Sáng 26/9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đồng chủ trì Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ hai, diễn ra tại thành phố New York, Hoa Kỳ.
![]() |
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội kiến |
Sau mười năm kể từ khi được các nước thông qua, các mục tiêu MDG hiện đã trở thành một trong những khuôn khổ hợp tác phát triển quan trọng và được sự ủng hộ rộng rãi nhất kể từ khi LHQ ra đời. Sau 2/3 chặng đường thực hiện các MDG, các nước đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa thực sự bền vững và chưa đồng đều giữa các mục tiêu, các khu vực, các cộng đồng dân cư trên thế giới.
Trong bối cảnh trên, Hội nghị Cấp cao lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là kiểm điểm những tiến bộ đạt được, đánh giá các thách thức, rút ra bài học kinh nghiệm và bàn thảo kế hoạch tổng thể, bao gồm các biện pháp mới nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu MDG. Khoảng 180 nước đã tham dự Hội nghị ở cấp cao, trong đó có hơn 140 Người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.
Hội nghị Cấp cao đã diễn ra với Phiên họp toàn thể cùng 06 phiên thảo luận bàn tròn với các chủ đề “Giải quyết thách thức của đói nghèo và bình đẳng giới”, “Hoàn thành các mục tiêu về y tế và giáo dục”, “Thúc đẩy phát triển bền vững”, “Giải quyết các vấn đề mới nổi lên và phương thức tiếp cận mới” , “Đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất” và “Mở rộng và tăng cường các mối quan hệ đối tác”. Kết thúc Hội nghị, các nước đã thông qua một văn kiện làm cơ sở định hướng cho nỗ lực thực hiện MDG từ nay đến năm 2015 với một số nội dung chính: đánh giá tình hình thực hiện MDG trong 10 năm qua, tái khẳng định ý nghĩa và cam kết thực hiện các mục tiêu MDG, phân tích nguyên nhân, xác định các thách thức đang đặt ra và đề ra phương hướng phối hợp chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện MDG từ nay đến năm 2015.
Trong những ngày diễn ra Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao để bày tỏ quan điểm về tiến trình thực hiện các MDG, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, đóng góp về phương hướng từ nay đến năm 2015, qua đó, một lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, luôn là thành viên tích cực, chủ động, xây dựng và có trách nhiệm; Tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao về chủ đề “Thúc đẩy phát triển bền vững”, là một chủ đề lớn, được nhiều nước, trong đó có Việt Nam quan tâm
Tại Hội nghị, LHQ đã công bố một số báo cáo về tình hình thực hiện MDG trên thế giới, trong đó đáng chú ý có Báo cáo của Tổng thư ký LHQ với tiêu đề “Giữ vững cam kết: Kiểm điểm và đề ra phương hướng thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu MDG vào năm 2015” và Báo cáo MDG 2010. Lãnh đạo các nước đã khẳng định những thành tựu đạt được trong thực hiện 8 MDG, nổi bật là xóa đói giảm nghèo, tăng tỷ lệ trẻ em được đến trường, mở rộng số người tiếp cận nước sạch, khả năng kiểm soát dịch bệnh được tăng cường... Các thành tựu này đạt được ngay tại một số nước nghèo nhất cho thấy các MDG là hoàn toàn khả thi. Trên thế giới đã xuất hiện một loạt điển hình trong thực hiện các MDG, nổi bật là Việt Nam đã đạt mục tiêu “giảm 1/2 tỷ lệ nghèo”, CH Gana đạt thành tích giảm gần 3/4 số người nghèo. 10 nước châu Phi khác cũng đã giảm được một nửa số người nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, tiến bộ không đồng đều và nếu không nỗ lực hơn nữa thì một số mục tiêu khó có thể đạt được tại nhiều nước.
Tại Việt Nam, hơn một thập niên qua, với tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá cùng những chính sách kinh tế, xã hội hiệu quả và nỗ lực chung của cả nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, được LHQ và quốc tế ghi nhận là quốc gia thành công và đi đầu trong việc thực hiện MDG ở Châu Á-Thái Bình Dương. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế-Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP), Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% số chỉ tiêu MDG, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tiếp theo các Báo cáo Quốc gia về việc thực hiện MDG năm 2005 và 2008, Báo cáo MDG 2010 với tựa đề “Việt Nam, kết quả 2/3 chặng đường thực hiện các Mục tiêu MDG, hướng tới năm 2015” khẳng định Việt Nam đã đạt và vượt 5/8 MDG trước thời hạn và có thể cơ bản đạt hết các mục tiêu vào năm 2015.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc hội kiến với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun; gặp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clintơn, nhân dịp Hội nghị thường niên của Sáng kiến Toàn cầu Clinton (CGI); tiếp xúc với lãnh đạo các nước Đức, Ucraina, Đan Mạch, Côlômbia, Nammibia, Cộng hòa Trung Phi và Bộ trưởng Ngoại giao Cuba. Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc tiếp xúc với đại diện một số tập đoàn kinh tế lớn, giới học giả nghiên cứu về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ... Chủ tịch nước đã trao đổi ý kiến về các vấn đề phát huy vai trò của LHQ, kinh nghiệm và khả năng hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến các MDG; cùng lãnh đạo và quan chức cấp cao các nước kiểm điểm quan hệ song phương và bàn những biện pháp thúc đẩy quan hệ ngày càng phát triển thiết thực và hiệu quả. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đánh giá cao kinh nghiệm, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các MDG. Các nước châu Phi đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm của Việt Nam về phát triển nông nghiệp, vì đây là điểm mạnh của Việt Nam trong quá trình thực hiện các MDG.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã giới thiệu với các tập đoàn kinh tế lớn, giới học giả nghiên cứu về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ những thế mạnh của môi trường đầu tư tại Việt Nam; hoan nghênh nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ trong 2 năm gần đây đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đưa Hoa Kỳ đứng hàng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định: Nhà nước Việt Nam cam kết tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào đầu tư, kinh doanh trên tinh thần hợp tác cùng có lợi.
![]() |
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama đồng chủ trì hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ |
Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cùng Tổng thống Mỹ Barrack Obama đồng chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 2 với nội dung chính gồm kiểm điểm và định hướng phát triển quan hệ ASEAN-Mỹ; Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm, như phục hồi kinh tế bền vững hậu khủng hoảng, biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai, bệnh dịch, an ninh năng lượng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hạt nhân ...
Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ lần thứ hai đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề ra các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt ASEAN - Hoa Kỳ, và nhất trí tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ ba vào năm 2011; thông qua việc lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN - Hoa Kỳ để nghiên cứu và đề xuất biện pháp tăng cường hợp tác hai bên trong thời gian tới.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm Trưởng Đoàn tham gia Hội nghị nhằm tiếp tục triển khai ở cấp cao đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp thúc đẩy thực hiện các MDG, tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, phát huy vai trò của LHQ qua việc chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế và ủng hộ tăng cường hợp tác quốc tế trong đó có sự quan tâm thích đáng đến lợi ích của các nước đang phát triển trên các vấn đề đặt ra tại Hội nghị. Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và nhiều nước trông đợi ở đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị như một mô hình thành công, thể hiện tính khả thi, thiết thực của các MDG, chia sẻ kinh nghiệm và từ đó có những đề xuất cụ thể đối với kế hoạch hành động nhằm thực hiện MDG. Các nước cũng rất quan tâm đến một nước Việt Nam trong những năm qua đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới toàn diện, quan hệ rộng mở với bên ngoài và có vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.