Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới 7/4

Mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới 7/4

Ngày 7/4, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày Sức khỏe thế giới 7/4" năm 2011 với chủ đề "Chống kháng thuốc: Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa".

Kháng kháng sinh (KKS) là khả năng một loại vi sinh vật vô hiệu hóa tác dụng của một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để chống lại nó. Các vi sinh vật có khả năng kháng thuốc này bao gồm vi rút, vi khuẩn và một số loại ký sinh trùng. Trong những trường hợp có biểu hiện kháng thuốc, các liệu pháp điều trị chuẩn trở nên không còn hiệu quả và nhiễm khuẩn vẫn tồn tại phát triển và có thể lây lan sang người khác. KKS là hậu quả của nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý và không đúng cách.

 
            Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới.

Kể từ năm 1928, Bác sĩ Alexander Flemming phát hiện ra kháng sinh Penicilline, đến nay hàng trăm loại kháng sinh đã được phát triển và đưa vào sử dụng trong điều trị bệnh. Sự ra đời của kháng sinh đã giúp cứu chữa hàng tỷ người bệnh mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc coi kháng sinh như một loại thuốc 'thần dược' chữa được tất cả các loại bệnh nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh kéo dài, lạm dụng kháng sinh trong điều trị đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc. Do vậy, nhiều loại kháng sinh đã bị kém hoặc không còn tác dụng trong điều trị bệnh. Gần đây, nhiều nhà khoa học tại các nước trên thế giới đã liên tiếp thông báo ghi nhận sự xuất hiện gien kháng thuốc của vi khuẩn đối với một số loại kháng sinh nhóm carbapenem, một nhóm kháng sinh thế hệ mới, đã dấy lên sự lo ngại về sự biến đổi mạnh mẽ của các loại vi khuẩn đa kháng kháng sinh.

Tại Việt Nam, một số nghiên cứu cũng phát hiện một số loại vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Trong số các yếu tố làm tăng vi khuẩn kháng thuốc, nhiễm trùng bệnh viện là một yếu tố quan trọng liên quan đến tính kháng kháng sinh của vi khuẩn. Các nghiên cứu cho thấy, việc tuân thủ thực hiện các quy định thực hiện chống nhiễm trùng bệnh viện có thể làm giảm rõ rệt tỷ lệ nhiễm khuẩn. Thêm vào đó, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong cộng đồng, nhiều người dân có thói quen tự ý đi mua thuốc kháng sinh khi bị các bệnh nhiễm trùng thông thường không theo chỉ định của thầy thuốc. Kết quả, nhiều vi khuẩn đã kháng lại hầu hết các kháng sinh thông thường như penicilln, tetracycline, streptomycine…

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định: Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sự KKS của các loại vi khuẩn, Bộ Y tế đã thiết lập các khoa chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, sử dụng kháng sinh theo đơn, quản lý chặt chẽ việc bán các loại thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc trong và ngoài bệnh viện... Thời gian tới, ngành y tế thành lập mạng lưới giám sát quốc gia về theo dõi vi khuẩn đa kháng sinh tại Việt Nam; tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ các hoạt động chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện; cách ly kịp thời các bệnh nhân có hiện tượng kháng thuốc kháng sinh trong điều trị; xây dựng các đề tài nghiên cứu để đánh giá thực trạng, phân tích đặc điểm và xác định các yếu tố dịch tễ liên quan đến các chủng vi khuẩn KKS; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông về sự nguy hiểm và biện pháp ngăn ngừa sự kháng thuốc của vi khuẩn...

Theo Tiến sĩ Graham Harrison, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ: KKS là một mối quan ngại lớn bởi vì nó gây ra nhiều hậu quả khôn lường đối với người bệnh và xã hội. KKS có thể gây tử vong khi mà các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc gây ra không còn điều trị hiệu quả bởi các liệu pháp điều trị chuẩn, khiến cho thời gian bị bệnh kéo dài và gia tăng nguy cơ tử vong. Thêm vào đó, việc thất bại trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp cũng là mối đe đọa đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu quốc gia về y tế khác…

 
          Tiến sĩ Graham Harrison, Quyền Trưởng đại diện WHO
                     tại Việt Nam 
phát biểu tại Lễ mít tinh. 

Theo WHO, năm 2010, có 58 quốc gia báo cáo về sự tồn tại của bệnh lao đa kháng thuốc nghiêm trọng. Mỗi năm, trên thế giới ước tính có thêm 440.000 ca nhiễm lao đa kháng thuốc mới là nguyên nhân gây tử vong cho 150.000 người. Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 5.900 ca nhiễm lao đa kháng thuốc gây tử vong cho 1.800 người. Mô hình bệnh tật ở Việt Nam hiện là mô hình kép đan xen giữa bệnh truyền nhiễm và bệnh không truyền nhiễm.

Chủ đề năm 2011 của "Ngày Sức khỏe thế giới" nhằm hướng sự quan tâm của mọi người tới mối quan ngại càng tăng về kháng kháng sinh. Để ngăn chặn hiểm họa do thuốc kháng thuốc gây ra, WHO kêu gọi các bên có liên quan bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách và lập kế hoạch, người dân và người bệnh, các bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế khác ở tất cả các quốc gia tăng cường năng lực giám sát và xét nghiệm vi sinh; đảm bảo tiếp cận liên tục với thuốc thiết yếu; điều tiết và thúc đẩy sử dụng thuốc an toàn hợp lý kể cả cho ngành chăn nuôi và cho con người; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và khuyến khích các phát minh./.

Báo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN