- Ngày 11/9, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2010); Đại hội thi đua yêu nước và biểu dương điển hình “Dân vận khéo”.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tặng bức trướng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận |
Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận TƯ trình bày đã ôn lại mốc lịch sử ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận, đăng trên báo Sự thật. Nội dung bài báo có thể coi là cương lĩnh về công tác dân vận của Đảng. Ngày 14/10/1999, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là ngày Dân vận của cả nước.
Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào yêu nước trong nhân dân, huy động được sức mạnh toàn dân tộc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách, thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên CNXH.
Với quyết tâm đổi mới toàn diện, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và rút ra 4 bài học trong đó có nội dung: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt lấy dân làm gốc”, “xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Hội nghị TƯ 8 đã ra Nghị quyết về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”.
Đại hội VII của Đảng xác định xây dựng cơ chế thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ban hành năm 1998 thực sự là bước phát triển mới về chất trong quá trình vận hành nền dân chủ nhân dân.
“Đại đoàn kết toàn dân là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã được Đại hội Đảng IX chỉ rõ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội nghị lần thứ 7 đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “Về công tác dân tộc”; “Về công tác tôn giáo”.
Tại Đại hội X, bài học quan trọng về công tác dân vận đã được Đảng ta rút ra qua thực tiễn 20 năm đổi mới, đó là “Đổi mới phải từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân”. Sau Đại hội X, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về công tác phụ nữ, thanh niên, về giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các nghị định của Chính phủ về dân chủ ở cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước được ban hành. Đặc biệt, Quyết định 290 “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” đã xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận và trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Cơ quan Ban Dân vận TƯ nhận Huân chương Lao động hạng Nhất |
Từ những bài học lịch sử của dân tộc và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nhiều điển hình “Dân vận khéo” đã xuất hiện, góp phần đa dạng hóa các hình thức vận động quần chúng, giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp nảy sinh ở cơ sở. Các điển hình dân vận khéo trong vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xóa đói giảm nghèo; giải phóng mặt bằng; đoàn kết lương giáo… là những ví sụ sinh động trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Đặc biệt, phong trào thi đua được gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, rèn luyện phong cách, kỹ năng của người cán bộ dân vận.
Chủ tịch nước lưu ý, mặc dù kinh tế tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa thật vững chắc; trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; đời sống một bộ phận nhân dân còn không ít khó khăn. Ở một số nơi, nhân dân vẫn còn oan ức chưa được giải quyết, còn những quyết định chính quyền đưa ra chưa hợp lòng dân. Do đó, các ngành, các địa phương phải nhìn thẳng vào sự thật, sớm khắc phục những khiếm khuyết, ưu tiên chăm lo cho dân hơn hết.
| |
|