Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền

Tu tuong HCM ve XD chinh quyen

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 
Nguồn: dangcongsan.vn

 

1. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải biết bảo vệ chính quyền trước những đòn phản kích điên cuồng của kẻ thù. Bởi mặc dù cách mạng đã thành công, chính quyền đã về tay nhân dân lao động nhưng bên trong các thế lực phản động vẫn còn đang cấu kết với nhau chống lại cách mạng; bên ngoài, các thế lực đế quốc vẫn chưa từ bỏ âm mưu can thiệp và xâm lược đất nước. Nếu không chăm lo xây dựng chính quyền gắn với bảo vệ chính quyền thì khó giữ được thành quả cách mạng. Người nói: “Dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranhtrong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn”1. Do đó, xây dựng chính quyền phải đi đôi với bảo vệ chính quyền; hai nhiệm vụ quan trọng này không khi nào được tách rời nhau. Đồng thời, Người luôn gắn nhiệm vụ bảo vệ chính quyền với nhiệm vụ xây dựng chế độ xã hội mới. Muốn bảo vệ được chính quyền cách mạng, thì không có cách gì tốt hơn là phải xây dựng chính quyền thực sự vững mạnh về mọi mặt, đủ sức tự bảo vệ; lấy xây để chống, lấy xây dựng để tự bảo vệ làm chính.

Xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền là một trong những nội dung tư tưởng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cách mạng Việt Nam đã giành được chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”2.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi, chính quyền nhân dân non trẻ vừa mới ra đời đã cùng một lúc phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Tình hình đất nước lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính quyền nhân dân - thành quả của cuộc đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh đang đứng trước nhiều thử thách nghiêm trọng, có nguy cơ bị lật đổ, nền độc lập dân tộc vừa mới giành được có nguy cơ bị mất. 

Thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận thức sâu sắc tư tưởng về giành được chính quyền đã khó, xây dựng và bảo vệ chính quyền mới càng khó hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tư tưởng quan trọng về xây dựng chính quyền phải đi đôi với bảo vệ chính quyền để chỉ đạo cuộc cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền là vấn đề có tính quy luật của cách mạng vô sản nói chung, của cách mạng vô sản ở Việt Nam nói riêng. Bởi vì, mặc dù cách mạng đã thành công, chính quyền đã về tay nhân dân, nhưng nếu không chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh thì không thể quản lý, điều hành được đất nước. Mặt khác, mặc dù đã giành được chính quyền, nhưng các thế lực thù địch, phản động cả bên trong và bên ngoài sẽ còn cấu kết với nhau để chống phá cách mạng. Nếu không chăm lo bảo vệ chính quyền thì không thể giữ được thành quả cách mạng, không giữ được chính quyền vừa mới giành được.

Tư tưởng xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở tư tưởng xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thực sự vững mạnh để không chỉ điều hành, quản lý xây dựng đất nước mà còn đủ sức để lãnh đạo nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sau khi giành được chính quyền thì cách mạng phải biết tự bảo vệ trước những đòn tấn công, phản kích điên cuồng của kẻ thù. Tuy nhiên, trong điều kiện chính quyền vừa mới xây dựng, còn non trẻ, muốn bảo vệ được chính quyền thì phải chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh về mọi mặt để đủ sức tự bảo vệ. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm giải quyết vấn đề gốc rễ của bảo vệ là phải đi từ xây dựng thực lực mạnh, trước hết là xây dựng chính quyền vững mạnh. Trong nhiều nhiệm vụ cần kíp đặt ra sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ củng cố chính quyền nhân dân, tạo cho chính quyền đó có đầy đủ các điều kiện về mặt pháp lý, tổ chức, lực lượng cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực, phương pháp, tác phong công tác để đảm nhiệm tốt việc điều hành đất nước.

Trong xây dựng nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tính chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước ta là một nước dân chủ; nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân; chính quyền của ta là chính quyền nhân dân. Đã là chính quyền nhân dân thì phải do nhân dân bầu ra, do nhân dân lựa chọn người có tài, đức để gánh vác việc nước nhà. Muốn dân sử dụng được đầy đủ quyền dân chủ để lựa chọn đội ngũ cán bộ của nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng cho nhân dân và chính quyền mới một cơ sở pháp lý vững chắc với chủ trương tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu trong cả nước và sớm ban hành hiến pháp mới. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là một nước dân chủ thì chính quyền phải do dân bầu cử, do dân lựa chọn. Nếu chính quyền do dân thực sự bầu ra, do dân lựa chọn thì dân sẽ đem hết sức mình để góp phần xây dựng và bảo vệ chính quyền. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời ngày 03-9-1945, Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ: “tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”3 và “phải có một hiến pháp dân chủ”4.

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là ở chỗ Chính phủ, các cơ quan công quyền là công bộc của dân, các cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”5. Đã là một nước dân chủ, thì mọi lợi ích đều là của dân, mọi phấn đấu của Chính phủ, của cán bộ đều vì dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Do đó, “quyền hành và lực lượng” của Chính phủ đều ở nơi dân. Mặt khác, Chính phủ do dân bầu ra, dân có quyền bãi miễn Chính phủ, nếu chính phủ không làm tròn phận sự, không xứng đáng với niềm tin của dân. Có thể coi đây là tư tưởng độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền. 

2. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền thì vấn đề xây dựng chính quyền trong sạch, liêm khiết có vai trò hết sức quan trọng. Người trực tiếp chỉ dẫn cách tổ chức làm việc của các ủy ban nhân dân, các cơ quan công quyền, đặt cơ sở cho việc xây dựng tác phong làm việc của đội ngũ công chức mới, giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ Nhà nước, lấy các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” làm chuẩn mực trong rèn luyện cán bộ, công chức.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”6. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đây là một trong sáu vấn đề khẩn cấp mà Chính phủ lâm thời phải giải quyết sau khi giành được độc lập. Trong “Lời tuyên bố trước Quốc hội” ngày 31-10-1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”7

Trong khi đặt lên hàng đầu tư tưởng về việc xây dựng một nhà nước là công bộc của dân, về xây dựng một chính phủ liêm khiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc xây dựng một chính phủ có năng lực quản lý, điều hành đất nước. Người nhấn mạnh tư tưởng về “một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ được độc lập và thống nhất của nước nhà”8, “một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc”9

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi một Chính phủ có năng lực làm việc thì sẽ giải quyết được nhiều nhiệm vụ của nước nhà, đem lại lợi ích cho quốc gia - dân tộc, cho nhân dân, làm tăng thêm sức mạnh của đất nước, để đủ sức bảo vệ được chính quyền. Ngược lại, nếu Chính phủ yếu kém về năng lực thì sẽ không làm được gì cho dân, thậm chí còn làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của quốc gia - dân tộc, khó có thể đứng vững trước khó khăn, thử thách. Mặt khác, một Chính phủ kém năng lực lại không liêm khiết thì tất yếu sẽ bị dân bãi miễn trước khi bị kẻ thù phá hoại. Cho nên, muốn bảo vệ được chính quyền thì trước hết phải chăm lo xây dựng chính quyền đó vững mạnh, một chính quyền hợp pháp, do dân cử ra, thực sự vì dân, trong sạch, liêm khiết và có năng lực thực thi công việc.

Muốn có một chính quyền như vậy, thì đương nhiên là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức có đủ đức và tài; phải có chính sách để thu hút nhân tài tham gia vào bộ máy của Chính phủ. Ngay sau khi thành lập Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi hiền tài tham gia Chính phủ, giúp nước, giúp dân. Người cho rằng, hiền tài của đất nước không thiếu, đang tiềm tàng trong dân, chưa có điều kiện bộc lộ. Muốn thu hút được nhiều hiền tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở rộng cửa Chính phủ, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giới tính, tuổi tác. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”10. Vấn đề là phải “khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”11

Để xây dựng được một chính quyền mạnh, có đủ khả năng để quản lý, điều hành đất nước và đủ sức mạnh để tự bảo vệ cần phải huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy sức mạnh của chính quyền không những ở sức mạnh của tổ chức bộ máy luôn được kiện toàn, mà còn chủ yếu là ở sức mạnh được huy động từ khối đại đoàn kết toàn dân. Một chính quyền biết quy tụ được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ bảo đảm cho chính quyền đó luôn được xây dựng vững mạnh và bảo vệ vững chắc, không có thế lực nào có thể đánh ngã được. 

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền, sự đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi để bên trong hết lòng, hết sức ủng hộ Chính phủ, ủng hộ chính quyền, bên ngoài thì quốc tế tôn trọng và giúp đỡ, bảo đảm cho chính quyền luôn được xây dựng vững mạnh và bảo vệ vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong “Lời tuyên bố với Quốc hội về việc thành lập Chính phủ mới”, rằng: “Chính phủ mới phải tỏ rõ cái tinh thần đại đoàn kết, không phân đảng phái”,… “Chính phủ này tỏ rõ tinh thần quốc dân liên hiệp”,… “Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”12. Đặc biệt, để chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo tổ chức xây dựng Mặt trận thống nhất với tôn chỉ, mục đích đoàn kết rộng rãi mọi giai cấp, mọi dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước để cùng nhau góp sức xây dựng và bảo vệ chính quyền.

Trong khi đánh giá cao vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của Mặt trận thống nhất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo và liên minh công nông làm nòng cốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thực hiện cho được liên minh công nông, vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản động cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động”13. Cùng với việc chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua Mặt trận thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm chăm lo xây dựng các lực lượng khác của nền chuyên chính vô sản, như quân đội, công an, tòa án, pháp luật… Người nói, Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới, quân đội, công an, tòa án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân.

Về mặt quân sự, Người chủ trương ra sức phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; “phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân. Đồng thời, phải phát triển và củng cố dân quân du kích về mặt: Tổ chức, huấn luyện, chỉ đạo và sức chiến đấu”14. Về mặt an ninh, Người chủ trương xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Người luôn căn dặn công an nhân dân phải “nhận rõ nhiệm vụ của công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”15. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân”16.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền còn được thể hiện sâu sắc ở luận điểm mở rộng dân chủ với nhân dân đi đôi với thực hành chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù có mối quan hệ với nhau trong tiến trình của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau vì “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại… dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”17

Nhân dân lao động được làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, được tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội mới đem hết sức mình để xây dựng và bảo vệ chính quyền. Trong khi các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu chống phá cách mạng, song song với thực hiện dân chủ, giai cấp cách mạng còn phải thực hành chuyên chính với các thế lực phản cách mạng, các lực lượng thù địch trong và ngoài nước để bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ của Nhà nước, dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân… Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường chuyên chính để làm cho chính quyền ta ngày càng thật sự là chính quyền của nhân dân, phục vụ nhân dân, chống lại kẻ thù của nhân dân”18

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền đi đôi với bảo vệ chính quyền trong hơn 73 năm qua chính là cơ sở lý luận vững chắc bảo đảm cho chính quyền nhân dân luôn được xây dựng vững mạnh, đặc biệt khi chúng ta đang hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./. 

PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Hà An (st)

-------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 229
2. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 304
3, 4. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 8
5. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 375
6. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 9
7, 8. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 427
9. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 430
10. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 451
11. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 99
12. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 430
13. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 303 - 304
14. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 171
15. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 119
16. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 9, tr. 29
17. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 279 - 280
18. Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 289