Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Kiểm soát chặt chẽ giá cả, đảm bảo hài hòa quyền lợi Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Kiểm soát chặt chẽ giá cả, đảm bảo hài hòa quyền lợi Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Sáng 10/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời
chất vấn của đại biểu Quốc hội
 
Tiếp tục trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề
 
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là lần thứ 2 các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Chủ tịch đánh giá trong những kỳ họp gần đây Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã có những bước tiến mới đó là nêu cụ thể những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm đã được tiếp thu và xử lý như thế nào. Việc làm này góp phần làm tốt hơn công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, qua đó cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là việc cần thiết, sắp tới sẽ làm tiếp làm và rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn.
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết tại phiên chất vấn lần này đã có 189 chất vấn của 87 đại biểu gửi tới Thủ tướng và Chính phủ; trong đó có 17 chất vấn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; 20 bộ, ngành nhận được câu hỏi chất vấn. Bộ nhận được nhiều câu chất vấn nhất là Bộ Công Thương 28 chất vấn; Bộ nhận ít câu chất vấn nhất là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ 1 chất vấn. Nội dung tất cả các chất vấn đã được tập hợp và gửi tới đại biểu. Chủ tịch Quốc hội cho biết những nội dung được lựa chọn chất vấn tại Hội trường là những vấn đề lớn, mang tầm vĩ mô được dư luận xã hội quan tâm; những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống xã hội cần được giải quyết. Việc trả lời chất vấn lần này vẫn theo nhóm vấn đề, lựa chọn một số bộ trưởng đăng đàn nhưng sẽ có nhiều bộ trường cùng tham gia nói về trách nhiệm của ngành mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết 4 Bộ trưởng sẽ tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Hồ Nghĩa Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh là người đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với phần lớn các chất vấn về quản lý giá cả.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát giá

Điều hành giá là vấn đề được đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh. Thẳng thắn trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận một số mặt hàng trong diện quản lý giá của Nhà nước cần phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật về giá và Thông tư, Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên đã có một số trường hợp không tuân thủ nguyên tắc này. Bộ trưởng cho biết trước tình trạng này, các bộ liên quan đã tổ chức các cuộc kiểm tra, tuy nhiên không thể kiểm tra hết được - Bộ trưởng khẳng định. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã nêu lên trách nhiệm của UBND các địa phương trong việc quản lý giá trên địa bàn mình quản lý, trong đó có việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát về đăng ký giá. Bộ trưởng cho biết nằm trên địa bàn nào thì đăng ký với cơ quan chức năng của địa phương đó chứ không phải đăng ký với các Bộ.

Trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát về giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan quản lý thị trường tổ chức các cuộc kiểm tra trọng điểm. Qua đó phát hiện một số vụ việc vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng không theo giá niêm yết. Trên cơ sở vi phạm, các cơ quan hữu quan đã tiến hành phạt. Việc phạt này được thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận mức phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất thu hồi toàn bộ phần chênh lệch về cho Nhà nước nhưng vấn đề này hiện nay chưa được quy định trong văn bản pháp luật nên Bộ đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung 1 số điểm trong Nghị định để vận dụng vào việc xử phạt nặng hơn và nghiêm hơn. Bộ trưởng khẳng định trên cơ sở tiếp thu các ý kiến cho rằng mức phạt còn nhẹ, Bộ sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Xung quanh chất vấn của đại biểu Danh Út về kiểm soát giá thuốc, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: "Giá thuốc hiện nay được giao cho các bộ có liên quan quản lý trong đó có Bộ Y tế. Chúng tôi quản lý nhà nước về giá thì cũng có kiểm tra kiểm soát việc hình thành giá từ sản xuất trong nước và nhập khẩu". Qua kiểm tra, Bộ trưởng cho biết, xuất hiện tình trạng giá thuốc gian lận ngay từ khâu nhập khẩu (từ đối tác bên ngoài). Giải quyết vấn đề này, Bộ đang phối hợp đưa ra giải pháp kiểm soát giá thuốc trong đó có một vấn đề quan trọng là kiểm tra ngay từ khâu nhập khẩu- Bộ trưởng nói. Bộ trưởng cũng thấy rằng cần nghiên cứu và tổ chức lại việc lưu thông phân phối thuốc để Nhà nước quản lý được, nếu không sẽ rất khó khăn.

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu giải trình thêm và khẳng định vấn đề giá thuốc đã được Bộ Y tế quan tâm thực hiện trong thời gian vừa qua. Chính phủ đã biết vấn đề này và đã có những chỉ đạo quyết liệt. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tại phiên họp thứ 5 của Chính phủ, giá thuốc của 4 tháng đầu năm 2010 so với 4 tháng đầu năm 2009 tăng 3,1% trong 10 mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó 10 mặt hàng thiết yếu tăng giá bình quân 8,6%, giá thuốc tăng 3,1%. Trong 22 ngàn mặt hàng thuốc đang lưu hành trên thị trường, Bộ trưởng cho biết có loại thuốc tăng dữ dội, có loại thuốc tăng cao, có loại tăng ít, có loại không tăng thậm chí giảm. Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định vấn đề cử tri và đại biểu bức xúc là một số thuốc đặc trị, biệt dược... đã tăng từ 200-300%. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định ba Bộ: Tài chính, Y tế và Công Thương đã ban hành Thông tư 11 để quản lý nhà nước về giá thuốc. Thanh tra liên ngành tăng cường công tác quản lý, thanh tra kiểm tra. Bộ trưởng cho hay các giải pháp để quản lý giá thuốc đã được triển khai và bước đầu đã phát huy tác dụng.

Xung quanh chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc giá xăng dầu tăng nhanh nhưng giảm rất chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình: tháng 1/2010 so với 12/2009 giá xăng dầu tăng 6,5% (giá thế giới), tháng 2/2010 so với tháng 1/2010 tăng 1,56%; tháng 3/2010 so với tháng 2/2010 là 5,79% , tháng 4 so với tháng 3 vẫn là 4,15%. Tháng 2 đã điều chỉnh rồi nhưng tháng 3, tháng 4 giá xăng dầu vẫn tăng nhưng vì thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ thấy rằng tình hình tháng 3 chỉ số giá đã tăng đến 0,75% tuy không đột biến nhưng so với các năm trước thấy có biểu hiện hơn cao nên Chính phủ đã chuyển sang mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và làm thế nào để không cho lạm phát tăng cao trở lại. Thực hiện nội dung này, Bộ trưởng cho hay lẽ ra tháng 3, 4 tiếp tục cho điều chỉnh giá tăng lên thì thay vì không tăng giá, Nhà nước lùi thuế, đồng thời thực hiện chính sách bình ổn giá bù cho doanh nghiệp. Khi tháng 4 bắt đầu giá giảm nhẹ xuống, bình thường sẽ điều chỉnh giá xăng dầu xuống nhưng vì Nhà nước đã lùi thuế, đã dùng Quỹ bình ổn giá nên phải giữ giá rồi mới điều chỉnh giá giảm để ổn định thị trường. Bộ trưởng khẳng định: "Chúng tôi kiểm soát chặt chẽ và luôn đứng về phía người tiêu dùng, hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng chứ không phải bao che hoặc chỉ đứng về phía doanh nghiệp".

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng đây là một trong những mặt hàng thiết yếu, giá xăng dầu tăng làm giá điện tăng, phí giao thông tăng, giá nhiều dịch vụ và mặt hàng khác cũng tăng. Theo đại biểu, giá xăng dầu trong nước tăng không phải là do doanh nghiệp tự ý tăng hay chủ động vận hành theo cơ chế thị trường, bám sát giá xăng dầu thế giới để điều chỉnh mà thực chất là các doanh nghiệp phải chịu các loại thuế, phí do Bộ Tài chính, Bộ Công thương đề xuất và chịu sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá liên ngân hàng. Giá xăng dầu tăng giảm đều do các cơ quan nhà nước điều tiết. Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Việc Bộ Tài chính, Bộ Công thương tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm có phải từ sức ép dư luận về giá xăng dầu mà yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định không chịu sức ép nào cả mà Chính phủ nhận thức thấy cần thiết phải kiểm soát, chủ động bình ổn giá tiêu dùng. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm túc, không vi phạm điều hành giá. Xu hướng là phải tính toán làm sao để thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm xăng dầu, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, góp phần chống buôn lậu. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng chia sẻ với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), cái gốc của vấn đề là cách thức và hệ thống tổ chức phân phối xăng dầu của ta chưa ổn. Chính phủ muốn giao quyền định giá cho doanh nghiệp nhiều hơn, tất nhiên trong khuôn khổ pháp luật quy định và có sự điều tiết của Nhà nước.

Làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến kiểm soát việc thực hiện Pháp lệnh về giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra, kiểm sát các hoạt động lưu thông, phân phối trên thị trường, trong đó có việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Theo Bộ trưởng, tình hình những tháng đầu năm 2010 có những biến động, giá có chiều hướng tăng. Trong các Nghị quyết 03, Nghị quyết 18, Chính phủ đã nhấn mạnh tới việc tăng cường kiểm soát giá. Qua kiểm tra các vụ vi phạm Pháp lệnh giá, chủ yếu lỗi vi phạm là không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, bán không đúng chủng loại đăng ký. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, xử lý sai phạm.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: Nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tuy nhiên, rất khó để kiểm tra, kiểm soát, quản lý việc thực hiện ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lưu động, hàng rong. Tới đây, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Pháp lệnh về giá. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đồng tình với Bộ trưởng Vũ Văn Ninh và nhiều đại biểu, một trong những lý do vi phạm là do hệ thống quy định về xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Hiện các Bộ liên quan đang kiến nghị nâng mức phạt. Riêng về giá dầu và một số sản phẩm trong năm 2008-2009, theo Bộ trưởng, đúng là trong bối cảnh biến động khó lường, rất khó dự báo về giá cả hàng hóa.

Sử dụng hiệu quả vốn vay

Bên cạnh vấn đề bình ổn, quản lý giá cả, nhiều đại biểu cũng quan tâm chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh về con số nợ công và vấn đề sử dụng nợ công như thế nào?

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) băn khoăn: Nợ công hiện rất cao và hình như chưa được tính đủ. Vì vậy không xác định chính xác được số nợ công hiện nay là bao nhiêu, không biết được ngưỡng nguy hiểm của nền tài chính quốc gia ở mức độ nào? Bộ trưởng khẳng định đã đưa ra con số nợ công, nợ quốc gia, nợ Chính phủ hoàn toàn chính xác, đã bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả, nợ bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, nợ Chính phủ hiện chiếm 41,9% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 58,8% GDP. Trong nợ nước ngoài, 86,5% là vay dài hạn (ODA, vay Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Nhật Bản). Thời hạn vay từ 30-40 năm trong đó có 10 năm Ngân hàng, lãi suất từ 0,75% đến trên 1%. Thực tế các khoản vay là cho các dự án rất lớn, ví dụ một số cảng biển, công trình thủy lợi quan trọng. Vay ngắn hạn có thể cao bằng hoặc thấp hơn thị trường một chút, không ưu đãi, là 13,5%. Nợ trong nước trong cơ cấu nợ Chính phủ chiếm 41,2%. Nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 9,9%. Trong đó, bảo lãnh để vay nước ngoài chiếm 57,6%. Nợ của chính quyền địa phương là 26.000 tỷ, tương đương 1,6% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia hiện nay chiếm 38,9% GDP. Nợ trung và dài hạn 86,6%. Còn lại là nợ ngắn hạn. Trong nợ ngắn hạn, nợ Chính phủ là 64%, nợ doanh nghiệp 36%. Tất cả các khoản đại biểu đề cập đã được cộng đủ.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đồng tình nước ta còn nghèo, cần huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển là cần thiết, trong đó có vay vốn nước ngoài. Tuy nhiên, nợ Chính phủ từ năm 2007 đến nay tăng rất nhanh, dự báo năm nay lên đến gần 45%, sát cận cho phép. Đại biểu cho rằng, nợ công không trả năm này thì năm khác phải trả, không thế hệ này thì thế hệ khác phải trả và đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ thêm con số thực về nợ công, quan trọng hơn là cần phải làm rõ vấn đề quản lý, sử dụng như thế nào; trả nợ ra sao để tăng hiệu quả vay nợ đầu tư phát triển, giảm nhẹ gánh nợ của nhân dân, của đất nước.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trần tình: “Đã báo cáo đầy đủ, không giấu nợ” vì ông sẽ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu xảy ra trường hợp vỡ nợ. Về chỉ tiêu an toàn nợ, theo Bộ trưởng, tùy theo từng nước, từng quốc gia phân ra làm 3 loại, tốt, trung bình, kém; có nhiều hệ thống để so sánh về chỉ tiêu an toàn nợ. Trả nợ của Chính phủ của ta năm 2009 chiếm 15,8% tổng số thu ngân sách nhà nước, giới hạn an toàn cho phép là dưới 30% thu. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia chiếm 11,9% GDP năm 2009, giới hạn cho phép là dưới 25%. Bộ trưởng khẳng định: Ta đang điều hành nợ Chính phủ trong phạm vi cho phép. Mặt khác, nợ vay nước ngoài của ta chủ yếu là vay dài hạn. Một chỉ tiêu khác rất quan trọng khác là đến nay, ta không có có khoản nợ quá hạn không trả được, nợ xấu. Nhìn tổng thể, ta đã sử dụng nợ có hiệu quả.

Phấn đấu giảm dần bội chi

Quan tâm đến những vấn đề liên quan đến thu-chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt vấn đề: Trách nhiệm của Bộ đến đâu, đã có giải pháp gì, xử lý ra sao, phối hợp như thế nào và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa chữa, khắc phục những vướng mắc để đảm bảo công tác quản lý, điều hành thu chi ngân sách nhà nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với ổn định xã hội.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng về lý do tăng thu ngân sách năm 2009 quá cao, vượt đến 52.440 tỷ đồng so với con số báo cáo Quốc hội, chênh lệch đến 51.690 tỷ đồng và chất vấn Bộ trưởng: “Tại sao lấy giá dầu thô 147 USD/thùng của thời điểm tháng 4, 5/2008 để lý giải việc này ?”

Trả lời câu hỏi của các đại biểu trên, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích: Tăng thu là ở các yếu tố: Tốc độ GDP tăng đột biến trong các quý cuối năm 2009 (quý IV đạt 6,99%). Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng sản xuất là cái gốc của thu ngân sách. Đây là điều đáng mừng, thể hiện tốc độ phục hồi kinh tế nhanh, tạo ra nguồn thu lớn hơn. Một lý do khác là công tác dự báo thu cũng chưa thực sự chuẩn xác. Riêng tốc độ tăng thu của quý IV đã lên tới 50.000 tỷ so với bình quân của 3 quý trước. Xuất nhập khẩu cuối năm cũng khá hơn, nhập khẩu một số mặt hàng, giao dịch nhà đất khá hơn. Lấy minh chứng giá dầu thô lên đến 147 USD/thùng là để giải thích cho tăng thu năm 2008 chứ không phải năm 2009. Tuy nhiên câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh chưa khiến đại biểu Ngô Văn Minh hài lòng. Đại biểu tiếp tục đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ tại sao chỉ trong vòng 2 tháng tăng thu nhiều như thế; hệ quả là gì ?

Một số đại biểu đặt vấn đề: Tăng thu thế nhưng tại sao bội chi không giảm? Theo Bộ trưởng, tăng thu có 16.700 tỷ là của ngân sách trung ương, còn lại tăng thu của địa phương mà theo Luật ngân sách quy định địa phương được toàn quyền sử dụng nên không điều được phần 33.000 tỷ của địa phương lên để làm giảm bội chi ngân sách. Nếu sử dụng số thu trung ương vào mục đích giảm bội chi thì toàn bộ những khoản nợ khác lại phải “treo”, phải bố trí vào ngân sách của năm 2010 hoặc một số năm sau để trả. Bản chất của vấn đề là như nhau. Chính phủ đề nghị tăng bội chi chứ không bị động.

Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), bội chi ngân sách luôn ở mức cao, trên 5%, mặc dù vẫn ở mức an toàn nhưng giảm bội chi ngân sách là mong muốn của cử tri, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đồng tình: “Vay là ngại và lo, vay càng ít càng tốt, bội chi càng ít càng tốt, tốt nhất là cân bằng ngân sách”. Nhưng theo Bộ trưởng, ta đang trong giai đoạn phát triển, cần nhiều vốn để đầu tư, đầu tư càng nhanh càng tốt. Trong bối cảnh của nước ta, có đối tác cho vay với lãi vừa phải để đầu tư làm ra của cải, phát triển đất nước và trả nợ thì nên vay. Hướng phấn đấu là bội chi càng thấp càng tốt, giảm dần bội chi, tăng thu trong nước, tăng khả năng tích lũy. Tuy nhiên, bội chi phải giảm dần trong một số năm sau, từ 3-5 năm.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tổng kết: Vấn đề tài chính tiền tệ luôn là vấn đề khó và rất quan trọng. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Việt Nam vẫn cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là một thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có phần đóng góp của Bộ Tài chính với những cố gắng và đóng góp quan trọng. Chủ tịch Quốc hội nhận xét: Với phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tỏ ra nắm chắc, trình bày kỹ và làm sáng tỏ nhiều vấn đề về điều hành ngân sách, giá cả, đặc biệt là trong điều kiện nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, trong hội nhập kinh tế thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục có những biện pháp cải tiến thêm công tác điều hành ngân sách một cách căn cơ hơn, cân đối thu chi, bảo đảm ổn định an ninh quốc gia về tài chính. Về quản lý tài chính, điều quan trọng không phải là phân tích nợ công, nợ quốc gia, nợ Chính phủ chiếm tỷ lệ thế nào trong GDP mà là dự báo xu thế sắp tới ra sao, rút kinh nghiệm từ bài học của các nước; cơ chế quản lý giá cả thế nào cho phù hợp? Người dân còn có nhiều băn khoăn xung quanh các vấn đề như: Gian lận thương mại, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc…, phải có biện pháp, không thể buông lỏng…./.
Báo ĐT. ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN