sự phân phối của Chính phủ. Đối với Bộ Nội vụ, Sắc lệnh quy định các cơ quan trong bộ máy chính quyền thực dân gồm: Tòa Công chức Phủ Toàn quyền; một phần Tòa Pháp chính Phủ Toàn quyền trước gồm có Ty Pháp chế và Hành chính, Ty Hành chính tố tụng và Hành chính kiểm sát; một phần Tòa Chính trị Phủ Toàn quyền (Ty Nội chính); Tòa Liêm phóng Phủ Toàn quyền; Ban “Công báo” của Phòng Công văn Phủ Toàn quyền, sẽ chuyển giao về Bộ Nội vụ quản lý.

Để đảm bảo trật tự trị an của các hoạt động trong xã hội, góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền cách mạng, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL về việc thống nhất các Sở Cảnh sát với các Sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan, đặt tên là “Việt Nam Công an vụ”, quy định cách tổ chức và nhiệm vụ của Việt Nam công an vụ. Cơ quan này có nhiệm vụ:

“1- Tìm kiếm và tập trung các tin tức và tài liệu liên can đến sự an sự an toàn của quốc gia hoặc bề trong hoặc bề ngoài.

2- Đề nghị và thi hành các phương pháp đề phòng những hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước, bất cứ sự hoạt động đó là do người Việt Nam hay người nước ngoài.

3- Điều tra về những hành động trái phép nói trên và truy tìm người can phạm để giúp toà án trong sự trừng trị”3.

Trong bối cảnh các lực lượng Việt Quốc, Việt Cách âm mưu giành quyền kiểm soát Bộ Nội vụ, hoặc Bộ Quốc phòng - hai bộ nắm giữ quyền lực và có ảnh hưởng lớn trong xã hội khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mời những bậc nhân sĩ danh vọng không thuộc đảng phái nào đứng ra đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng. Với uy tín tuyệt đối và tấm lòng vì nước vì dân, đặt đại nghĩa dân tộc lên trên hết, xóa bỏ mọi thành kiến hẹp hòi, trọng dụng đức tài của những người yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục và mời được hai nhà trí thức tài năng và yêu nước nhiệt thành là nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng gánh vác cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Luật sư Phan Anh gánh vác cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I của nước Việt Nam mới, ngày 02/3/1946, khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Chính phủ và giao đứng ra tổ chức Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ này ra mắt gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau”4. Người giới thiệu thành phần của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Tối cao Cố vấn đoàn và Kháng chiến ủy viên hội và được Quốc hội thông qua. Thay mặt Chính phủ, Người tuyên thệ: “Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”5.

Nhằm tiếp tục củng cố chính quyền thêm một bước, ngày 03/5/1946, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 57/SL quy định tổ chức bộ máy của các bộ. Cũng trong ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL quy định về tổ chức và chức năng của cơ quan thuộc Bộ Nội vụ. Theo đó:

“I- Văn phòng, do một Đổng lý Văn phòng điều khiển.

II- Nha thanh tra, có nhiệm vụ kiểm soát và trình báo về hành chính và chính trị. Nha này thuộc quyền trực tiếp của Bộ trưởng và sẽ do một Sắc lệnh riêng tổ chức.

III- Năm Nha có nhiệm vụ kể sau đây, thuộc quyền kiểm soát của một đổng lý sự vụ:

1- Nha công chức và kế toán: quy chế và quan trị công chức - kế toán trong Bộ;

2- Nha Pháp chính: việc Pháp chế và Hành chính;

3- Nha Thông tin tuyên truyền: thu nhập và truyền bá các tin tức trong nước;

4- Việt Nam công an vụ: việc trị an;

5- Nha dân tộc thiểu số: xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước, và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam.

Mỗi Nha có một Giám đốc quản trị”6.

Khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ, ngày 29/5/1946, trước khi lên đường sang thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 82/SL cử Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ thay Người ký những công văn thường ngày của Chính phủ và Chủ tọa Hội đồng Chính phủ.

Ngày 28/10/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biểu thị sự tín nhiệm rất cao đối với sự điều hành của Chính phủ và tiếp tục giao Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra lập Chính phủ mới. Trong Chính phủ mới, nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng vẫn được giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Hoàng Minh Giám thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Hoàng Hữu Nam được cử thay ông Hoàng Minh Giám.

Như vậy, trong những năm đầu của chính quyền cách mạng, từ buổi đầu thành lập đến trước khi toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Bộ Nội vụ đã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng Bộ Nội vụ trở thành một bộ có vai trò hết sức quan trọng trong bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đảm nhiệm các công việc nội trị của Chính phủ, đặc biệt là tổ chức xây dựng nhà nước và bảo đảm trật tự, trị an. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại dấu ấn sâu sắc với Bộ Nội vụ không chỉ trong việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Bộ, mà còn trong việc tìm chọn, trọng dụng những người thực sự tài năng, đức độ, vì nước, vì dân, như Võ Nguyên Giáp, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Minh Giám, Hoàng Hữu Nam, Phạm Khắc Hòe... tham gia đảm nhiệm những cương vị quan trọng trong Bộ Nội vụ, điều hành những hoạt động của Bộ thực sự mang lại hiệu quả. Sự vững mạnh và hoạt động hiệu quả của Bộ Nội vụ chính là một nhân tố quan trọng góp phần tạo thế và lực của lực lượng cách mạng, phá thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc đi đến thắng lợi./.

PGS, TS. Lý Việt Quang
 Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước
Tâm Trang (st)

----------------------

Ghi chú:

1, 4, 5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 2, Nxb CTQG-ST, H. 2016, tr.237, tr.143, tr.143-144.
2. Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, ngày 29/9/1945, tr.2.
3. Việt Nam Dân quốc công báo, số 9, ngày 02/3/1946.
6. Việt Nam Dân quốc công báo, số 19, ngày 11/5/1946, tr. 266-267.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN