Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Nhiều chuyển biến tích cực trong giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Nhiều chuyển biến tích cực trong giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri

Đầu giờ sáng 22/11, Quốc hội đã nghe Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII. Giải quyết 98,4% ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 7

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng.
 
Tính đến ngày 05/11/2010, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời đối với 1.234 kiến nghị (chiếm 98,4%), hiện còn 20 kiến nghị (chiếm 1,6%) chưa nhận được văn bản trả lời. Trong đó có 753 kiến nghị (chiếm 61%) đã được tiếp thu và giải quyết như về chính sách phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn , về việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, về kiểm tra xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Có 242 kiến nghị (chiếm 19,6%) đang trong quá trình xem xét, giải quyết như những kiến nghị về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các nội dung như: khuyến khích về phát triển thị trường, hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, về thông tin tư vấn, về thủ tục hành chính, về hỗ trợ tài chính; sửa đổi các quy định về thu phí, chế độ và quản lý sử dụng phí giám định tư pháp... 69 kiến nghị (chiếm 5,6%) được cơ quan có thẩm quyền giải trình, cung cấp thông tin với cử tri, 94 kiến nghị (chiếm 7,6%) được ghi nhận để nghiên cứu ban hành chính sách, 76 kiến nghị (chiếm 6,2%) tuy thuộc trách nhiệm của bộ, ngành ở trung ương nhưng việc giải quyết cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương...
 
Đánh giá về việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định việc tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kiến nghị và trả lời cử tri của các cơ quan nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù số lượng kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 nhiều hơn kỳ họp trước nhưng các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng nên nhiều kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết kịp thời, thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân cả nước, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường...
 
Vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết triệt để
 
Ban Dân nguyện tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động điện lực và đã nêu lên những tồn tại, hạn chế như về giá điện: giá bán lẻ điện sinh hoạt chưa đảm bảo nguyên tắc chỉ hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Về đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện quốc gia nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo: việc đầu tư xây dựng các Nhà máy điện theo Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2010 còn chậm, mới đạt 74% nguồn điện so với Quy hoạch; chưa thu hút được các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo cũng như tham gia vào việc xây dựng các nhà máy điện, trong đó có các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; việc phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ ở một số tỉnh còn nhiều sai sót. Về việc cắt điện, ngừng, giảm mức cung cấp điện do thiếu điện: do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng với tốc độ cao, trong khi đó việc đầu tư phát triển nguồn điện chậm như đã nêu trên, nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng lớn (34,2%) trong cơ cấu nguồn điện, việc sản xuất ra nguồn điện này phụ thuộc vào thời tiết, trong khi năm nay thời tiết diễn biến bất thường, khô hạn kéo dài nên sản lượng điện của các nhà máy thủy điện thiếu hụt nghiêm trọng so với kế hoạch. Bên cạnh đó, do thiếu nguồn phát điện dự phòng cho nên hiện vẫn chưa khắc phục được một cách căn bản tình trạng thiếu điện. Cử tri thông cảm và chia sẻ với ngành điện về việc thiếu điện nhưng không đồng tình với việc thực hiện cắt điện, ngừng, giảm mức cung cấp điện mà không thông báo trước theo đúng quy định của pháp luật, chưa bảo đảm luân phiên, công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện, thiếu thống nhất giữa các địa phương trong những lúc thiếu điện như thời gian vừa qua.
 
Về việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, qua xem xét cho thấy việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh giá, cụ thể là: Theo Điều 6 của Pháp lệnh giá quy định cụ thể về các biện pháp bình ổn giá thì không có biện pháp lập Quỹ bình ổn giá. Giải trình về căn cứ để lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tại Báo cáo số 12870/BTC-QLG ngày 24/9/2010, Bộ Tài chính cho rằng việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu là căn cứ vào: Điều 5 Pháp lệnh giá, Điều 3, Nghị định 170/2003/NĐ-CP, Thông báo số 147/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Quyết định số 04/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua nghiên cứu Pháp lệnh giá thì thấy Điều 5 quy định về mục tiêu bình ổn giá trong đó có quy định: “Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường…”. Những biện pháp cần thiết được áp dụng để bình ổn giá được đề cập trong điều này đã được cụ thể hóa tại Điều 6 của Pháp lệnh mà không giao cho Chính phủ quy định. Sau phiên họp thứ 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 08/10/2010, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản giải trình số 13574/BTC-QLG về vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, sau khi xem xét Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung giải trình không có gì khác so với trước đây. Đối với việc chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, dù Bộ Công thương đã có cố gắng trong việc phối hợp với các bộ, các địa phương kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu; Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động, kịp thời ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu. Công tác chống gian lận thương mại trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung việc kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; việc phát hiện hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, việc xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm minh, thiếu tính răn đe; sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc kiểm tra, chống gi an lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, chưa được thường xuyên.
 
Về việc giải quyết một số kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực Bảo hiểm Y tế, qua giám sát cho thấy, sau thời điểm Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành, cử tri có nhiều kiến nghị về những vướng mắc trong việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với trẻ em dưới 6 tuổi, việc đổi thẻ đối với người có công với cách mạng, người nghèo; việc thu, nộp bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên; việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với trường hợp bị tai nạn giao thông… Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, giải quyết và trả lời. Tuy nhiên, cho đến nay có một số vấn đề cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị, cụ thể là việc thu nộp và cấp tiền hỗ trợ từ ngân sách để đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng là học sinh, sinh viên và việc thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông. Qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri về những vấn đề nêu trên cho thấy, việc ban hành văn bản hướng dẫn cũng như tổ chức thực hiện còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế với các bộ có liên quan, như việc thu nộp BHYT đối với học sinh, sinh vi ên; thanh toán BHYT đối với người bị tai nạn giao thông .
 
Cần sự vào cuộc đồng bộ của các “thủ lĩnh” ngành
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế như: Đối với một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng việc giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền còn chậm, có nhiều lúng túng mà nguyên nhân chủ yếu là do việc phối hợp để giải quyết các vấn đề vướng mắc và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành còn nhiều bất cập. Một số cơ quan chưa thực sự quan tâm đến việc khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu trong báo cáo giám sát tại kỳ họp trước... Nhiều kiến nghị của cử tri đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết bằng việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhưng do công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai hướng dẫn thực hiện pháp luật còn nhiều hạn chế nên tại các kỳ họp sau cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Vẫn còn một số cơ quan trả lời kiến nghị của cử tri chậm nên nội dung trả lời không được truyền tải kịp thời đến với cử tri khi Đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri...
 
Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với các bộ, ngành hữu quan kịp thời rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, Luật Bảo hiểm y tế, Pháp lệnh giá; có kế hoạch, tiến độ cụ thể về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản có những nội dung chưa phù hợp với quy định của các luật, pháp lệnh nêu trên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ hữu quan làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đối với giáo viên mầm non, mẫu giáo, hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer tại các chùa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được quy định tại các Quyết định 24, 25, 26, 27/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ; Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện những yêu cầu, kiến nghị mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước và báo cáo kết quả với Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh góp phần bảo đảm việc ban hành các văn bản này được kịp thời, đúng thẩm quyền và phù hợp với nội dung quy định của luật, pháp lệnh./.
 
Báo ĐT.ĐCS
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN