- Nhận lời mời của phía Nhật Bản, hôm nay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản và dự Hội nghị "Tương lai châu Á" lần thứ 15 do báo Nikkei tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 21-23/5/2009.
![]() |
Về quan hệ kinh tế, Nhật Bản hiện trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp ODA lớn nhất (hơn 14 tỷ USD) và là nước có vốn đầu tư FDI lớn thứ 3 vào Việt Nam (hơn 16 tỷ USD). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Nhật Bản đạt khoảng 17 tỷ USD năm 2008, vượt mục tiêu hai nước đề ra là 15 tỷ USD vào năm 2010. Nhật Bản hiện là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 sau Mỹ. Tháng 1/2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 421,5 triệu USD; nhập khẩu từ Nhật đạt 298,18 triệu USD.
Hai bên đã ký Hiệp định đối tác kinh tế song phương (VJEPA), tạo cơ sở pháp lý phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Việt Nam và Nhật Bản đều thể hiện quyết tâm sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn trong nước để Hiệp định VJEPA có hiệu lực ngay nửa đầu năm 2009, kịp thời đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và người dân hai nước. Đến nay, các vấn đề hợp tác cụ thể giữa hai nước như cải thiện môi trường đầu tư, công nghệ thông tin, viện trợ ODA, xoá đói giảm nghèo đều có những bước tiến rõ rệt. Nhật Bản cam kết dành cho Việt Nam một khoản vay ODA lãi suất thấp để mỗi năm đào tạo khoảng 200 - 300 y tá Việt Nam tại Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, các y tá sẽ được làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Hiệp định cũng quy định một số chương trình hợp tác song phương quan trọng như xây dựng Trung tâm vệ sinh, an toàn thực phẩm, hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật, cải thiện môi trường kinh doanh, hợp tác về nâng cao năng lực trong các lĩnh vực du lịch, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, giao thông vận tải, sở hữu trí tuệ... Đặc biệt, ngày 25/12/2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là thỏa thuận hợp tác dài hạn nhằm giúp Việt Nam định hướng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam đồng thời mở rộng cơ hội liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này.Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục được đẩy mạnh. Hai nước đang tiếp tục triển khai "Sáng kiến chung Vịêt Nam - Nhật Bản" giai đoạn II nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản - ASEAN, VJEPA sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau khi Hiệp định này có hiệu lực.Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang được tăng cường trên nhiều lĩnh vực, trong các diễn đàn khu vực và toàn cầu, như tại Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam năm 2006, Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản, Hội nghị cấp cao ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEM sẽ tổ chức tại Việt Nam năm 2009 cũng như các diễn đàn tại Liên hợp quốc.
Hội nghị "Tương lai châu Á" do báo Nikkei tổ chức hàng năm là diễn đàn có uy tín ở châu Á, thu hút sự quan tâm và tham dự của Lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới. Nội dung Hội nghị "Tương lai châu Á" thường thảo luận những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển của các nước châu Á. Với chủ đề "Những thách thức châu Á đang phải đối phó, cùng theo đuổi những mục tiêu mới", Hội nghị năm 2009 sẽ thảo luận về các vấn đề khó khăn mà châu Á đang phải đối mặt hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, và sự cần thiết mở ra những lĩnh vực hợp tác mới để giúp các nước kém phát triển hoà nhập mạnh mẽ hơn nữa vào nền kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, năm 2009 là "Năm giao lưu Mekong - Nhật Bản" nên hợp tác giữa Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong cũng sẽ là một chủ đề quan trọng của Hội nghị này.
Tham dự Hội nghị "Tương lai châu Á" năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị ngày 21/5. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng sẽ tham dự phiên thảo luận ngày 22/5 với chủ đề "Khám phá tiềm năng của hành lang công nghiệp Đông Á - Ảnh hưởng của những dự án cơ sở hạ tầng tiếp vận lớn".
Chuyến thăm làm việc Nhật Bản lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả theo tinh thần quan hệ đối tác chiến lược. Tại Hội nghị "Tương lai châu Á" lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ trao đổi ý kiến với lãnh đạo các nước nhằm tăng cường hợp tác và phối hợp, cùng nhau đối phó với những tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, đồng thời tranh thủ giới thiệu các tiềm năng phát triển của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản và các nước cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.