- Chiều 13/11, tại thành phố Yokohama (Nhật Bản), Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 với chủ đề “Đổi mới và hành động” đã chính thức khai mạc. Thủ tướng Nhật Bản Naôtô Can chủ trì phiên khai mạc. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đại diện nền kinh tế Việt Nam tham dự Hội nghị.
Chiều 13/11, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã tiến hành Phiên họp kín thứ nhất với chủ đề “Duy trì tăng trưởng và thịnh vượng ở khu vực”. Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định: Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới hậu khủng hoảng, APEC không thể tiếp tục các mô hình tăng trưởng truyền thống, mà cần phải sớm định hình chiến lược tăng trưởng mới, phù hợp với tình hình kinh tế đang có nhiều thay đổi, ứng phó với các thách thức mới, góp phần vào việc đảm bảo tăng trưởng và liên kết kinh tế tại khu vực theo hướng bền vững và phục vụ lợi ích của mọi người dân. Theo đó, để triển khai thỏa thuận tại Hội nghị Cấp cao APEC 17 tại Xinhgapo năm 2009, các nhà lãnh đạo nhất trí cùng nhau xây dựng “Chiến lược tăng trưởng của APEC” với 5 nội hàm cơ bản là “Cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn” (Chiến lược tăng trưởng mới); ủng hộ tăng cường nỗ lực chung toàn cầu và vai trò điều phối kinh tế toàn cầu của nhóm G-20.
Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh sự cần thiết phải coi trọng thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực, cũng như trong từng nền kinh tế thành viên thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu nhằm xóa bỏ dần các bất cập về chính sách và hiện thực hóa các tiềm năng tăng trưởng. Mọi công dân của các nền kinh tế APEC đều có cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường toàn cầu, tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và khuyến khích đổi mới. Với tinh thần “Đổi mới và hành động”, các nhà lãnh đạo APEC cũng nhất trí cần đề ra Kế hoạch hành động để triển khai chiến lược tăng trưởng mới, gồm các biện pháp thúc đẩy hợp tác về cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực và doanh nghiệp, tăng trưởng xanh, kinh tế trí thức và an ninh con người.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu tại Phiên họp kín thứ nhất. Trong khi nhấn mạnh châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Á, tiếp tục là động lực của quá trình phục hồi và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, việc tăng cường phối hợp và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vẫn là nhu cầu bức thiết và APEC cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và đưa kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Chủ tịch nước cho rằng, trong Chiến lược tăng trưởng mới, vấn đề then chốt là phát triển kinh tế cần gắn liền với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó, cần lấy con người là chủ thể và trọng tâm. Chủ tịch nước đề nghị: APEC cần đẩy mạnh hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên thông qua tăng cường liên kết kinh tế - thương mại - đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và cải cách cơ cấu, gắn kết Chiến lược tăng trưởng mới với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và các chương trình hợp tác của các thành viên ở cấp độ tiểu vùng và khu vực. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Chủ tịch nước cũng nêu bật những thành tựu và những đóng góp của ASEAN trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Chiều cùng ngày, Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Pacifico Yokohama. Tại phiên đối thoại, các nhà lãnh đạo APEC và ABAC đã tập trung thảo luận những vấn đề đang được các doanh nghiệp khu vực hết sức quan tâm, như việc thực hiện các Mục tiêu Bôgo, thúc đẩy Vòng đàm phán Đôha, vấn đề chống chủ nghĩa bảo hộ, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện chuỗi cung ứng khu vực… Phiên đối thoại là hoạt động thường niên được các nhà lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực rất coi trọng.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC 18, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pêru Alan Gácxia Pêrết (Alan Garcia Perez), Thủ tướng Canađa Xtêphơn Háppơ (Stephen Harper). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triếtvà các nhà lãnh đạo của Pêru, Canađa đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như việc tăng cường hợp tác, phối hợp giữa Việt Nam với Pêru, Canađa tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có APEC.