Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, xuất bản qua các tác phẩm, bài nói, bài viết

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, xuất bản qua các tác phẩm, bài nói, bài viết

bh voi bao chi

Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Cuộc đời hoạt động của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng. Từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18-6-1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên Báo Nhân dân ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời, để lại hơn 2.000 bài báo các loại…, về nhiều đề tài, thể loại, kết cấu và văn phong cũng như hình thức thể hiện, với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.

Người cho rằng, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Vì vậy, dù viết về đề tài nào, bằng hình thức, thể loại nào, các bài báo của Người đều là vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, là phương tiện hữu hiệu để “thắp lửa” cho quần chúng cách mạng và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị luôn vẹn nguyên giá trị nhưng trong từng cơ quan báo chí, từng bài viết cần có sự vận dụng sáng tạo và linh hoạt.

Sau đây, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin tổng hợp, trích đăng một số tác phẩm, bài nói, bài viết thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác báo chí, xuất bản trong cuộc đời hoạt động báo chí cách mạng của Người.

Phần 1

1. Nhật ký hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bốn tháng sang Pháp

Khi người Pháp nghe nói đến tình hình bên nước nhà ngày trước, như báo chí không được tự do, dân chúng không được tổ chức, hoặc những việc khủng bố và thuốc phiện, rượu cồn, thì họ lấy làm ngạc nhiên, họ cho là quái gở, nhiều người lại nhăn trán đập bàn mà nói:

"A chúng nó tàn nhẫn thế ư? Chúng nó bôi nhọ nước Pháp thế ư?".

Nói đến Việt Nam độc lập, thì nhiều người hăng hái tán thành. Họ nói: "Giời sinh ra người, ai cũng có quyền tự do. Nước Pháp muốn độc lập thì lẽ gì không để Việt Nam độc lập?".

Biết bao nhiêu lần, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ, công nhân, trí thức Pháp, ân cần nhắn nhủ gửi lời thân ái cho nhân dân Việt Nam.

Rồi đi đến đâu, người Pháp nghe nói là đại biểu của Việt Nam thì bất kỳ người quen kẻ lạ ai cũng tay bắt mặt mừng.

Có hiểu rõ tình hình người Pháp ở Pháp, mới thấy rõ ràng cái chính sách: "Hai dân tộc Việt - Pháp thân thiện".

(Trích Nhật ký hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bốn tháng sang Pháp do Đ.H. viết, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.4 (1945-1946), tr.411).

2. Đông Dương (1923-1924)

Nói xong vấn đề giáo dục, thì tự nhiên chúng tôi nghĩ ngay tới câu hỏi: Thế còn báo chí? Những điều tôi sẽ kể về báo chí An Nam nó kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin được. Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Lý do như thế này, chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào được xuất bản nếu không được viên toàn quyền cho phép, rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo chưa đăng phải trình viên toàn quyền duyệt trước đã, và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng được. Tinh thần bản sắc lệnh về báo chí là như thế đấy. (Chúng tôi bị cai trị bằng chế độ sắc lệnh do viên toàn quyền ban bố chứ không phải bằng những đạo luật đã được thảo luận và biểu quyết ở nghị viện). Trên thực tế còn tệ hơn nữa. mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả.

Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ.

Ngay cho đến cả những tờ thông tin thuần túy về kinh tế và thương mại, người ký giả bản xứ cũng chỉ xin được phép bằng những biện pháp quanh co. Anh ta phải thuê tiền một người Pháp có địa vị và được kính nể. Ông này đi gặp quan cai trị và xin phép cho ông ta, là người Pháp. Vì ông ta vẫn sẽ là sáng lập viên của tờ báo, mặc dầu ông chẳng biết một tiếng An Nam nào gọi là có, ông chẳng phải bỏ tiền túi ra lấy một xu nhỏ, chẳng phải đụng tý gì đến công việc của tờ báo cả trừ việc đi gặp viên quan cai trị. Chỉ việc cho mượn tên mình, người Pháp kia nhận được hàng tháng một số tiền rất hậu mà người ký giả bản xứ phải trả cho ông lâu dài, báo còn ra là còn phải trả.

Trước khi đưa đi nhà in, tất cả các bài báo phải dịch ra tiếng Pháp và đưa kiểm duyệt đã. Cấm ngặt những tờ thông tin ấy không được đả động gì đến những vấn đề chính trị hay tôn giáo, mà chỉ được đăng những tin tức thông thường, những vấn đề xét ra có lợi cho nhà nước. Khi đất nước bị một thiên tai nào, lụt lội, bão táp, đói kém, v.v.. phòng kiểm duyệt cấm báo không được cho dân chúng biết những tin "không vui" ấy, cấm báo không được mở lạc quyên giúp những người bị nạn. Báo không có quyền nói gì, dù chỉ bóng gió, đến việc bầu cử hội đồng thuộc địa hay hội đồng hàng tỉnh. Có một tờ, dịch ra tiếng An Nam đạo luật cấm những hành vi hối lộ trong việc tuyển cử, đã bị kiểm duyệt trắng mất nửa tờ báo mà còn bị khiển trách thêm nữa. Nhiều khi người ta cấm cả dịch đăng những bài đã đăng ở các báo tiếng Pháp xuất bản ở Đông Dương.

Các bạn chớ tưởng rằng mấy tờ báo thông tin khốn khổ ấy được tự do phân tích tất cả những cái thuộc về kinh tế. Chẳng hạn, họ không được nói đến đời sống đắt đỏ, đến việc mất mùa, đến việc buôn gian bán lậu của bọn con buôn người Âu, đến việc xoay xở tiền nong bất lương của bọn quan cai trị, đến những vụ đầu cơ đê tiện của bọn chủ đồn điền và chủ nhà máy người da trắng. Vừa rồi, người ta cấm báo chí không được đả động đến việc chính phủ nhượng quyền kinh doanh hải cảng Sài Gòn, nếu không phải để tán dương công đức của công ty độc quyền và lòng vô tư của Chính phủ. Có một tờ cũng đã "tán dương", nhưng kém nhiệt tình, nên phòng kiểm duyệt trước hết đã theo dõi bí mật, rồi đóng cửa hẳn tờ báo ấy.

Những người vào làng Tây, được hưởng quyền công dân Pháp, có thể xuất bản báo, nhưng chỉ bằng tiếng Pháp mà thôi - ở Nam Kỳ có 5, 6 tờ báo vào loại ấy. Ở các vùng khác, không có tờ báo nào, vì không có hay có ít người vào làng Tây. Trong số các cơ quan ngôn luận ấy - thường là bán nguyệt san - có hai hay ba tờ có khuynh hướng quốc gia hợp pháp. Ghép hai tính từ trái ngược nhau ấy với nhau, có thể kỳ dị đấy và cần giải thích đôi chút. Những tờ báo này là của bọn tư sản bản xứ mới lên, có địa vị là nhờ ở nền đô hộ Pháp. Nền đô hộ ấy đã sinh ra bọn này nhưng lại không để cho họ phát triển. Vì vậy, tầng lớp tư sản nhỏ bé đó bị ngạt trong phạm vi chật hẹp và phụ thuộc mà quan thầy ngoại quốc - cha đỡ đầu của họ - dành cho họ. Và vì thế, họ hờn mát nhưng cũng nhè nhẹ thôi. Bởi thân phận nửa dơi nửa chuột của họ, chẳng thuộc hoàn toàn trong xã hội An Nam vì họ là những người vào làng Tây, mà cũng chẳng thuộc trong tầng lớp "quý tộc" Tây vì họ xuất thân ra là người An Nam - nên họ cảm thấy lúng túng trước mọi việc. Đồng thời, trong mọi hành động và tư tưởng của họ, đều thấy cái mâu thuẫn xã hội và tâm lý ấy. Báo của họ chỉ trích những vụ hà lạm, nhưng lại phỉnh nịnh những kẻ hà lạm; họ than phiền về những đạo luật đè nén áp bức, nhưng vẫn cậy thế vào nước mẹ; họ mủi lòng cho số phận khốn khổ của người An Nam, những vẫn ca tụng công đức mơ hồ của một nền khai hóa tốt đẹp hơn. Họ muốn chữa bệnh nhưng lại không dám tìm và tấn công vào nguồn gốc của bệnh.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sđd, 2009, t.1 (1919-1924), tr.377).

3. Thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp

….

Sau khi được thành lập ít lâu và khi đã giành được không phải là không chật vật những cột báo trên tờ L'Humanité, Ban Nghiên cứu thuộc địa đã hoạt động khá tốt. Những tài liệu và tin tức có giá trị đã bắt đầu được gửi từ các thuộc địa đến Ban. Chiến dịch mà Ban tiến hành trên báo Đảng nhằm chống những nhũng lạm và tội ác của bè lũ thực dân, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dân chúng các thuộc địa và mang lại nỗi lo lắng cho chủ nghĩa đế quốc thực dân và báo chí của nó. Nhưng diễn đàn ấy đột nhiên đã bị báo L'Humanité bỏ đi. Bị tước mất phương tiện công tác và hoạt động, Ban lâm vào tình trạng hoàn toàn bị tê liệt. Điều đó đã làm cho giới báo chí to lớn của giai cấp tư sản rất hài lòng, những báo chí này đã dành rất đều đặn hàng bao nhiêu trong công tác tuyên truyền thực dân và luôn luôn sợ bị cải chính và lật mặt nạ.

Điều đó đã đặc biệt gây những ấn tượng rất nặng nề cho dân bản xứ. Mặc dầu là hão huyền, những lời tuyên bố trong các đại hội toàn quốc ủng hộ dân chúng các thuộc địa cũng đã góp phần củng cố mối cảm tình mà họ đã có đối với Đảng. Tuy nhiên thật là không thích đáng nếu cứ lắp đi lắp lại mãi một điều mà không làm gì. Và những người bị áp bức khốn khổ thấy chúng ta chỉ luôn luôn hứa hẹn nhưng cũng luôn luôn không hành động gì thì bắt đầu tự hỏi rằng không biết thực ra chúng ta là những người đứng đắn hay những kẻ lừa phỉnh. Cuộc hành trình của các đồng nghiệp Vayăng Cutuyariê và Ăngđrê Béctông qua Angiêri và Tuynidi, tiến hành hầu như cùng một lúc với các cuộc dạo chơi đế vương của bọn đại biểu tư sản, đã được dân chúng Châu Phi rất hoan nghênh. Nếu những cuộc hành trình cũng một tính chất như thế được tiếp tục trong tất cả các thuộc địa thì chắc chắn là kết quả sẽ đáng mừng.

Nhưng, đáng lẽ phải tăng cường tuyên truyền thì chúng ta lại đã bỏ dở cái việc đã được bắt đầu, và bỏ mất những cơ hội tốt. Bởi thế, chúng ta đã làm rất ít trong khi xảy ra cuộc bãi công đẫm máu ở Máctiních, cảnh chết đói ở Bắc Phi và cuộc nổi dậy ở Đahômây.

Trong trường hợp sau chốt này, chúng ta đã có một bộ mặt thiểu não. Nhiều ngày sau tất cả các báo tư sản và mười ngày sau báo L'Oeuvre, báo Đảng mới đăng tin về cuộc nổi dậy. Trong lúc chính phủ thuộc địa đã thiết quân luật, tập trung quân đội, huy động chiến hạm, huy động các bộ máy đàn áp, bắt bớ và kết án các nhà hoạt động từ 5 đến 10 năm tù; trong lúc các báo chí viết thuê đã tiến hành một cách có hệ thống một chiến dịch lừa dối và bưng bít dư luận thì chúng ta chỉ viết có hai hay ba bài báo ngắn, rồi thôi. Không phải là không mỉa mai và không đáng buồn khi trong bóng tối của những ngục tù có tính chất khai hóa, những anh em Đahômây đau khổ của tôi đọc điều thứ 8, trong số 21 điều kiện, nói rằng: "Mỗi đảng cam đoan tiến hành một công tác cổ động có hệ thống trong quân đội nước mình nhằm chống mọi ách áp bức dân chúng thuộc địa; và mỗi đảng phải ủng hộ, không những bằng lời nói mà cả bằng hành động, phong trào giải phóng của các thuộc địa".

Nhưng thật là vô ích nếu buộc tội quá khứ và tiếc rẻ thì giờ đã mất. Tốt nhất là biết sử dụng tốt thì giờ trong tương lai. Vì vậy chúng tôi yêu cầu Đảng:

1) Chính thức thừa nhận Liên đoàn Máctiních (nhóm Giăng Giôrét);

2) Mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L'Humanité;

3) Yêu cầu Ban nghiên cứu thuộc địa cung cấp tài liệu cho phân bộ thuộc địa và cứ hai hoặc ba tháng một, báo cáo công tác của mình với phân bộ.

4) Ở những nơi đã thành lập phân bộ thuộc địa thì khuyến khích các bộ phận này tăng cường công tác tuyên truyền và tuyển thêm người bản xứ;

5) Trên tất cả báo chí của Đảng, mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả quen với các vấn đề thuộc địa.

6) Nói đến các thuộc địa trong hết thảy các đại hội mít tinh hoặc hội nghị của Đảng.

7) Cử các nghị sĩ đi thăm các thuộc địa, mỗi khi nền tài chính của Đảng cho phép.

8) Tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập nhóm tương tự như ở các thuộc địa.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sđd, 2009, t.1 (1919-1924), tr.195).

Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa