Nông dân lao đao
Thời điểm này, về các vùng quất trọng điểm ở các xã Mễ Sở, Liên Nghĩa, Thắng Lợi… dễ dàng thấy được vẻ lo lắng của các chủ vườn. Mưa kéo dài nhiều ngày qua đã khiến những cánh đồng quất phục vụ Tết đồng loạt rụng quả. Những hộ thiệt hại lớn lên tới 60%, hộ ít cũng mất 20%. Nhiều nhà vườn, chỉ vài ngày trước còn là những cây thế đẹp, quả sai, nườm nượp khách ra vào hỏi thăm, hứa hẹn "hái ra tiền" thì nay chỉ còn trơ cây, quả gần như đã trút hết. Năm nay, do nhuận một tháng, nhiều hộ đảo cây sớm nên quất chín sớm. Theo các hộ, trận mưa vừa qua xảy ra đúng vào thời điểm quất đạt độ chín tối đa nên quả bị nứt nhiều, nắng lên là rụng.
Trên cánh đồng quất thôn Phi Liệt (xã Liên Nghĩa), các chủ vườn vẫn đang cặm cụi che nilon, bạt để hãm quả trước thời tiết nắng nóng. Đây là thời điểm quyết định độ ăn thua nên gần như lúc nào nông dân cũng có mặt tại ruộng.
Vừa mang thúng đi nhặt quất rụng, chị Hoa (thôn Phi Liệt) vừa than thở: "Năm nay thì thua to. Hơn 300 gốc này đảo sớm, hi vọng có thể bán trước với giá cao. Ai ngờ trận mưa vừa rồi rụng sạch, chỉ còn lơ thơ ít quả. Nếu vài ngày nữa lại có mưa thì coi như vụ năm nay mất trắng. Cố gắng tận thu số quất rụng này, mai mang chợ bán xem có vớt vát được chút nào không".
Không chỉ bị thiệt hại quất, hơn 200 gốc cam Canh của chị Hoa cũng rụng 10% quả. Vườn đu đủ cảnh có giá từ 1 - 4 triệu/cây cũng bị hư hỏng nặng, nhiều cây đã úa lá, rụng quả, nhiều cây đã chết.
![](http://www.cand.com.vn/Uploaded_VNCA/hoabt1/13_tran1653-400.jpg) |
Trận mưa dài ngày vừa qua đã khiến quất, cam cảnh ở Văn Giang rụng quả, nông dân phải bán cho thương lái với giá thấp. Ảnh: Ly Linh |
Vườn quất của anh Nguyễn Hữu Tuyên (Quán Trạch - Liên Nghĩa) giờ cũng đã tơi tả. Có cây đã sạch quả, có cây chỉ lơ thơ ít quả xanh. "Nghề trồng quất cảnh như đánh bạc với ông trời. Trận mưa vừa rồi không lớn nhưng nông dân vẫn thiệt hại không kém gì trận lụt năm trước do quất năm nay vốn đã chín sớm, sau mưa lại nắng nóng kéo dài nên rất khó giữ. Hơn 200 gốc quất của gia đình tôi chỉ hi vọng vớt vát được giá gốc" - anh Tuyên chua chát nói.
Các hộ trồng cam Canh cũng bị thiệt hại lớn. Mưa dài ngày khiến quả nheo lại, héo úa rồi rụng. Giá cam Canh thương buôn đặt mua cho đợt tết thường dao động từ 40-50 ngàn/kg, song cam rụng chỉ bán được với giá 5-8 ngàn/kg. Nhiều hộ thực sự lao đao vì giá thuê ruộng quá cao (3 triệu/sào), chi phí phân bón, thuốc sâu lớn trong khi cam Canh mất mùa khiến họ có nguy cơ không trả được nợ.
Trao đổi xung quanh câu chuyện này, ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Mễ Sở cho biết: "Hiện nay gần như 100% hộ dân của xã đều có nghề trồng quất cảnh. Bởi vậy biến động thời tiết lần này đã gây thiệt hại lớn cho các hộ gia đình cũng như kinh tế địa phương".
Thương lái ép giá
Quất, cam cảnh rụng quả cũng khiến hàng ngàn nông dân lao đao vì bị thương buôn ép giá. Chị Trần Thị Lan (Hoàng Trạch - Mễ Sở) không giấu nổi vẻ lo âu: "Hơn 700 gốc quất này đã có người đặt mua với giá bình quân 300 ngàn/cây, nay thấy quất rụng quả, thương buôn chỉ trả 250 ngàn/cây. Cũng đành phải bán vì số lượng cây quá lớn không thể bán lẻ được. Tính ra năm nay không có lãi". Nhiều bản hợp đồng đã kí cũng được đưa ra đàm phán lại theo hướng có lợi cho thương buôn.
Chiến dịch đi săn nhà buôn trở nên cấp thiết vào lúc này đối với các nhà vườn. Nhiều nhà vườn đối mặt với nguy cơ ế hàng do không tìm được thương buôn. "Mấy ngày nay cũng có vài người ghé thăm vườn song chê quất ít quả, lại đi. Nếu vài ngày tới vẫn không tìm được mối, chúng tôi sẽ phải bán lẻ"- chị Hoa nói
Thương lái cũng có cái "lý" để ép giá nông dân. Anh Trần Hữu Độ (Mai Đình - Sóc Sơn - Hà Nội) phân tích: "Nhà buôn và nông dân phải cùng san sẻ những rủi ro của thời tiết. Nếu vẫn trả đúng giá gốc đã thoả thuận trước đây, chúng tôi sẽ bị lỗ. Nhiều cây đã rụng hết quả, khách chê không mua hoặc mua với giá rất thấp, buộc chúng tôi phải thương thảo lại giá cả. Hơn thế, năm nay sức mua cũng chậm. Hơn 200 gốc tôi mua về, giờ mới bán được hơn chục gốc"![](http://www.cand.com.vn/Images/reddot.gif)