Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2009

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2009

- Năm 2009, nền kinh tế Việt Nam đi qua nhiều bước thăng trầm, tuy nhiên bức tranh nền kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên nhiều điểm sáng như: Việt Nam sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế, gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động và đã cho ra mẻ xăng dầu đầu tiên tại Việt Nam, mức cam kết ODA lần đầu tiên vượt ngưỡng 8 tỉ USD...

 

1. Việt Nam sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở lớn với thế giới thông qua kim ngạch xuất khẩu cũng như đóng góp của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong GDP. Thời điểm đầu năm 2009, đã có tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam chỉ tăng trưởng GDP 0,3% do khả năng sụt giảm xuất khẩu, thất nghiệp lan rộng, đầu tư sụt giảm, DN phá sản...

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, nhiều nền kinh tế lớn khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc rơi vào tăng trưởng âm hoặc bằng 0%, Việt Nam đã có cuộc vượt bão ngoạn mục khi tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,2%. Mức tăng trưởng này được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đây cũng là năm giá các mặt hàng tương đối ổn định, chỉ số lạm phát được kiềm chế ở mức 6,8%.

Thành tựu này, theo phân tích của các chuyên gia, có sự góp phần không nhỏ từ gói kích thích nền kinh tế của Chính phủ. Tính đến cuối tháng 12, gần 500.000 tỷ đồng đã được giải ngân đến với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Đây chính là điều kiện tiên quyết giúp họ vượt qua khó khăn, vực dậy năng lực cạnh tranh và sản xuất.

2. Cả nước hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, lập tức được dư luận, nhân dân và DN hưởng ứng. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã có nhiều biện pháp giúp hàng VN đến với mọi người, mọi nhà một cách sâu rộng hơn.

Cuộc vận động đã đánh thức tinh thần Việt, xoá dần thói quen tiêu dùng sính hàng ngoại của người Việt, đồng thời đánh thức chính DN Việt Nam đừng bỏ quên thị trường nội, với trên 80 triệu dân.

3. Gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục

Năm 2009, VN xuất khẩu (XK) được hơn 6 triệu tấn gạo, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, tăng hơn 33% so với năm 2007 (4,5 triệu tấn), tăng 30,4% so với năm 2008 (4,6 triệu tấn).

XK nhiều, nhưng nông dân làm ra hạt gạo chưa được hưởng lợi thích đáng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân VN - ông Nguyễn Quốc Cường - trong chuỗi giá trị làm nên hạt gạo, người nông dân làm trên 50% khối lượng công việc, giới kinh doanh gạo chỉ làm 10%, nhưng lại được hưởng tới 67% giá trị tăng thêm.

Căn cứ các yếu tố đầu vào có thể xác định giá thành khoảng 3.000đ/kg thóc. Để bảo đảm cho nông dân có lãi khoảng 30%, giá sàn xác định là 3.800 đồng/kg. Do nông dân không có điều kiện dự trữ, thu hoạch xong phải bán ngay nên đầu vụ còn bán được giá trên 3.000đ/kg, giữa vụ thu hoạch rộ giá chỉ khoảng 2.600-2.700đ/kg.

Do đó mục tiêu đẩy mạnh XK gạo, nhằm đảm bảo cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30% của Chính phủ chưa đến được tay nông dân trong năm 2009.

Cùng đó, cũng lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức festival lúa gạo. Lần đầu tiên, hạt gạo và những người làm ra nó được tôn vinh bằng một festival hoành tráng, với hơn 500 gian hàng, thu hút hơn 400.000 người tới dự. Festival đã làm sống lại con đường lúa gạo Việt Nam và qua đó nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt.

4. Cam kết ODA lần đầu tiên vượt ngưỡng 8 tỉ USD

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG-2009), cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam 8,063 tỉ USD vốn ODA trong năm tài khoá 2010. Đây là mức cam kết kỷ lục từ trước đến nay, đặc biệt trong bối cảnh kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay bị hạn chế.

Từ khi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động chương trình ODA cho Việt Nam tháng 11.1993 đến nay, đã có 22 tỉ USD được giải ngân trong tổng số 42,5 tỉ USD vốn cam kết, tính đến trước thời điểm diễn ra hội nghị CG lần này.

Trong nhiều năm trở lại đây, cam kết ODA cho Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới. Nếu như năm 2005 là 3,7 tỉ USD thì năm 2006 đã tăng lên hơn 4,4 tỉ USD; năm 2007 lên 5,426 tỉ USD và năm 2008 là 5,015 tỉ USD. Con số cam kết của năm 2009 này đã vượt xa mọi kỷ lục trước đó, chứng tỏ nền kinh tế VN được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mức giải ngân được coi là có nhiều chuyển biến tích cực.

5. Khánh thành, đi vào vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất và đã sản xuất mẻ xăng dầu đầu tiên tại Việt Nam; Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã sản xuất thành công mẻ xăng, dầu đầu tiên, được chế biến từ nguồn dầu thô của đất nước; đánh dấu bước khởi đầu phát triển của ngành lọc hóa dầu Việt Nam.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, tổng công suất trên 4.000MW; tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Dự án Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, được xây dựng tại khu vực xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè; công suất lắp máy 1.200MW; tổng mức dự tính đầu tư 32.600 tỉ đồng. Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017.

6. Thị trường tài chính, ngoại hối biến động mạnh

Năm 2009 là năm các kênh đầu tư này biến động thất thường chưa từng có do tác động của chính sách. Thị trường ngoại tệ gặp những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt các tháng cuối năm liên quan đến thâm hụt thương mại, sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Mặt khác, việc thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất vay bằng VND đã tạo ra tình trạng găm giữ ngoại tệ của DN khiến thời điểm cao nhất trên thị trường tự do lên tới 20.000VND/USD.

Ngày 25.11, NHNN đã quyết định tăng lãi suất cơ bản, tăng tỉ giá giao dịch VND/USD trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời Chính phủ yêu cầu các TCty, tập đoàn lớn bán ngoại tệ ra để bình ổn thị trường. TTCK Việt Nam năm 2009 đã trở lại vị thế là thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới với mức tăng 152,3% trong vòng 8 tháng đầu năm.

Năm 2009 cũng đã ghi nhận kỷ lục về giá vàng ở thời điểm cuối năm khi mức giá cao nhất ghi nhận được lên tới 29,3 triệu đồng/lượng vào ngày 11.11 cùng với động thái đổ xô đi mua vào của người dân dẫn tới tình trạng hỗn loạn trên thị trường vàng. NHNN đã phải tuyên bố cho phép các DN nhập khẩu vàng trở lại để bình ổn thị trường.

7. Năm thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ

Năm 2009 cũng đuợc cho là năm của sự phục hồi mạnh mẽ và trỗi dậy của thị trường chứng khoán trong nước, sau khi xuống đến đáy 266 điểm vào năm 2008, thị trường chứng khoán đã có dịp bứt phá vươn lên trên 630 điểm rồi lùi về ngưỡng như hiện nay trước khi kết thúc năm 2009: 488,24 điểm. Những yếu tố đảm bảo cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán là gói kích cầu của Chính phủ, mức tăng trưởng của cả nền kinh tế và thị trường bất động sản cũng ấm dần lên khiến cho chứng khoán có những điều chỉnh cần thiết để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư.

Hy vọng năm 2010, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều bước khởi sắc hơn nữa,.

8. Triển khai đồng loạt các dự án kích thích kinh tế

Năm 2009, Chính phủ triển khai hàng loạt các giải pháp kính thích kinh tế, trong đó đặc biệt có các gói kích cầu lớn đối với cả sản xuất và tiêu dùng. Hơn 30 dự án mở các tuyến đường không, đường sông, đường sắt, đường biển và đường bộ... với nguồn vốn hàng tỉ USD đã được khởi công hoặc chuẩn bị đầu tư là một kỷ lục về đầu tư hạ tầng giao thông.

Đặc biệt, chủ trương xã hội hoá đầu tư hạ tầng được thể hiện bằng nhiều chính sách ưu đãi cụ thể, thu hút vốn từ DN và cá nhân đầu tư các dự án lên tới 10.000 tỉ đồng, bên cạnh nguồn vốn ngân sách 8.500 tỉ đồng và vốn trái phiếu chính phủ 13.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Chính phủ ra hẳn một nghị quyết với nhiều chính ưu đãi để kích cầu thị trường nhà ở, tập trung vào các đối tượng người thu nhập thấp, học sinh - sinh viên, công nhân các KCX, KCN.

Theo đó, chủ đầu tư các dự án này được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án, được tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất gấp 1,5 lần so với quy định. Nhà đầu tư xây nhà giá thấp được hỗ trợ tín dụng đầu tư từ các nguồn: Vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định; vay từ quỹ phát triển nhà ở của địa phương và các nguồn vốn vay ưu đãi khác; được UBND cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay.

9. Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 56,5 tỷ USD, giảm 9,9% so với năm 2008 (62,7 tỷ USD). Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chỉ đạt 21,3 tỷ USD, so với kế hoạch đề ra là 30 tỷ USD.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 17,6 tỷ USD, giảm 1,6 tỷ USD so với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp đạt 25,9 tỷ USD, giảm 2,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 13 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD... Nguyên nhân chính là do giá các nguyên liệu trên giảm và cả thế giới hạn chế tiêu dùng, đầu tư.

10. Các ông lớn bị giám sát chặt

Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo giám sát chuyên đề về hoạt động của các tập đoàn kinh tế Việt Nam. Theo kết quả giám sát, các ông lớn này hiện có tổng nợ khoảng 128.786 tỷ đồng, tăng 20,54% so với cuối năm 2007, chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở cùng thời điểm. Sau đó, nhiều ông lớn tiếp tục được báo chí quan tâm.

Đầu tiên là ông chủ Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển và những sai phạm tại tập đoàn này (qua kết quả kiểm toán), sau đó là Tập đoàn Kinh tế VINASHIN, một tập đoàn vừa được Chính phủ cấp nhiều ngàn tỷ đồng, nhưng lâm cảnh nợ dây dưa mấy chục tỷ đồng của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ..../.
 
Báo Điện tử ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN