Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Bộ trưởng "ưu tiên cho SV", doanh nhân hứa “xây nhà giá rẻ”

Bộ trưởng "ưu tiên cho SV", doanh nhân hứa “xây nhà giá rẻ”

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng phải ưu tiên vốn xây dựng ký túc xá cho sinh viên. Bởi lẽ, ký túc xá cho sinh viên chỉ để cho thuê, mức đầu tư lớn nhưng tiền thu hồi vốn kéo dài nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Về phía DN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư và Phát triển cam kết “mức 200 - 400 triệu đồng/căn hộ là hoàn toàn làm được” nếu “các chính sách về thuế, miễn giảm tiền thuê đất, GPMB nhanh chóng, ít tốn kém”.

 
Ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất để khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp và ký túc xá sinh viên là phần quan trọng của gói kích cầu sẽ được chú trọng thời gian tới. Mục tiêu trong vài năm tới giải quyết 40 - 60% chỗ ở cho sinh viên và tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội, hàng trăm nghìn công nhân ở các khu công nghiệp có chỗ ở.
 
Bộ Tài chính và các doanh nghiệp nói gì về chính sách này?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh
và doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Người mua nhà ở xã hội, trong 10 năm không được bán lại

- Thưa Bộ trưởng, cụ thể chủ đầu tư sẽ được hưởng những ưu đãi gì khi thực hiện các dự án nhà ở nói trên?

- Sẽ có nhiều ưu đãi. Chẳng hạn miễn thuế sử dụng đất, các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thì được vay vốn ưu đãi, điều này đã làm rồi, giờ sẽ ưu tiên thêm về thuế. Nếu ta miễn giảm thuế mức thấp nhất thì tác động giá đầu ra rất lớn, người thuê nhà, mua nhà của Nhà nước sẽ có giá rẻ hơn. Nếu tính mức thuế VAT chỉ 5%, họ sẽ được lợi đáng kể. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp, khi được ưu đãi mức cao nhất sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vì đầu tư lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn mà giá cho thuê, mua đối với đối tượng này phải theo giá quy định của Nhà nước. Đây là cách để doanh nghiệp đầu tư vào để giá thuê, mua ở mức vừa phải, thấp.

- Nhưng trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện cam kết, bán ra giá cao hoặc không đúng đối tượng, Nhà nước sẽ xử lý như thế nào?

- Điều này đã có trong Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề xây nhà cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội. Các địa phương phải giám sát việc thi hành, ví dụ giá đầu ra như thế nào. Đối với người mua nhà cũng vậy, có quy định chặt chẽ. Người được mua nhà sau 10 năm không được bán lại, trong trường hợp cần thiết phải bán thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc người trong diện mua nhà ở xã hội và bị kiểm soát giá bán. Lợi nhuận khi bán lại được quy định mức tối đa chỉ chênh lệch 10%. Tóm lại, việc này chúng ta phải đưa ra cơ chế cụ thể để quản lý.

- Vậy nguồn vốn cho dự án sẽ phân bổ như thế nào, sẽ ưu tiên thực hiện loại hình nào trước?

- Nguồn vốn trước hết ưu tiên xây dựng ký túc xá cho sinh viên. Bởi lẽ, ký túc xá cho sinh viên chỉ để cho thuê, mức đầu tư lớn nhưng tiền thu hồi vốn kéo dài nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Vì vậy Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành trái phiếu Chính phủ, trong đó có điều khoản chi trái phiếu để đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên. Vướng mắc về vốn được Nhà nước đứng ra giải quyết. Giá nhà cho sinh viên thuê chỉ bằng chi phí duy tu bảo dưỡng còn khấu hao, tu bổ thì Nhà nước phải lo.

- Còn đối với nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội?

- Đối với nhà ở xã hội và nhà cho công nhân, Nhà nước tạo cơ chế cho các doanh nghiệp vào đầu tư thuận lợi. Hiện Bộ Xây dựng và một số địa phương cũng đã báo cáo đề án này, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương cho biết, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã sẵn sàng, họ cũng đã chuẩn bị từ lâu, giờ có vốn là triển khai.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Nhà ở 200 đến 400 triệu đồng là hoàn toàn làm được

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt Hường thừa nhận, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và ký túc xá cho sinh viên không đưa lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư nhưng "khi có cơ chế thuận lợi, ưu đãi, họ cũng sẵn sàng vào cuộc"...

- Bà nhận định thế nào về chủ trương mang ý nghĩa xã hội này của Quốc hội, Chính phủ?

- Theo tôi, để thực hiện chủ trương này cần giải quyết tốt ba vấn đề. Một, khâu giải phóng mặt bằng phải tập trung, không thể giải ngân nếu không có cơ chế giải phóng mặt bằng. Thứ hai, đây là chủ trương mới của Chính phủ, để triển khai khẩn trương và có hiệu quả cần rút gọn thủ tục hành chính. Ba, về nguồn vốn, chủ đầu tư cần áp dụng các quy định ưu đãi của Chính phủ để tiếp cận nguồn vốn sớm và thuận tiện nhất. Về thời hạn, chương trình này phải kéo dài nhiều năm, tức là trong thời gian trung hạn chứ không phải ngắn hạn như các đối tượng khác của gói kích cầu.

- Đầu tư vào lĩnh vực này lợi nhuận không lớn khiến chủ đầu tư không mặn mà. Theo bà, ngoài khuyến khích, kêu gọi cần "đánh trúng" yếu tố lợi nhuận chủ đầu tư bằng những ưu đãi gì?

Bài toán kinh tế khi đã đặt ra rồi thì người ta phải tính, thực tế chứng minh nếu xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân thì lợi nhuận chủ đầu tư thu được không lớn. Nhưng ý nghĩa về mặt xã hội lại rất lớn. Đây là vấn đề cốt lõi và để thực hiện điều này, tôi nghĩ không chỉ Hà Nội mà các địa phương toàn quốc, cần có cơ chế chính sách để thu hút chủ đầu tư vào cuộc. Đó là chính sách miễn giảm thuế về đất, tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận mặt bằng "sạch" (mặt bằng giải phóng thuận lợi - PV). Còn chính sách giảm thuế, theo tôi không chỉ áp dụng trong thời gian ngắn hạn mà phải tương ứng thời gian người ta khai thác, kinh doanh.

- Là người điều hành tập đoàn lớn liên quan bất động sản, trong điều kiện hiện hành, để xây dựng nhà ở xã hội 200 đến 400 triệu đồng có khả thi?

- Thực tế có nhiều chủ đầu tư phản ánh về vấn đề này, nếu các chính sách về thuế, miễn giảm tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng nhanh chóng, ít tốn kém thì có nghĩa họ đã bớt được khoản chi phí lớn và mức 200 - 400 triệu đồng/căn hộ là hoàn toàn làm được. Đây cũng là mức để người nghèo có thể tiếp cận. Như vậy về mặt kinh doanh đã có. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng công trình tương ứng thế nào với giá trị công trình đó? Tại các thành phố lớn đã, đang triển khai nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng. Do đó, tôi nghĩ cần có tiêu chuẩn, chẳng hạn Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về mặt kỹ thuật, chất lượng những công trình đó để đảm bảo các chủ đầu tư khi xây dựng công trình, tối thiểu phải đạt được tiêu chuẩn, quy chuẩn này.

- Dư luận lo ngại: Những căn hộ giá rẻ liệu có rơi vào tay người nghèo hay chỉ là sự mua đi bán lại của những người trục lợi?

- Đây là chính sách mới, sự quản lý của Nhà nước rất quan trọng. Bên cạnh đưa ra tiêu chuẩn người được mua nhà, cần sự giám sát chặt chẽ để các chủ đầu tư bán cho đúng đối tượng có thu nhập thấp. Đồng thời đưa ra những quy định ràng buộc về điều kiện mua nhà, ngăn chặn nạn đầu cơ, mua đi bán lại.

Cả nước hiện có khoảng 1,4 triệu cán bộ, công chức và khoảng 800 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Trong đó có khoảng 330 nghìn người khó khăn về nhà ở cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện để cải thiện nhà ở. Quỹ nhà cần đầu tư xây dựng để cho thuê, mua trong cả nước dự kiến lên đến 11 triệu mét vuông, với tổng vốn đầu tư lên đến 31 nghìn tỷ đồng. Theo dự kiến, khoản kinh phí này sẽ được đầu tư từ ngân sách nhà nước đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác tham gia xây dựng. Hà Nội bắt đầu triển khai một số dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng, Pháp Vân, Hà Đông…
 
Báo CAND

BÀI VIẾT LIÊN QUAN