Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng

Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng

– Sáng 31/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2010).

Đến dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Văn An, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên TW Đảng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành và đông đảo thế hệ cán bộ làm công tác Tuyên giáo qua các thời kỳ.

Thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đọc diễn văn khai mạc. Diễn văn nêu rõ: Trải qua 80 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau, có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung và từng bước hoàn chỉnh, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác Tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang 80 năm qua, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng phấn khởi và tự hào vì ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

15 năm đấu tranh giành chính quyền (1930 -1945 là giai đoạn mà đội ngũ cán bộ Tuyên giáo thực sự là những chiến sĩ xung kích, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của dân tộc, vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác Tuyên giáo đã tập trung nuôi dưỡng và phát huy ý chí kiên cường, bất khuất, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, động viên cả nước dồn hết sức người, sức của cho kháng chiến, anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, công tác Tuyên giáo đã tham gia tổ chức và triển khai liên tục các phong trào cách mạng ở hai miền Nam – Bắc, cổ vũ, động viên quân và dân cả nước phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội trao bức trướng mang dòng chữ: "Trung thành, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" cho ngành Tuyên giáo.

Trong thời kỳ đổi mới, công tác Tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy, động viên tinh thần, ý chí kiên cường, sáng tạo của nhân dân. Đồng thời, công tác Tuyên giáo trong giai đoạn này cũng đã nỗ lực hết mình, hoạt động không mệt mỏi góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đồng chí Tô Huy Rứa cũng chỉ ra những bất cập, yếu kém của công tác Tuyên giáo như: tham mưu trên một số lĩnh vực công tác còn chưa kịp thời, nhạy bén. Công tác lý luận chưa giải đáp đúng, trúng và thuyết phục nhiều vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học – công nghệ và các vấn đề xã hội còn nhiều việc chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Trong đấu tranh tư tưởng còn chưa kịp thời, chưa nhạy bén phản bác các luận điệu tuyên truyền thù địch, xuyên tạc, phản động…

Phát huy truyền thống 80 năm, đồng chí Tô Huy Rứa yêu cầu: Toàn ngành Tuyên giáo cần nỗ lực vươn lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tập trung sức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao phó.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà cán bộ, công nhân viên ngành Tuyên giáo đã đạt được trong những năm qua. Đồng chí nhấn mạnh: Trong suốt 80 năm qua, với vai trò là một bộ phận của công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng đã trực tiếp góp phần tạo nên một hệ thống các quan điểm lý luận, cương lĩnh, đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam; giáo dục, rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần gang thép của những người cộng sản, những chiến sĩ yêu nước Việt Nam; tạo ra sức mạnh đoàn kết thống nhất của hệ thống tổ chức đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, góp phần củng cố, xây dựng và phát triển Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức thật sự vững mạnh, trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đồng thời, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh tư tưởng, phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái; vạch trần những âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hoà bình”; làm thất bại chiến lược đánh vào tư tưởng, phá rã niềm tin, chia rẽ nội bộ hòng làm tan rã Đảng ta của các thế lực thù địch”.
 

 và traoHuân chương Độc lập hạng Nhì cho các đồng chí: Vũ Thị Thanh, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hoá TƯ; Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng chí cũng đề
 nghị ngành Tuyên giáo cần: Đi sâu nghiên cứu, tổng kết những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện cụ thể ngày nay, nhạy bén nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; đồng thời đổi mới về nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú trọng đã tặng Ban Tuyên giáo Trung ương bức trướng mang dòng chữ: Trung thành, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho đồng chí Vũ Thị Thanh, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương nay là Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.
 
Báo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN