Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Phụ nữ Hưng Yên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phụ nữ Hưng Yên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

 

Phụ nữ Hưng Yên thời kỳ kinh tế hội nhập, không chỉ có đủ công - dung - ngôn - hạnh mà còn khéo léo,nhạy bén trong sự nghiệp cũng như công tác xã hội. Đã có gần 5 nghìn phụ nữ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều nữ học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đã có nhiều chị được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, chiến sỹ thi đua các cấp; nhiều chị được tặng Huân chương Lao động, được Chính phủ, các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp khen thưởng.

1. Thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, mảnh đất Hưng Yên từng nổi danh với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, được đón Bác 10 lần về thăm và làm việc. Mỗi lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc thực sự là niềm vinh dự to lớn, cổ vũ, động viên, khích lệ cán bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên quyết tâm đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà và ngày nay, vẫn là động lực tiếp thêm sức mạnh để Hưng Yên phát huy truyền thống văn hiến cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, ra sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XII của Đảng.

Trong những chuyến thăm và làm việc hay gửi thư cho đồng bào cả nước, Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ. Hồ Chủ tịch không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng quê hương, đất nước. Thời gian càng lùi xa, những điều Người nói, những việc Người làm cùng tâm tư, nguyện vọng của Người về vấn đề phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị thời sự mà mỗi người cần phải học tập và noi theo. Đó không chỉ là nhiệm vụ, một yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và phát triển hiện nay, đó còn là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải thường xuyên nghiên cứu, học tập quan điểm, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về giải phóng phụ nữ, để không chỉ học, làm theo hàng ngày mà cao hơn nữa là học được ở cuộc đời Người để làm người cách mạng và người công dân tốt.

2. Lần lại từng trang sử dựng nước và giữ nước hào hùng của tiền nhân thủa trước, Hồ Chí Minh nhận thấy làm “cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”1, thậm chí “những thời kỳ cách mạng và kháng chiến, phụ nữ đã rất dũng cảm”2, mà tiêu biểu là tấm gương chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của Bà Trưng, Bà Triệu từ buổi bình minh của lịch sử. Từ đó, Người khẳnh định mặc dù “phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình”3, song “phụ nữ ta sẵn có truyền thống cần cù và anh dũng”4 sẽ trở thành lực lượng to lớn không thể tách rời, một nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Và hiện thực sinh động đã diễn ra trước mắt của Nguời thuở ấy là triệu triệu phụ nữ đang ra sức thi đua “góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam”5.

Nhân những chuyến thăm và làm việc tại Hưng Yên, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ Hưng Yên. Với tư tưởng tiến bộ bình quyền, trong mỗi lần nói chuyện, mỗi lần viết thư gửi cán bộ và nhân dân tỉnh nhà, Hồ Chủ tịch luôn đặt vị trí của nữ giới ngang hàng với nam giới. Thư gửi đồng bào huỵên Phù Cừ, Người chỉ rõ nguyên nhân chiến thắng giặc dốt là nhờ sự sốt sắng giúp đỡ của các cụ phụ lão, các vị thi hào thân sĩ và của các cơ quan, đoàn thể, sự hăng hái của toàn thể đồng bào và đặc biệt là “sự cố gắng của nam nữ chiến sĩ bình dân học vụ”6. Thư gửi các chiến sĩ đường số 5, Bác viết “nam nữ dân quân du kích đường số 5 năm ngoái đánh giặc khá, sang năm 1949, anh chị em du kích đường số 5 phải cố gắng thêm…để làm kiểu mẫu cho dân quân du kích khác”7. Gặp mặt nông dân và điền chủ Hưng Yên, Bác nói: “Đồng bào ta bất kỳ là già trẻ, trai gái, lương giáo ai cũng đồng tâm hiệp lực, nhớn giúp bé, trẻ giúp già, mạnh giúp yếu thì chắc chắn thế nào cũng giành được độc lập hoàn toàn, được tự do hạnh phúc”8. Điều này chứng tỏ, Hồ Chủ tịch không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung, xây dựng quê hương Hưng Yên nói riêng.

Phát hiện ra sức mạnh của một nửa thế giới, Hồ Chủ tịch đã tiếp thêm sức mạnh cho chị em với tư thế của “địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà”9. Tại công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, những “chiến sĩ thuỷ lợi” đang hăng say lao động, Bác tới động viên và nói để được hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm thì phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt. Theo Bác, cán bộ quyết tâm thôi chưa đủ, mà phải là quyết tâm của toàn thể nhân dân, trong đó phụ nữ Hưng Yên giữ vị trí quan trọng, có trách nhiệm “khuyến khích chồng con đi dân công”. Có như vậy thì “chiến dịch chống giặc hạn” của “chúng ta nhất định thắng lợi”10. Tại sông Đình Dù, huyện Văn Lâm, hơn một vạn dân công các huyện Thuận Thành, Gia Lương (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, thị xã Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) cùng cán bộ công trường đang hồ hởi thi đua nạo vét sông thì được Bác tới tận nơi thăm hỏi. Bác thân mật nói chuyện, khen ngợi đồng bào và cán bộ: “anh chị em dân công và cán bộ khỏe mạnh, làm việc cố gắng như thế là tốt”. Mọi người vui mừng, phấn khởi và cảm động trước lời động viên và huấn thị của Người. Đặc biệt, tại đây Bác ngợi khen “hai nữ đảng viên, đồng chí Dền xã Quyết Tiến (Phù Cừ) và đồng chí Điềm ở Nhật Quang (Phù Cừ) đã nêu cao tinh thần xung phong, góp phần lãnh đạo đơn vị vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đúng thời hạn”. Tại nhà mẫu giáo thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, Bác ân cần hỏi thăm các cô mẫu giáo, chia kẹo cho các cháu. Trong khi nói chuyện, Bác đã nói một câu thật giản dị nhưng vô cùng sâu sắc mà các nữ giáo viên mầm non thuở ấy mãi ghi nhớ và thực hiện: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”12.

Càng đẩy mạnh phong trào phụ nữ thi đua yêu nước theo lời kêu gọi của Người, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã nở rộ biết bao tấm gương phụ nữ anh hùng, chiến sĩ thi đua đã được Bác khen ngợi và tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trên mặt trận chống quân thù có những nữ du kích Hoàng Ngân với phong trào “đòn gánh đánh tây” đã trở thành biểu tượng sinh động trong muôn vàn tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ thời đại Hồ Chí Minh. Trong số nữ anh hùng ấy, phải kể đến nhân vật “sống anh hùng, chết vẻ vang” Bùi Thị Cúc mà Người khâm phục kể lại cho bạn bè quốc tế: “Bị bắt, đồng chí phải trải qua những phương pháp thẩm vấn tàn bạo nhất mà bọn cảnh sát có thể nghĩ ra được: tra điện, bóc móng tay, chân và lột tóc, nhấn chìm xuống nước, treo lên dây, thả rắn vào quần. .. Chị không nói một lời nào. Cuối cùng bọn chúng mổ bụng chị”.  Người nhận định sự hi sinh của chị “đã cổ vũ cho đồng bào chúng tôi đứng lên, đặc biệt là đồng bào tỉnh Hưng Yên và đã thúc đẩy họ chiến đấu hăng hái hơn chống lại quân xâm lược”15. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, xuất hiện những tấm gương tiêu biểu như cụ Nguyễn Thị Cúc, chị Trịnh Thị Thành, em Lê Thị Hạ có thành tích chăn nuôi giỏi; chị Nguyễn Thị Bìa kiện tướng cấy giỏi; chị Phạm Thị Vách dẫn đầu phong trào làm thuỷ lợi toàn miền Bắc, chị Trần Thị Ánh, chị Dền, chị Điềm đạt năng suất lao động cao trên công trường thuỷ lợi... Trên lĩnh vực khác có cụ Lê Thị Mẫn với thành tích 18 năm liền làm bưu điện tốt; cô giáo Đào Thị Nhàn có nhiều thành tích trong dạy học; em Trần Thị Lâm có thành tích 2 lần nhặt được của rơi đem trả lại… Đặc biệt, trong lớp lớp những bông hoa tươi đẹp ấy, một số chị em Hưng Yên vô cùng vinh dự, tự hào được gặp Bác nhiều lần, như Anh hùng lao động Phạm Thị Vách, nữ du kích Trương Thị Tám...Những lần được gặp Bác đã trở thành những kỷ niệm ấn tượng không thể nào quên, là động lực có sức cổ vũ mãnh liệt để họ tiếp tục trọn đời với Đảng, với Bác. Chị Trương Thị Tám kể vào một buổi sáng cuối cuối tháng 8/1954, “đang trong giờ tập, tôi thấy có ông cụ mặc quần áo gụ, đi dép cao su, bước tới trước hàng quân. Vì đang tập luyện nên tôi không chú ý tới cụ”. Giờ giải lao, tôi hỏi đồng chí chỉ huy hướng dẫn tập mới biết đó là Bác: “Lúc đó bàng hoàng, xúc động. Với cái tuổi 18 của tôi, ở nhà chỉ biết cắt cỏ chăn bò. Vào du kích chỉ biết đi đánh giặc, được kết nạp vào Đảng, được nghe truyền miệnh những chuyện về Cụ Hồ, biết Cụ là người tài giỏi, giúp dân cứu nước, đem lại độc lập cho nước nhà. Nên trong ý nghĩ của tôi, Cụ như ông Thánh, ông Tiên, đâu ngờ Cụ lại giản dị như thế này, lại tới tận nơi chúng tôi tập luyện”16.

3. Nhớ lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch và từ bài học kinh nghiệm xương máu được đúc kết trong những năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc về phương pháp tổ chức, phát động và giáo dục, động viên các tầng lớp phụ nữ Hưng Yên phát huy truyền thống đoàn kết, thi đua yêu nước, trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là từ khi tái lập đến nay, Tỉnh ủy Hưng Yên tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai toàn diện trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phụ nữ. Nhiều phong trào thi đua thiết thực như Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo”, “Hạn chế sử dụng túi ni lon vì môi trường”, “Xây dựng gia đình 5 không – 3 sạch”; với các hình thức thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt, theo chuyên đề, đã thu hút đông đảo giới phụ nữ tham gia. Chị em công nhân nêu cao truyền thống anh dũng, kiên cường, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, bằng tài năng, nghị lực và trí sáng tạo của mình, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất. Chị em nông dân tích cực đẩy mạnh nông nghiệp phát triển toàn diện. Chị em lao động trí óc đem hết tài năng và trí tuệ, ra sức đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, tích cực phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông. Chị em lực lượng vũ trang luôn mài sắc tinh thần cảnh giác, làm tốt công tác bảo vệ trị an và quốc phòng. Các cụ bà mang những kinh nghiệm tích cực tham gia xây dựng và động viên con cháu hoàn thành nhiệm vụ trong lao động, học tập. Chị em thanh niên làm đầu tầu, xung kích thực hiện với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Các cháu gái thiếu nhi, nhi đồng ra sức học tập thực hiện tốt 5 điều Bác dạy, thi đua làm nghìn việc tốt để xứng đáng với cháu ngoan Bác Hồ. Họ là những tấm gương người tốt, việc “rất mình vì mọi người” đã làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Hưng Yên, có sức lôi cuốn đông đảo quần chúng noi theo trong cuộc sống, lao động sản xuất và học tập.

Phụ nữ Hưng Yên thời kỳ kinh tế hội nhập, không chỉ có đủ công - dung - ngôn - hạnh mà còn khéo léo,nhạy bén trong sự nghiệp cũng như công tác xã hội. Đã có gần 5 nghìn phụ nữ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều nữ học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đã có nhiều chị được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, chiến sỹ thi đua các cấp; nhiều chị được tặng Huân chương Lao động, được Chính phủ, các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp khen thưởng. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển, nhiều chị được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan Đảng, chính quyền các cấp; nữ cấp ủy, nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp và nữ giữ chức vụ trưởng phó các ban, ngành, đoàn thể các cấp đều tăng. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy: Cấp tỉnh 9/53 người, chiếm 16,98% (tăng 4,78% so với nhiệm kỳ trước), trong đó nữ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 2/15 người, chiếm 13,33%; cấp huyện, thành phố là 16,08% (tăng 0,68%), cấp cơ sở là 18,49% (tăng 2,69%). Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021: 3/7 người, chiếm 42.86%, vượt chỉ tiêu đề ra. Số nữ giới tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021: cấp tỉnh là 10/53 người (chiếm 18,87%); cấp huyện là 102/332 người (chiếm 30,72%); cấp xã là 956/4.079 người (chiếm 23,44%). Tỷ lệ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền: cấp tỉnh là 12/58 người (chiếm tỷ lệ 20,69%), cấp huyện 3/28 người (chiếm 10,71%) và cấp xã 23/250 người (chiếm 9,2%).

Phát huy tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, cùng tiến bộ, tinh thần hăng say lao động, vượt khó và sự sáng tạo, phụ nữ Hưng Yên cùng phụ nữ cả nước đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ, thiết thực củng cố, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ, làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, làm thoả lòng mong ước của Bác Hồ. Phụ nữ Hưng Yên thời hội nhập đang tiếp tục phát huy truyền thống trung hậu, đảm đang,  khởi nghiệp phát triển kinh tế - xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thiết nghĩ, để thực hiện thành công nhiệm vụ này, giai đoạn hiện nay cần phải xây dựng, khẳng định và phát triển công tác phụ nữ ở một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác phụ nữ trong tình hình mới; đẩy mạnh và nâng cao cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là ở khía cạnh giải phóng phụ nữ. Đây là một trong những công tác quan trọng để bản thân mỗi người trong xã hội, ở mỗi địa phương đều hiểu được vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ mà Bác Hồ đã chỉ rõ.

Thứ hai, sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải do bản thân người phụ nữ làm chủ. Do đó cần thực hiện các giải pháp tác động làm thay đổi những nhận thức cổ hủ, bằng nhận thức mới, đúng đắn về vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, mặt khác phải không ngừng cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp; tăng cường và triển khai hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Phụ nữ và các tổ chức đoàn thể chính trị trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ; đa dạng hóa các phong trào, cuộc vận động giúp phụ nữ tự tin trong học tập, lao động, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế để tạo lập quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ. Việc này sẽ tạo môi trường cho sự bình đẳng về cơ hội và quyền lực, hai yếu tố thiết yếu để đạt được bình đẳng giới trên các phương diện khác, như giáo dục, y tế và tham gia chính trị; tăng cường cơ chế giám sát việc triển khai các cơ chế, chính sách cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ yếu thế trong xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền của phụ nữ, các vụ bạo lực gia đình.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống từ đó giảm tải được những áp lực mà người phụ nữ phải lo toan trong cuộc sống gia đình hằng ngày. Có đáp ứng được nhu cầu về kinh tế thì người phụ nữ mới có điều kiện để giải phóng mình và phát triển bản thân mình một cách toàn diện.

Văn Mạnh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.2, tr.443.

[2], [5] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.661.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.185.

[4], [9] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.10, tr.295-296

[6] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, “Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ”, Nxb CTGQ, 2005, tr.64.

[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.5, tr.1043.

[8] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.4, tr.260-261.

[10] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd t.9, tr.229-231.

[11] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, Sđd, tr.47-48.

[12] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, Sđd, tr.206-210.

[13] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên, Sđd, tr.126-129

[14] Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên, Sđd, tr.163-169.

[15] Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên, Sđd, tr.71-74.

[16] Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên, Sđd tr.214-218.