Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Những cống hiến đối với Quốc tế Cộng sản trong những năm tháng tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Những cống hiến đối với Quốc tế Cộng sản trong những năm tháng tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Cách đây 110 năm (1911 - 2021), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài để thực hiện khát vọng đem lại quyền tự do cho đồng bào, cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân. Người là tấm gương mẫu mực của sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa cộng sản, sự gắn kết giữa lực lượng cách mạng trong nước với quốc tế, giữa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sự nỗ lực cống hiến của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho cách mạng thế giới trong những năm tìm đường cứu nước có tầm ảnh hưởng to lớn đến cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì nền độc lập, tự do của con người và các dân tộc thuộc địa.

nhung cong hien voi qtcs 1
Năm 1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Những cống hiến vĩ đại cho quốc tế

Vào cuối thế kỷ  XIX, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, bộc lộ bản chất hiếu chiến, xâm lược thuộc địa và áp đặt ách thống trị thực dân ở khắp các nước Á, Phi, Mỹ Latin. Thế giới bị chia cắt với một bên là các nước tư bản, có nền công nghiệp phát triển và một bên là các nước thuộc địa và phụ thuộc, có nền kinh tế lạc hậu. Đến đầu thế kỷ XX, cuộc xung đột, tranh giành quyền lợi giữa các nước đế quốc đã dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), khiến các mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa đế quốc trở nên gay gắt. Cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước đế quốc, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc bùng lên mạnh mẽ, điển hình là Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Afganistan, Indonesia… và cách mạng phương Đông “thức tỉnh”. Vấn đề đặt ra cho các nước thuộc địa và phụ thuộc là cần phải tập hợp lực lượng, lựa chọn phương thức tiến hành cách mạng như thế nào để giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chế độ phong kiến mà đại biểu là triều đình nhà Nguyễn đã cam chịu đầu hàng, làm tay sai và dâng giang sơn cho đế quốc, thực dân. Với truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đã liên tiếp nổ ra khắp các miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu của thế kỷ XX, các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam đều bị thất bại do sai lầm về đường lối, hạn chế về sức mạnh quân sự và khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nhận thấy con đường do các thế hệ đi trước tiến hành sẽ không lật đổ được ách thống trị của thực dân, giải phóng được dân tộc, nên đã trăn trở tìm con đường cách mạng phù hợp với quy luật phát triển của thời đại lúc bấy giờ. Với hành trang hai bàn tay trắng, Người quyết tâm ra nước ngoài nghiên cứu thực tiễn cách mạng thế giới, tìm kiếm con đường, phương thức tiến hành cách mạng phù hợp để trở về nước lãnh đạo nhân dân đánh đuổi đế quốc, thực dân, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Người muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác tiến hành cách mạng thế nào để trở về nước giúp đồng bào. Người khẳng định: “Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm”1. Ngày 05-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình đến Singapore, Colombo… rồi đến thành phố Marseille của Pháp vào tháng 7-1911. Từ Marseille, theo một con tàu khác, Nguyễn Tất Thành đã có một cuộc hành trình rất dài đi vòng quanh châu Phi, đến những nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, rồi đến nước Anh và đến cuối năm 1917, trở lại về Pháp. Người không có ý định sang Nhật, không tìm đến các nước châu Á mà nhất quyết sang nước Pháp - nước bản địa đang đô hộ dân tộc mình - với mong muốn tìm hiểu và hóa giải sự thật về khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của cách mạng Pháp và đến tận châu Âu là cái nôi của các nước tư bản phát triển.

Trong thời gian ở Pháp, Người đã nhận thấy cần xây dựng, phát huy sức mạnh của tổ chức, các lực lượng cách mạng quốc tế, gắn kết sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam với sự nghiệp giải phóng chung các dân tộc thuộc địa và người dân cần lao trên toàn thế giới thì mới giành được thắng lợi… Với khoảng thời gian 30 năm bôn ba ở nước ngoài (1911 - 1941), trong đó 6 năm ở Pháp (1917 - 1923), Người mang nhiều tên gọi khác nhau, sống bằng đủ nghề lao động, hòa mình vào thực tiễn của chế độ tư bản chủ nghĩa để thấu hiểu hơn về cuộc sống của những người dân lao động. Qua trải nghiệm thực tiễn, Người đã rút ra kết luận có giá trị lý luận và đánh giá thực chất sự phân hóa, mâu thuẫn vốn có trong xã hội tư bản. Ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác và những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”2. Đây là nhận định mở ra định hướng quan trọng: muốn đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa thì phải tổ chức, tập hợp, đoàn kết nhân dân ở mỗi nước với lực lượng cách mạng ở chính quốc và quốc tế thì mới tạo ra sức mạnh chống lại kẻ thù.

Với tư duy biện chứng và tầm nhìn rộng lớn nên khi trở lại Thủ đô Paris (Pháp) vào năm 1917, Người tích cực tham gia hoạt động ở các tổ chức như Đảng Xã hội Pháp, Hội những người Việt kiều yêu nước tại Pháp để lên án, vạch trần bản chất của đế quốc xâm lược, chỉ ra nỗi khổ cực của người dân nô lệ và tập hợp lực lượng cách mạng quốc tế… Ngày 18-6-1919, nhân danh là người Việt Nam yêu nước đưa ra yêu sách của nhân dân An Nam cho Hội nghị Hòa bình, đòi Chính phủ Pháp thực hiện các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của dân tộc mình, Người sử dụng tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Ngày 25 đến ngày 30-12-1920, Người tham gia Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách là đại biểu duy nhất của Đông Dương, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp - một sự kiện chính trị, bước ngoặt vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và con đường cách mạng Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Đại hội, Người khéo léo lồng ghép nội dung kịch liệt tố cáo bọn đế quốc đã gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân Đông Dương, nêu rõ trách nhiệm của giai cấp công nhân Pháp đối với vận mệnh của các dân tộc thuộc địa.

Gia nhập Đảng Xã hội Pháp là cơ hội để Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với những nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Xã hội, có tầm ảnh hưởng to lớn nên đã để lại dấu ấn sâu sắc, thấm đượm tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân ở các nước đế quốc và là bước tiến quan trọng để thực hiện hoài bão mà Người đã lựa chọn. Ngày 16 và 17-7-1920, Báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp đã đăng “Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa”. Đây là cẩm nang về vấn đề dân tộc thuộc địa, đã chỉ ra phương hướng, con đường giải phóng dân tộc, đó là chỉ có gắn với cách mạng vô sản và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thì mới giải phóng được giai cấp, nhân dân lao động và đem lại nền độc lập dân tộc thực sự. Sau này, nhớ lại cảm xúc khi đọc bản Luận cương của V.I.Lênin, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!””3.

Với nhãn quan chính trị nhạy bén và khả năng thuyết phục mạnh mẽ, năm 1921 tại  Paris, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số nhà cách mạng châu Phi, Mỹ Latinh thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa với tuyên ngôn “Đoàn kết, tổ chức nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh tự giải phóng”. Do sớm nhận rõ vai trò của báo chí nên ngày 19-01-1922, Nguyễn Ái Quốc cùng với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã họp, quyết định thành lập cơ quan ngôn luận của Hội, lấy tên tờ báo là “Người cùng khổ” (Le Paria). Mặc dù trong điều kiện tài chính khó khăn, chính quyền Pháp ngăn cản, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều hoạt động sáng tạo để bảo đảm kinh phí và duy trì hoạt động của tờ báo. Với khoảng thời gian từ tháng 4-1922 đến tháng 6-1926, tờ báo “Người cùng khổ” phát hành được 38 số. Giá trị, tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn của tờ báo “Người cùng khổ” gắn với tên tuổi và thể hiện trí tuệ, tài năng, nhạy bén chính trị, năng lực tổ chức của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của tờ báo đã làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu, là diễn đàn để Người và Hội Liên hiệp thuộc địa tuyên truyền, tập hợp nhân dân thuộc địa chĩa mũi nhọn, vạch trần và đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đoàn kết lực lượng cách mạng để giải phóng các dân tộc thuộc địa.

Ở Đông Dương, bọn thực dân đưa ra quy định ai đọc tờ báo “Người cùng khổ” đều bị bắt. Có thể khẳng định rằng, thời gian hoạt động ở Pháp là dấu mốc quan trọng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, để lại hình ảnh đẹp về một người chiến sĩ cộng sản quốc tế nhiệt thành đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người; đồng thời, đã lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn theo con đường cách mạng vô sản mà Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra. Uy tín, tầm ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc đối với quốc tế trong thời kỳ hoạt động ở Pháp ngày càng lớn, gây được sự chú ý của một nhà lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản tên là D.Manulisky. Ông đã tin tưởng giới thiệu và muốn đào tạo Người trở thành lãnh tụ cho cách mạng Đông Dương. Vì thế, Quốc tế Cộng sản cùng với Đảng Cộng sản Pháp tổ chức cho Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là nhà cách mạng châu Á đã đến Liên Xô dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân.

Ngày 30-6-1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, về kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga, của V.I.Lênin, là cơ hội để Người hoàn thiện các luận điểm quan trọng về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam và trở thành lãnh tụ có ảnh hưởng lớn trong Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đã dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, khai mạc ngày 10-10-1923 và đã có bài phát biểu quan trọng. Với uy tín cao nên Người được bầu và trở thành một trong số 11 ủy viên của Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập nhanh chóng môi trường hoạt động mới, tham dự một số đại hội là những sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng lớn, như: Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và Đại hội lần thứ IV Quốc tế Cộng sản Thanh niên diễn ra vào tháng 6-1924; Đại hội lần thứ nhất Quốc tế cứu tế Đỏ vào tháng 7-1924; dự mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5 và dự mít tinh vì hòa bình thế giới ngày 06-7-1924 tại Quảng trường Đỏ. Tại Đại hội lần thứ V, Người được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, được giao nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á…

nhung cong hien voi qtcs 2
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Nga, năm 1924. Ảnh: TTXVN

Khoảng thời gian 14 tháng hoạt động ở Liên Xô tuy không nhiều (từ tháng 6-1923 đến tháng 11-1924) nhưng là bước ngoặt quan trọng của Nguyễn Ái Quốc trong hành trình tìm đường cứu nước và có những cống hiến to lớn đối với Quốc tế Cộng sản. Người đã gây dựng mối quan hệ với những người cộng sản thế giới, thông qua hoạt động trong tổ chức Quốc tế Cộng sản và khi tham gia khóa học tại trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông). Người có nhiều bài viết trên các báo, tạp chí, tranh thủ cơ hội tối đa trên các diễn đàn để gây sự chú ý và kêu gọi những người cộng sản ở nước chính quốc ủng hộ phong trào giải phóng của các nước thuộc địa.

Thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ mối liên hệ với Quốc tế Cộng sản, gặp gỡ các nhà lão thành cách mạng Việt Nam, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và cử hội viên về nước vận động và đưa thanh niên sang Quảng Châu đào tạo. Kết quả là đến năm 1927, Người đã mở được ba khóa với 10 lớp, huấn luyện 75 hội viên làm lực lượng cốt cán cho việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.  Người lập ra Báo Thanh niên làm cơ quan phát ngôn để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Người trực tiếp giảng bài để truyền đạt cho các thanh niên, những trí thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, vận dụng làm rõ con đường cách mạng của phương Đông vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Bài giảng của Người đã được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông tập hợp thành cuốn sách “Đường Kách mệnh”, xuất bản năm 1927 và trở thành cẩm nang cho những người cộng sản, chỉ dẫn những kiến thức cơ bản về cách mạng, về yêu cầu bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm nòng cốt để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc…

Khắc ghi bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam

nhung cong hien voi qtcs 3
Đất nước phát triển mạnh mẽ sau 35 năm đổi mới (Trong ảnh: Bến Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay - từ đây năm xưa Người đã ra đi tìm đường cứu nước). Ảnh: Zing.vn

Những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là khoảng thời gian có nhiều cống hiến quan trọng, có giá trị tạo ra bước ngoặt cho cách mạng Việt Nam, sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa và cho sự nghiệp cách mạng chung của thế giới. Người luôn trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận, nguyên lý, quy luật cách mạng chung, trong đó có quy luật thành lập đảng cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, vào việc xây dựng, thành lập chính đảng đặc thù ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến là Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngoài việc sáng lập, rèn luyện Đảng ta, trong những chặng đường tiếp theo, Người luôn giải quyết tốt các mối quan hệ chính trị, như: Giữa sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản với việc lựa chọn con đường, mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng và phương thức tiến hành cách mạng ở Việt Nam; giữa sự nghiệp cách mạng chung của thế giới với sự nghiệp cách mạng riêng của Việt Nam…

Trong suốt chặng đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người đã lựa chọn đúng con đường cứu nước, tổ chức và cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vẻ vang đó chứng minh rằng, một đảng cộng sản còn non trẻ ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, có đường lối lãnh đạo đúng đắn, có lãnh tụ thiên tài và biết phát huy sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc thì tất yếu chiến thắng đế quốc thực dân lớn. Cách mạng Việt Nam là thắng lợi điển hình trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là cơ sở vững chắc bảo đảm vững chắc nền độc lập, tự do của dân tộc. Sự cống hiến vĩ đại của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới là giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mở ra một thời đại mới mang tên “Thời đại Hồ Chí Minh”.

Khoảng thời gian ra nước ngoài tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là mốc son chói lọi, mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của Người, của dân tộc Việt Nam và của nhân loại tiến bộ. Thời gian càng lùi xa, càng cho chúng ta thấy sự vĩ đại của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, kiên định với mục tiêu đã lựa chọn, cả cuộc đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Những cống hiến vĩ đại của Người đối với cách mạng Việt Nam và quốc tế trong thời kỳ bôn ba ra nước ngoài, mà đặc biệt là thời gian ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, là những trang sử hào hùng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam, cũng như cách mạng thế giới. Nhân loại tiến bộ mãi ghi nhớ sự cống hiến vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, như nhà báo, nhà văn Cuba Luis Francisco Báez Hernández (1936 - 2015) đã từng viết: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật phi thường của thời đại”./.

Đại tá, PGS, TS. Lưu Ngọc Khải

Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tâm Trang (st)

---------------------------------

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 467, 287
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 562

BÀI VIẾT LIÊN QUAN