Sáng 25/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013.
Báo cáo tại Hội nghị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạchvà Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong những tháng đầu năm, trước tình hình diễn biến phức tạp, khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng đến đầu tư và sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy đầu tư phát triển.
Tạo chuyển biến tích cực
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về triển khai |
Cụ thể: Lạm phát cơ bản đã được kiềm chế, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm liên tục kể từ đầu năm. Các giải pháp ổn định giá cả thị trường, kiểm soát cung cầu hàng hóa, phát triển mạng lưới lưu thông được triển khai kịp thời, hiệu quả; công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế… đạt nhiều kết quả.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ và tài khóa đã được điều hành chặt chẽ, linh hoạt, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát.
Xuất khẩu liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra, góp phần cân đối xuất nhập khẩu, cải thiện cán cân thương mại và thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển, đạt kết quả khá. Sản lượng lúa cả năm có thể đạt khoảng 43,6 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2011, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 7,7 triệu tấn.
Công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường, tập trung đầu tư. Tai nạn giao thông giảm mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện; công tác cải cách hành chính đạt những kết quả bước đầu; việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo.
Chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt; công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, nhất là người lao động mất việc làm được quan tâm, thực hiện. Riêng về công tác xóa đói, giảm nghèo, cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 10% (giảm 1,76% so với năm 2011).
Công tác ngoại giao, tiềm lực quốc phòng - an ninh được tăng cường. Theođó, công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế được chỉ đạo đồng bộ, toàn diện và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ; quốc phòng - an ninh chính trị được bảo đảm, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế cần tiếp tục được khắc phục. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 không đạt được. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn kế hoạch và thấp hơn nhiều so với các năm trước. "Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", Bộ trưởng Bùi QuangVinh nêu rõ.
Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào khu vực FDI; tốc độ tăng nhập khẩu duy trì ở mức thấp. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tín dụng tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được xử lý ...
Ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày tại Hội nghị chỉ ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua là: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Trong nhóm giải pháp đầu tiên, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát được coi là mục tiêu hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành năm 2013.
Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cũng được coi là một giải pháp trọng tâm. Bên cạnh hai nhóm giải pháp ưu tiên nêu trên, năm 2013, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp khác, bao gồm: Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết nợ xấu
Trình bày dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, sẽ tập trung 2 nhóm giải pháp chính: Giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu, nợ đọng.
Với nhóm giải pháp thứ nhất, dự thảo tập trung vào việc thực hiện các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm tồn kho lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, gia hạn 6 tháng thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động gia công, đầu tư – kinh doanh nhà ở. Hoàn thuế bảo vệ môi trường, không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện, giảm tỷ lệ thuế trước bạ đối với ôtô chở người 10 chỗ lần một từ 20% xuống 10% và lần 2 là 2%. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013 – 2014 vớiđối tượng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cho phép chủ đầu tư các dự án đã được cấp phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán nhà, kéo dài tối đa 24 tháng. Các giải pháp này trị giá khoảng 31.000 tỷ đồng và giảm thuế, giảm tiền thuê đất khoảng 3.000 tỷ đồng nữa.
Chính phủ cũng sẽ có giải pháp giảm VAT đầu ra đối với bán, cho thuê, cho thuê – mua nhà ở xã hội, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động này để tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở và doanh nghiệp giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng…
Về vốn tín dụng, sẽ tiếp tục hạ lãi suất, phù hợp với mức giảm lạm phát. Hỗ trợ tín dụng với nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ.
Ngân hàng Nhà nước sẽ dành 20.000 – 40.000 tỷ đồng để tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ các ngân hàng thương mại nhà nước phục vụ cho vay các đối tượng này. Xem xét gia hạn thời gian tín dụng cho vay đầu tư của Nhà nước từ 12 năm lên tối đa 15 năm với các dự án hạ tầng có quy mô lớn. Gia hạn đến 36 tháng đối với nhóm hàng rau quả, thủy sản xuất khẩu. Bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng cho kiên cố hóa kênh mương, xây dựng đường giao thông nông thôn…
Liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, sẽ rà soát các dự án nhà ở, các dự án được tiếp tục, phải dừng hoặc chuyển đổi công năng cho phù hợp với thị trường và nguồn lực. Hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh, quản trị, áp dụng bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang cho thuê, thuê mua, nhà ở xã hội...
Về giải quyết nợ xấu, dự thảo Nghị quyết yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản… để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại nợ xấu. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động tín dụng nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các biện pháp tự xử lý nợ xấu…
Bộ Tài chính xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng. Ban hành và sửa đổi các quy định nhằm tạo khung pháp lý hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ…
Các Bộ, cơ quan, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai các giải pháp phát triển thị trường vốn, khơi thông dòng vốn đầu tư vào thị trường vốn, khuyến khích sự phát triển của thị trường trái phiếu. ...
Sau khi tiếp thu ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, các địa phương, Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị quyết: Nghị quyết chung cho năm 2013 và Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Hội nghị diễn ra từ ngày 25/12 đến hết buổi sáng ngày 26/12./.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Trong 9 nhóm giải pháp Dự thảo Nghị quyết đã nêu, Chính phủ cho rằng, nhóm giải pháp thứ hai là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh là một giải pháp trọng tâm đang nổi lên của nền kinh tế chúng ta. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần thảo luận sâu, tập trung vào các khó khăn vướng mắc nổi lên phải xử lý để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng:
Đồng tình với việc Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết, một Nghị quyết chung về nhiệm vụ 2013 và Nghị quyết riêng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đề nghị kéo dài thời gian thực hiện, đến hết năm 2014 để doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng bày tỏ mong muốn, sau khi có Nghị quyết, Chính phủ sẽ sớm ban hành. Theo đó, các Bộ, ngành sớm thực hiện (5-10 ngày) chương trình Nghị quyết để trên cơ sở đó các địa phương căn cứ vào chương trình hướng dẫn xây dựng chương trình ở địa phương tốt hơn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởngcũng đề nghị Chính phủ sớm cụ thể hóa cơ chế, chính sách liên quan đến Luật Thủ đô, tạo cơ sở để Hà Nội thực hiện tốt hơn. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân:
Đối với nhiệm vụ năm 2013, đề nghị Chính phủ phấn đấu đạt GDP trên 5,5%, riêng TP. Hồ Chí Minhsẽ phấn đấu đạt trên 10%. Các nhóm giải pháp đã có, vấn đề là Chính phủ điều hành quyết liệt. Nghị quyết đã nêu đầy đủ quan trọng là tổ chức thế nào. Ở đây, vai trò trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ, cần thường xuyên phối hợp cùng địa phương nắm bắt thực tế để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân then chốt là vấn đề về vốn. Do đó, cần tập trung tháo gỡ trong năm 2013, bởi vừa qua mới chỉ lo đối phó tình thế chứ chưa chủ động nắm bắt để chỉ đạo kịp thời. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đề nghị Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính cụ thể hóa triển khai ngay để Nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo đà thuận lợi chocác thị trường khác ngay từ đầu năm 2013. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền: Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp về giãn, giảm thuế, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền cho rằng, đây là nguồn thu quan trọng của địa phương. Vì vậy, trong khi hỗ trợ thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ cho địa phương như thế nào đểbớt khó khăn trong việc giảm nguồn thu. Liên quan đến giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền cơ bản thống nhất, nhưng khi phân tích sâu thì thấy rằng, quy mô, tầm ảnh hưởng, khó khăn của các doanh nghiệp không giống nhau.Dođó,Chính phủ cần phân loại, đối với loại doanh nghiệp có quy mô lớn, có tầm ảnh hướng lớn cần có giải pháp đặc biệt, để có đặc thù riêng không nên bình quân, dàn đều thì sẽ không hiệu quả./. Báo ĐT.ĐCS |