Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về tiến bộ xã hội và ý nghĩa trong nhận thức mục tiêu phát triển ở Việt Nam

Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về tiến bộ xã hội và ý nghĩa trong nhận thức mục tiêu phát triển ở Việt Nam

rên cơ sở tiếp thu thế giới quan và phương pháp luận triết học Mác và kế thừa giá trị truyền thống phương Đông, Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò và địa vị của quần chúng trong sự vận động lịch sử xã hội và mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, tiến bộ xã hội còn phản ánh mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tự do, bình đẳng và công bằng xã hội là mục tiêu và là nội dung căn bản để hiện thực hóa những giá trị, lý tưởng cao đẹp của CNXH. Người đề cao công bằng xã hội trong việc làm yên lòng dân để xã hội ổn định và phát triển.

Triết học Hồ Chí Minh về tiến bộ xã hội không chỉ dừng lại ở nhận thức về những bước chuyển của lịch sử xã hội từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn; mà hơn cả, đã được hiện thực hóa bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam để từng bước hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội như C.Mác khẳng định: “Con người, cuối cùng làm chủ tồn tại xã hội của chính mình thì cũng do đó mà làm chủ tự nhiên, làm chủ cả bản thân mình, trở thành người tự do”(1). Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về tiến bộ xã hội là kết quả của việc tiếp thu, phát triển và vận dụng sáng tạo quan điểm của triết học Mác trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Nó đã trở thành hệ giá trị đặc trưng trong toàn bộ tư tưởng của Hồ Chí Minh nói chung, trong đó có tư tưởng triết học của Người nói riêng. Đặc biệt, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về tiến bộ xã hội không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, mà đến nay vẫn tiếp tục là cơ sở lý luận cho quan điểm và đường lối phát triển hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Quan điểm về tiến bộ xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm triết học, bởi đó là một hệ thống tư tưởng được kết hợp giữa quan điểm triết học Mác về tiến bộ xã hội, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn cách mạng Việt Nam và những quan điểm của thế giới về tiến bộ xã hội.

Trên cơ sở tiếp thu thế giới quan và phương pháp luận của triết học Mác, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong sự vận động lịch sử xã hội, để từ đó chỉ rõ về mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Bàn về khuynh hướng của vận động xã hội loài người nói chung, trên cơ sở tiếp thu quan điểm của triết học Mác về “Sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(2); và “Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất Châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội”(3); Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến CNXH (cộng sản) - nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy”(4).

Như vậy, khuynh hướng vận động phát triển của tiến bộ xã hội là tất yếu đi lên theo hướng tiến bộ, thể hiện ở sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội thấp bằng một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn về chất.

Hơn nữa, Người còn chỉ ra động lực của vận động lịch sử bắt nguồn ngay từ chính hoạt động thực tiễn của những con người sống trong điều kiện của xã hội hiện thực. Quan niệm đó đã làm nổi bật sức mạnh của lịch sử được kết tinh từ từng cá nhân và cả cộng đồng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”(5). Như vậy, con người trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh luôn được nhấn mạnh ở sự thống nhất giữa những cá nhân tạo nên sức mạnh của dân tộc và cao hơn là tạo nên sức mạnh của cả loài người. Với lý do đó, một khi sức mạnh tiềm tàng của con người được khơi dậy, được định hướng, nó sẽ tạo thành một sức mạnh hiện thực to lớn cho một dân tộc nói riêng, và hơn nữa, cho cả nhân loại nói chung trong tiến trình lịch sử xã hội.

Song, trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, con người với tư cách là cội nguồn động lực của lịch sử, được nhấn mạnh trước hết ở sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, với sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm rõ sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam được hợp thành từ sức mạnh của quần chúng nhân dân. Bởi vậy, trong tư tưởng triết học của Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân không chỉ được tiếp thu từ triết học Mác, mà hơn nữa còn bao hàm sự kế thừa những giá trị truyền thống phương Đông về vị trí và vai trò của người dân như: “Dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc); rồi “dân vi bang bản” (dân là gốc của nước); hay “dân vi quý” (dân đáng quý nhất). Song, quan điểm về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử tư tưởng phương Đông đã được soi sáng bởi quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều này đã thay đổi cách nhìn về vị trí, vai trò chủ thể của quần chúng nhân dân trong điều kiện hiện thực mới; khắc phục hạn chế của cách nhìn phương Đông phong kiến về sự lệ thuộc của quần chúng nhân dân: “Dân khả sử do tri, bất khả sử tri chi” (dân chỉ có thể khiến họ phải theo, chứ không thể khiến cho họ biết).

Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò chủ thể của động lực quần chúng nhân dân trong tiến trình vận động của lịch sử, là một sức mạnh to lớn, bởi vì: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(6). Đặc biệt, theo Người, “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”(7). Hơn nữa, căn cứ vào điều kiện thực tiễn một nước nông nghiệp, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ giai cấp nông dân cũng chính là lực lượng cách mạng tiềm tàng, đông nhất, mà nếu “khéo tổ chức, khéo lãnh đạo thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan”(8).

Đồng thời với việc nhấn mạnh nguồn sức mạnh của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới những điều kiện để khơi nguồn sức mạnh to lớn đó, mà một trong những điều kiện căn bản nhất là trước hết phải thực hiện được quyền tự do, bình đẳng và công bằng và xã hội. Các quyền đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tiến bộ xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về các quyền cơ bản mang tính song trùng vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tiến bộ xã hội, đã không chỉ trở thành sức mạnh hiện thực cho việc giành lại địa vị làm chủ của người dân mất nước trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn trở thành sức mạnh hiện thực trong giai đoạn xây dựng xã hội mới hiện nay.

Để tạo động lực hướng tới mục tiêu đó, theo Hồ Chí Minh, trước hết phải giải phóng được con người khỏi chế độ áp bức và bất công của chế độ thực dân, phong kiến. Do trong xã hội này người dân không được làm chủ, không có tự do, bình đẳng và không có công bằng; “...nhân dân chỉ có nghĩa vụ, như nộp sưu đóng thuế, đi lính đi phu mà không có quyền lợi”(9). Công nhân và nông dân là lực lượng chủ yếu tạo nên của cải vật chất để xã hội tồn tại, phát triển. Song, có một sự vô lý và bất công là những người lao động thì suốt đời nghèo khổ, trong khi một số ít người không lao động thì lại “ngồi mát ăn bát vàng”. Hồ Chí Minh cho rằng, đó là “vì một số ít người đã chiếm làm tư hữu những tư liệu sản xuất của xã hội”(10). Đồng thời, Người vạch rõ, trong xã hội có giai cấp bóc lột thống trị, chỉ có lợi ích cá nhân của bọn thống trị là được thoả mãn, còn lợi ích cá nhân của quần chúng lao động thì bị giày xéo.Từ đó, Hồ Chí Minh kết luận rằng, công bằng và bình đẳng xã hội thực sự chỉ có được trong chế độ xã hội dân chủ cộng hoà, “nhân dân có nghĩa vụ,đồng thời có quyền lợi”(11).

Như vậy, điều kiện tiên quyết cho việc giành được những quyền cơ bản ấy là giải phóng dân tộc. Với lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam nhận thức thấu đáo giá trị đích thực của chủ quyền dân tộc; độc lập dân tộc, quyền tự do dân tộc; cũng như quyền dân tộc tự quyết của mình. Chủ quyền quốc gia mà người Việt Nam có được, theo Hồ Chí Minh, không phải có nguồn gốc từ mệnh trời, thần thánh, cũng không phải do ai ban tặng, mà phải trả bằng sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Triết lý trong việc khẳng định chủ quyền dân tộc; độc lập dân tộc, quyền tự do dân tộc; cũng như quyền dân tộc tự quyết tạo cơ sở nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu tiến bộ xã hội ở Việt Nam và là cơ sở phát huy vai trò động lực lịch sử của quần chúng nhân dân. Tư tưởng triết học sâu sắc ấy của Người được thể hiện sâu sắc trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945. Trên cơ sở kế thừa những quan điểm của nhân loại tiến bộ, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(12). Như vậy, điều kiện tiên quyết để thực hiện tiến bộ xã hội không đơn thuần chỉ là bình đẳng giữa những con người, mà hơn nữa còn là quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”(13). Việc hưởng những thành quả do chính sự hy sinh của mình mới giành được ấy, là một công lý mà không ai có thể phủ nhận được. Chính vì vậy, chủ quyền tối cao của Việt Nam thực sự là chủ quyền của nhân dân Việt Nam, nhân quyền và chủ quyền quốc gia gắn với giá trị công bằng,bình đẳng đã càng thể hiện sâu sắc tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về mục tiêu tiến bộ xã hội.

Như vậy, trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về tiến bộ xã hội, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp và giải phóng con người vừa là tiền đề, vừa là thước đo của mục tiêu tiến bộ xã hội. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người chỉ có một hoài bão là “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(14). Đặc biệt, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cùng với thực tiễn Việt Nam, Người khẳng định: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”(15), và “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho con người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc...”(16).

Trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, tiến bộ xã hội còn phản ánh mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, trong đó công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân chính là nội hàm. Nói cách khác, tiến bộ xã hội có được khi mỗi người ngày càng có điều kiện phát triển; trong đó, điều kiện tiên quyết là được làm chủ vận mệnh của mình và đất nước mình; mà cụ thể là: “Làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được no ấm và sống một đời hạnh phúc”(17). Đó là xã hội mà nhân dân ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ; là xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Một xã hội như vậy chỉ có thể là xã hội XHCN.

Như vậy, tự do, bình đẳng và công bằng xã hội là mục tiêu và là một nội dung căn bản để hiện thực hóa những giá trị, lý tưởng cao cả của CNXH. Sự tự do, bình đẳng và công bằng của chế độ XHCN còn được bảo đảm bằng những cơ sở vững chắc. Điều này thể hiện ở chỗ: “Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động... Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”(18). Người khẳng định: “CNXH là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng”(19). Do đó, sự bình đẳng của những người lao động trong mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, mà trước hết là sự bình đẳng về địa vị làm chủ nước nhà, làm chủ tư liệu sản xuất là những điều kiện cơ bản hàng đầu mà chế độ xã hội mới tạo ra, bảo đảm cho mỗi người đều phát huy được mọi khả năng của mình để cùng vươn tới mục tiêu ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, Người còn khẳng định, không phải chỉ đến khi có điều kiện kinh tế phát triển mới thực hiện được bình đẳng và nhất là công bằng xã hội. Trái lại, thực hiện công bằng xã hội luôn là một yêu cầu bức thiết, và yêu cầu đó lại càng bức thiết hơn khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Và đó chính là động lực để thoát khỏi sự nghèo khó. Với phương pháp luận ấy, Hồ Chí Minh từng căn dặn, có hai điều quan trọng phải nhớ:

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng:

Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(20).

Công bằng không đồng nghĩa với bình quân và cào bằng. Khi phê phán chủ nghĩa bình quân dẫn đến thủ tiêu động lực phát triển, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bình quân chủ nghĩa là gì? Là ai cũng như ai, bằng hết... Bình quân chủ nghĩa là trái với chủ nghĩa xã hội, thế là không đúng”(21). Điều đó đã chứng tỏ, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện công bằng xã hội không phải là để có ngay sự “ngang nhau”; sự “đồng đều”, nhất là về hưởng thụ; mà thực tế chỉ là sự “ngang nhau- bình đẳng”về nghĩa vụ thì “ngang nhau - bình đẳng”về quyền lợi; và như vậy, ngang nhau về cống hiến thì mới ngang nhau về hưởng thụ,... Như Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ em...”(22).

Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ một chân lý rằng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn càng không được đẩy việc thực hiện công bằng xã hội đến chỗ bình quân chủ nghĩa - dẫn đến sự cào bằng trong nghèo khổ. Điều này tất yếu dẫn đến sự lười biếng, ỷ lại, ăn bám; và như vậy, đương nhiên cũng sẽ dẫn đến thủ tiêu động lực phát triển.

Như vậy, trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, công bằng và bình đẳng không chỉ là một mục tiêu, mà còn là động lực của sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới. Nó không phải là chủ nghĩa bình quân cào bằng trong sự nghèo khổ. Bởi vậy, mục tiêu của chế độ xã hội mới là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, là phấn đấu:

“Làm cho người nghèo thì đủ ăn.

Người đủ ăn thì khá giàu

Người khá giàu thì giàu thêm”(23).

Những quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh cho thấy, ngoài ý nghĩa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng CNXH, bình đẳng và công bằng xã hội còn mang ý nghĩa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Việc thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội đúng nghĩa sẽ kích thích mọi người, tùy theo khả năng, sức lực của mình, cùng tham gia vào xây dựng một cuộc sống mới, từng bước vươn tới xã hội cộng sản - một xã hội, trong đó“Mọi người làm hết tài năng; ai cần dùng gì có nấy”(24).

Trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, địa vị và vai trò chủ thể của quần chúng nhân dân luôn được đề cao. Đặc biệt, trong những nội dung của tư tưởng triết học về tiến bộ xã hội, Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của công bằng xã hội trong việc làm yên lòng dân và nhờ “yên được lòng dân” mà xã hội được ổn định để có điều kiện thuận lợi cho phát triển. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, những đóng góp quý báu đó của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, có tác dụng chỉ đạo đối với chúng ta không chỉ trong quan hệ lợi ích kinh tế, mà cả trong nhiều quan hệ xã hội khác./.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,1995, tr.333.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, sđd, t.23, tr.21.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, sđd, t.13, tr.16.

(4), (8), (9), (10), (11), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr. 247, 185, 219, 203, 219, 245.

(5), (7), (23) Sđd, t.5, tr.644, 151, 65.

(6), (12), (13), (14) Sđd, t.4, tr.20, 1, 4, 161.

(15), (16) Sđd, t.1, tr.416, 461.

(17), (18), Sđd, t.10, tr.17, 310.

(19) Sđd, t.9, tr.175.

(20) Sđd, t.12, tr.185.

(21), (22) (24) Sđd, t.8, tr.386, 226, 118.

PGS, TS Nguyễn Minh Hoàn

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn http://lyluanchinhtri.vn

Trần Thanh Huyền (st)