Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
“Thanh niên” Hưng Yên xây dựng trường học cho trẻ em vùng cao

“Thanh niên” Hưng Yên xây dựng trường học cho trẻ em vùng cao

Thật khó để gặp được nhân vật truyền cảm hứng, “người hùng” của trẻ em vùng cao Phạm Đình Quý, quê ở xã Bình Minh (Khoái Châu) bởi anh vẫn đang tiếp tục hành trình rong ruổi khắp đất nước, xây trường, xây lớp cho các em nhỏ vùng cao. Tranh thủ chuyến về thăm quê, chúng tôi có dịp gặp anh Quý vào một ngày cuối tháng Ba, bên bờ sông Hồng lộng gió, nhâm nhi chén trà ấm và nghe anh kể câu chuyện về hành trình xây dựng những ngôi trường mơ ước cho học sinh vùng cao khắp cả nước. Trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió, ánh mắt anh lấp lánh niềm vui...
 

Niềm vui của giáo viên và học sinh điểm trường Cà Xen, Trường tiểu học Thanh Lạng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình)

 

Hành trình “cắm bản xây trường”


Sinh năm 1972, anh Phạm Đình Quý từng là giám đốc của một công ty xây dựng làm ăn phát đạt. Nhưng rồi công ty phá sản, vừa buồn lại không có việc, năm 2012, anh theo nhóm bạn đi làm từ thiện. Trong chuyến từ thiện đầu tiên tại Trường tiểu học Trung Lý, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), anh đã được chứng kiến công cuộc “tìm chữ” của các em nhỏ ở đây khó khăn cỡ nào. Các em hầu hết là người dân tộc thiểu số, nhà nghèo lại ở cách xa trường nên các em xin thầy, cô giáo cho ở lại nhà bán trú của trường. Nhà bán trú được dựng bằng tre, nứa tạm bợ, hè không chắn được gió Lào, đông không ngăn được sương muối, mọi vật dụng sinh hoạt đều thiếu thốn, đơn sơ. Thức ăn hàng ngày của các em chủ yếu là rau, măng rừng... Hình ảnh đó đã ám ảnh và thôi thúc anh phải làm điều gì đó giúp các em. Ngay trên chuyến xe trở về Hà Nội, anh đã quyết định sẽ vận động ủng hộ xây dựng một khu nhà bán trú kiên cố tại xã Trung Lý để các em nhỏ có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn. Với khoảng 70 triệu đồng huy động được ngay trên xe, anh cùng nhóm thiện nguyện tính chỉ đủ để xây phần móng kiên cố cho khu bán trú, còn phần trên dựng tạm bằng gỗ, tre...


Bắt tay vào làm mới thấy xây nhà trên núi việc gì cũng khó. Dốc núi quanh co, gần như dựng đứng, đường đi rất nhỏ... xe không đi được nên phải vận chuyển vật liệu xây dựng bằng sức người. Rất may, người dân địa phương và các thầy, cô giáo đã tự nguyện hỗ trợ, “cõng” từng viên gạch, từng bao xi măng lên địa điểm xây dựng. Qua mấy tháng kêu gọi, số tiền do các nhà hảo tâm ủng hộ anh Quý đã lên đến hơn 670 triệu đồng. Anh quyết định xây dựng công trình nhà nội trú gồm 4 phòng khang trang, nhà bếp, khu vệ sinh và sân chơi sạch sẽ. Chi phí để xây dựng công trình hết 430 triệu đồng. Khánh thành ngôi trường đầu tiên tại Thanh Hóa vào năm 2014, anh Quý đã chẳng thể ngờ đây chính là khởi đầu cho hành trình “cắm bản xây trường” của anh trong suốt những năm sau. Làm xong công trình thấy còn dư tiền, anh quyết định đi tìm và xây tiếp ngôi trường thứ 2, thứ 3... tại những vùng đặc biệt khó khăn khác. 


Hơn 150 ngôi trường và hành trình xây tiếp


Năm 2016 đánh dấu “bước ngoặt” trong chặng đường xây trường thiện nguyện của anh Quý khi anh được Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup và nhiều doanh nghiệp khác muốn hợp tác, hỗ trợ kinh phí để anh xây dựng trường học cho trẻ em vùng cao. Để xây dựng một ngôi trường trên núi rất vất vả. Mỗi lần bắt tay vào xây trường, anh Quý lại như con thoi đi lại giữa trùng điệp núi rừng. Mỗi khi biết điểm trường nào cần giúp đỡ, anh đều tranh thủ sắp xếp công việc trực tiếp đến xác minh. Có những điểm phải đi tới đi lui nhiều lần mới xong việc. Có những chuyến đi, anh và những người bạn của mình phải đối mặt với không ít nguy hiểm, thậm chí đánh cược tính mạng, có những điểm trường nằm biệt lập, “3 không” (không điện, không nước, không sóng viễn thông)... 


Theo tính toán của anh Quý, để xây dựng một điểm trường trên vùng cao cần khoảng 10 tấn xi măng, 30 tấn cát và 10.000 viên gạch, kinh phí xây dựng từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; thời gian xây dựng từ vài tháng đến cả năm. Có thời điểm anh quản lý, giám sát xây dựng 26 ngôi trường ở nhiều địa phương khác nhau. Những điểm trường vốn xơ xác, heo hút nằm tại nhiều bản làng xa xôi ở các tỉnh miền núi, biên giới từ Hà Giang, Điện Biên, Sơn La cho đến Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… đã lần lượt được anh và cộng sự khảo sát, thi công, hoàn thiện để các học trò nghèo cũng như thầy, cô giáo có nơi “gieo chữ”. Không chỉ đơn giản cất dựng một ngôi trường là xong, anh vẫn thường xuyên giữ liên lạc, hoặc trở lại thăm các điểm trường để giúp đỡ các thầy, cô và em nhỏ.


Đồng chí Phạm Hồng Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Từ năm 2014 đến nay, anh Phạm Đình Quý đã kêu gọi ủng hộ kinh phí, xây dựng, bàn giao cho các địa phương trong tỉnh trên 30 ngôi trường trị giá hàng chục tỷ đồng. Tất cả các công trình này đều được anh Quý tính toán cẩn thận từ thiết kế đến việc thi công những chi tiết nhỏ nhất để phù hợp với quy hoạch của địa phương, kiên cố, bền vững, đẹp và bảo đảm an toàn cho học sinh. Đặc biệt, những công trình này có chi phí xây dựng khá thấp và anh Quý luôn công khai minh bạch tài chính nên các nhà hảo tâm và người dân đều rất tin tưởng. Mỗi điểm trường mới được khánh thành trong niềm vui hân hoan, phấn khởi của thầy, trò và người dân vùng cao, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn...


Năm 2018, anh Quý vinh dự được bình chọn là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng của giải thưởng WeChoice Awards (giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức). Giải thưởng ấy chắc chắn rất xứng đáng với anh, bởi trong khoảng 5 năm (từ 2014 đến 2018) anh Quý đã vận động các nhà hảo tâm và trực tiếp thi công, hoàn thiện trên 100 ngôi trường/nhà bán trú cho học sinh và giáo viên ở vùng cao. Và đến nay, anh Quý đã vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng hơn 150 ngôi trường/nhà bán trú cho các em nhỏ vùng cao ở khắp nơi trong cả nước. Đây quả là con số biết nói, chứng minh công sức, tâm huyết và sự tận tụy không mệt mỏi của người thợ cả.


Năm 2020, khi lũ lụt xảy ra ở các tỉnh miền Trung, thì cũng là lúc anh Quý ở trong “rốn lũ” để tham gia cứu trợ. Nhờ uy tín có sẵn, anh đã kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ được số tiền khoảng 30 tỷ đồng để giúp đỡ người dân vùng lũ. Năm 2021, anh vận động nhà hảo tâm ủng hộ 500 tấn rau, củ, quả để hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19...


Gần 10 năm với hành trình thiện nguyện là sự khó khăn, gian nan không hề nhỏ, nhưng cả quãng thời gian đó chưa bao giờ anh Quý thấy khổ, chỉ thấy niềm vui, tiếng cười và niềm hạnh phúc khi được cho đi, là niềm tin mà mọi người dành cho mình. Có một điều đáng nói là với hơn 150 điểm trường xây dựng, tương đương số tiền hàng trăm tỷ đồng quyên góp, ủng hộ của rất nhiều nhà hảo tâm, nhưng chưa có ai từng nghi ngờ người thợ cả Phạm Đình Quý. Bởi với mỗi dự án, anh đều công khai mọi khoản thu, chi. Khi được hỏi điều nhiều người thắc mắc, anh Quý xây trường từ thiện như vậy có công hay không? Anh Quý trả lời: Tiền khảo sát mỗi điểm trường là không công; tiền bản vẽ, giám sát, quản lý... tất cả gộp lại tôi tính công mình bằng công một thợ xây. Điều này được tôi công khai rất minh bạch trong phần tài chính với các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện nên rất được ủng hộ.Hiện anh Quý là Giám đốc Quỹ Những tấm lòng Nhân ái với các hoạt động thiện nguyện giáo dục, y tế... Với ước mơ xây 1.000 ngôi trường rồi sẽ “nghỉ hưu”, anh cho biết hành trình còn dài và cần sự chung tay của rất nhiều người, trong đó có các nhà hảo tâm, thầy, cô giáo và lãnh đạo địa phương...


Chúng tôi chia tay anh Quý trong niềm cảm phục những nỗ lực vượt qua khó khăn của anh để trao cho các em nhỏ vùng cao cơ hội đến trường, cơ hội được học tập ở những ngôi trường khang trang hơn, góp phần giúp tương lai của các em tươi sáng hơn.


Hương Giang, Nguồn tin: https://baohungyen.vn