Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và được công khai, minh bạch

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và được công khai, minh bạch

– Ngày 9/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010. Tiếp đó, các đại biểu thảo luận về những nội dung trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Cải cách TTHC đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Thực hiện chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội về cải cách hành chính nói chung và thủ tục hành chính nói riêng, ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 với mục tiêu chung là “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng” và một trong những mục tiêu cụ thể là “Xóa bỏ về cơ bản các TTHC mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; hoàn thiện các TTHC mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho dân”.

Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 30, lần đầu tiên Việt Nam đã công bố công khai Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong hoạt động quản lý nhà nước tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet, với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản có quy định về TTHC và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC.

Một số lượng lớn các TTHC rườm rà, chồng chéo, không hợp lý, dễ bị lợi dụng, lạm dụng đã được rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung; nhiều TTHC mới được ban hành theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thu hút đầu tư, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đã chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã, từ 10.000 bộ TTHC cấp xã, 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ TTHC cấp xã, và 63 bộ TTHC cấp huyện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thống nhất thực hiện tại từng địa phương. Trong tổng số 5.421 TTHC của c ác bộ, ngành, địa phương được rà soát, đã kiến nghị bãi bỏ 480 TTHC, thay thế 192 TTHC, sửa đổi, bổ sung 4.146 TTHC. Phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành cũng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp từ việc loại bỏ, thay thế nhiều TTHC; nhiều mẫu đơn, tờ khai được đơn giản hóa hoặc mẫu hóa thống nhất trong cả nước; nhiều yêu cầu, điều kiện đã bị loại bỏ, có thể tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng thế giới (WB) vừa được công bố, Việt Nam được xếp trong Top 10 nền kinh tế cải cách tốt nhất, đứng thứ 78/183 quốc gia, tăng 10 bậc về môi trường kinh doanh. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây.. Cũng theo báo cáo trên, Việt Nam đã áp dụng cơ chế một cửa, giảm nhiều thủ tục hành chính, tổ chức lại bộ máy, thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ và ngày càng đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Qua các cuộc khảo sát việc thực hiện cải cách TTHC trên các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan tại Hà Nội, Lạng Sơn, Bình Dương, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh và trực tiếp làm việc với một số huyện, quận, thành phố, đơn vị cơ sở trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính cũng như lấy ý kiến của các doanh nghiệp, đoàn giám sát của Quốc hội nhận định nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa; công khai, minh bạch các yêu cầu về hồ sơ, quy trình giải quyết, lệ phí, lịch làm việc; rút ngắn thời gian giải quyết. Những thủ tục rườm rà, chồng chéo, sơ hở, dễ bị lợi dụng, những giấy tờ không cần thiết, không còn phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và công dân đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Đặc biệt, các ngành, địa phương đã thống kê, rà soát và ban hành Bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý, công khai các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết để người dân biết và giám sát việc thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Phó trưởng đoàn giám sát cải cách TTHC cho rằng, qua giám sát các lĩnh vực đất đai; nhà ở, xây dựng nhà ở; thuế; hải quan cho thấy c ải cách TTHC đã tạo được sự chuyển biến tích cực, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Theo báo cáo giám sát, những cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan về cơ bản đã khắc phục được cơ chế xin – cho giữa hải quan và doanh nghiệp; Quy trình thủ tục hải quan được đổi mới theo hướng đơn giản hóa, loại bớt khâu trung gian. Thời gian thông quan được rút ngắn hơn 50% so với quy định; hạn chế được phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực hiện, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thực tế đã tăng lên đáng kể. Hồ sơ hải quan đã giảm bớt các giấy tờ không cần thiết (từ 8 loại giấy tờ đối với lô hàng xuất khẩu xuống còn 4 loại và từ 14 loại giấy tờ đối với lô hàng nhập khẩu xuống còn 10 loại); Đáng ghi nhận, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, khai hải quan từ xa qua mạng đã làm giảm đáng kể số lượng giấy tờ phải có trong hồ sơ hải quan.

Các đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai), đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội), Trần Thị Lộc (Bắc Cạn) nhận định: Có được những kết quả trên đây là cả sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các nghành và người dân trong việc quyết tâm thực hiện cải cách TTHC, các bộ TTHC mới đã cơ bản rút ngắn thời gian giải quyết công việc liên quan, công khai hóa, minh bạch hóa, làm giảm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu và tiến đến một nền hành chính phục vụ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp tham gia giải quyết TTHC có phẩm chất, đạo đức tốt, công tâm, công khai minh bạch

Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cải cách TTHC.Trong một số lĩnh vực vẫn còn nhiều TTHC rườm rà, chồng chéo, chưa hợp lý, gây khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến; So với khu vực, TTHC của nước ta chưa được ở mức độ trung bình, kể cả lĩnh vực thuế, hải quan là những lĩnh vực có nhiều cải cách tích cực. TTHC ở một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, chồng chéo, có loại TTHC hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế, vẫn còn một số khâu trung gian; thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết không rõ hoặc đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến tình trạng để doanh nghiệp, công dân đi lại nhiều lần.

Việc thực hiện cải cách TTHC tại các địa phương, đơn vị mặc dù đã có chương trình, kế hoạch, nhưng chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ. Mô hình cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở một số nơi còn lúng túng, chưa thực sự hợp lý trong một số lĩnh vực; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa nhất quán, thiếu đồng bộ; thời gian giải quyết vẫn còn dài ở một số thủ tục; trụ sở làm việc, cơ sở vật chất một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở còn phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thảo luận về các lĩnh vực trong cải cách thủ tục hành chính, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với những kết quả đã đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế được Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ ra.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận), ở lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở… các TTHC vẫn phải qua nhiều cơ quan, nhiều cấp, nghành, thậm chí chồng chéo lẫn nhau, khó thực hiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu cho ví dụ: Nghiên cứu phụ lục thống kê các TTHC mà báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ bãi bỏ trên một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, nhà ở, thuế, hải quan đã có 10 Nghị định, 25 Thông tư, 191 TTHC trong đó có 18 TTHC cần bãi bỏ, 173 TTHC cần sửa đổi, đơn giản hóa.

Đại biểu Phạm Thị Hải ( Đồng Nai) đề nghị, để thực hiện hiệu quả hơn TTHC, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế mở rộng các dịch vụ tư vấn xã hội hoá giống như các dịch vụ công chứng, nhằm giúp người dân khi có nhu cầu. Theo đại biểu này, việc đơn giản hoá TTHC không chỉ là việc đề ra số thủ tục để kiến nghị huỷ bỏ hay sửa đổi bổ sung mà các TTHC phải hết sức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm và được công khai, minh bạch đến từng người dân, doanh nghiệp và từng đơn vị.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) chỉ rõ ra 3 nguyên nhân trong thực hiện TTHC là chưa có sự phân định rạch ròi giữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính vẫn đẩy những việc mà chính quyền chưa làm được cho người dân. Những việc này có thể đơn giản đối với cơ quan quản lý nhà nước, nhưng nó lại tạo ra những thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu Thanh đề nghị, nếu xây dựng được hệ thống lưu trữ điện tử chung để các cơ quan quản lý và khai thác, thì sẽ loại bỏ được các loại giấy tờ không cần thiết và các thủ tục hành chính kèm theo.

Các đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị), Hồ Thu Hằng (Vĩnh Long), Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) đều nhất trícho rằng: Cần đổi mới một cách cơ bản về tư duy, chuyển từ “quản” dân sang phục vụ dân là chính. Còn đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) thì cho rằng cải cách TTHC phải tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp nhưng không được làm yếu và buông lỏng quản lý nhà nước.

Nhiều đại biểu khi thảo luận đều nhất trí cho rằng: Nếu có một đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan công quyền trực tiếp tham gia giải quyết TTHC có phẩm chất, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ tận tụy, công tâm, công khai minh bạch thì việc thực hiện cải cách TTHC sẽ hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Các đại biểu cũng đều cho rằng Quốc hội cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc giám sát cải cách thủ tục hành chính./.
 
Báo ĐT.ĐCS
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN