Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tư tưởng Hồ Chí Minh: Định hình thế hệ doanh nhân thời đại

Tư tưởng Hồ Chí Minh: Định hình thế hệ doanh nhân thời đại

SUỐT BẢY MƯƠI BA NĂM QUA, NHỮNG TƯ TƯỞNG LỚN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ GIỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP VIỆT NAM NHƯ KIM CHỈ NAM ĐỊNH HÌNH CHO ĐỘI NGŨ NHỮNG NGƯỜI TRỰC TIẾP LÀM KINH TẾ, PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC...

Từ tư tưởng lớn

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm, sự quan tâm của Người dành cho giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Người đã có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.


doang nhan
Ảnh minh họa

Với tư tưởng coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng,  ngay trong những năm đầu khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của công, thương nghiệp đối với công cuộc kiến thiết nước nhà. Ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.

Như vậy, trong Tuần lễ Vàng, các nhà công thương Hà Nội trở thành giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giới công - thương, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công - thương Việt Nam. Trong thư, Người viết: “Được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành Công - Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, Công - Thương Cứu quốc đoàn đang hoạt động làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.

Về vai trò, nhiệm vụ của giới công - thương trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Và về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...

Theo thời gian, cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta ngày càng cam go, ác liệt. Mặc dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kháng chiến, kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp, doanh nghiệp; đặc biệt, Người đã có nhiều bài viết, nói, thư… gửi giới công - thương, các xí nghiệp, doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa, đồng thời đề ra những giải pháp giúp xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển. Trong một bài viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 09/11/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, doanh nghiệp, đó là phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân. Thực hiện đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ...

Quan tâm, trân trọng giới công - thương trong việc đầu tư trí tuệ và vốn liếng để làm ích quốc, lợi dân là một phần quan tâm của Hồ Chí Minh trong tư tưởng xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. 

Đồng hành cùng đất nước

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập ngày nay, tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị. 

Bức thư chưa đầy 200 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam cách đây 73 năm không chỉ là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giới công - thương, mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho giới công - thương vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng toàn dân tham gia công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước trong những năm tháng chiến tranh. Nội dung thư ngắn gọn, lời lẽ chân thành, giản dị nhưng là định hướng sâu sắc cho sự phát triển của ngành Công thương suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ khi giành độc lập tới nay.

Thực hiện tâm thư của Bác và tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp nhân dân trong xã hội góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 20/9/2004 nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hàng năm  là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam (13/10/1945) là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Ngày 09/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; không ngừng phát triển để đến năm 2020 có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á. Vì vậy, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.

Đến nay, sau hơn mười năm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” và 7 năm Nghị quyết 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh đã phát huy vai trò, vị thế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện chủ trương đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, lực lượng doanh nghiệp đang phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: Viễn thông, năng lượng, khai khoáng, tài chính..., đóng góp vào tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 22%; đồng thời có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Kinh tế tư nhân mà nòng cốt là doanh nghiệp tư nhân từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế xã hội. Số lượng doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh trên nhiều phương diện, hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng miền; tỷ trọng đóng góp GDP luôn lớn nhất và ổn định ở mức khoảng trên dưới 40%, tạo việc làm cho khoảng 80% lao động đang làm việc của nền kinh tế. Đội ngũ doanh nhân dần ý thức vai trò của mình trong thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xây dựng các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp theo hướng hài hòa, văn minh và phát triển, hoàn thành tốt nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức văn hóa trong kinh doanh, bảo vệ môi trường...

Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Trung ương 5, Khóa 12 của Đảng đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. 

Hơn bảy thập kỉ đã qua, đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân càng được thể hiện trong việc xây dựng và kiến thiết đất nước, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Nghị quyết số 10 - NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây được xem là quan điểm rất tích cực trong đổi mới về tư duy phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn và đất đai, tài nguyên; quyết tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao.

Nam Giao
Theo Thời báo Doanh nhân
Thu Quyên (st)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN