Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Quốc hội mổ xẻ vấn đề chất lượng giáo dục đại học

Quốc hội mổ xẻ vấn đề chất lượng giáo dục đại học

– Ngày 7/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Các đại biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Cần nâng cao chất lượng giáo dục

Theo báo cáo của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trong những năm qua, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của ngành giáo dục cùng với sự tận tụy của đội ngũ cán bộ, giảng viên (CB, GV), tinh thần hiếu học và truyền thống chăm lo cho giáo dục của nhân dân, giáo dục đại học (GDÐH) nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hơn mười năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã từng bước được bổ sung, đổi mới, góp phần thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Ðảng và Nhà nước về GDÐH; Nhà nước thực hiện ưu tiên đầu tư cho giáo dục nói chung và GDÐH nói riêng ở mức cao, giá trị tuyệt đối tăng hàng năm theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhờ đó, năng lực đào tạo của cả hệ thống được tăng cường; Quy mô đào tạo không ngừng tăng; Công bằng xã hội trong GDÐH được thực hiện tốt hơn, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền; Công tác xã hội hóa GDÐH đã thu được kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc mở rộng hệ thống trường ngoài công lập, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho GDÐH; Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; công tác quản lý chất lượng đào tạo có bước đổi mới; Công tác nghiên cứu khoa học trong các trường ÐH, CÐ đã có những kết quả đáng khích lệ. GDÐH đã cung cấp cho đất nước hàng triệu nhân lực có trình độ CÐ, ÐH, hàng chục nghìn cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Ðây là lực lượng quan trọng, giữ vai trò nòng cốt của quá trình CNH, HÐH, thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, việc thành lập, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) và mở ngành đào tạo còn nhiều bất cập. Nhiều trường ÐH, CÐ công lập được nâng cấp hoặc chuyển từ đào tạo chuyên ngành sang đào tạo đa ngành không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Việc mở trường và mở ngành tràn lan dẫn tới tình trạng mất cân đối về hình thức, trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu vùng, miền. Hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho GDÐH còn hạn chế. Chất lượng GDÐH nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và CNH, HÐH đất nước.

Số lượng thì nhiều nhưng chất lượng chưa đạt

Chỉ trong 10 năm qua, đã có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập. Đến tháng 9.2009, cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng. Việc thành lập quá nhiều cơ sở giáo dục đại học, dẫn đến tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo chủ yếu là do việc triển khai quy hoạch mạng lưới chưa đúng yêu cầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương về việc lập quy hoạch phát triển các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy hoạch chung của Chính phủ. Việc thành lập các cơ sở giáo dục chủ yếu chạy theo quy mô, chạy theo thành tích của các bộ, ngành, địa phương mà chưa căn cứ vào nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo. Mặt khác, quy trình, thủ tục và điều kiện thành lập trường chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Rất nhiều trường sau khi có quyết định thành lập đến khi được tuyển sinh khóa đầu tiên không đạt được những tiêu chí cơ bản nhất về đất đai, đội ngũ, vốn đầu tư và các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Với tầm quan trọng của vấn đề GDĐH, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với việc, Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề riêng, cần đánh giá đúng chất lượngGDĐHhiện nay. Đối với Chính phủ, các đại biểu đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở ĐH sau 3 năm thành lập, nếu không đáp ứng điều kiện có thể hạ cấp hoặc giải thể. Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH; Kiểm soát việc liên kết đào tạo… không thả lỏng mọi chuyện như hiện nay.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng)

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) bức xúc vì việc, với truyền thống hiếu học của người Việt Nam, thế nhưng đến nay, Việt Nam chưa có nổi một trường ĐH, CĐ nào lọt vào top 200 trường ĐH mạnh của thế giới. “Chúng ta có quyền nghi ngờ vì sao các trường không đủ chỉ tiêu về tiến sĩ, thạc sĩ nhưng vẫn xin được hết các loại giấy phép mở ngành, mở trường”, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi.

Việc mở hàng loạt các trường ĐH-CĐ trong thời gian qua là điều mà các đại biểu bức xúc nhất. Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, việc mở trường không khác việc mở công ty, mà trong đó, các trường đặt nặng vấn đề lợi nhuận. “Không thể chấp nhận việc một trường mẫu giáo đòi hỏi phải có trường đúng công năng, trong khi lại cho phép một trường ĐH đi thuê cơ sở triền miên từ năm này sang năm khác”, đại biểu Nghĩa nói và đề nghị lập lại kỷ cương trong việc cấp phép mở trường đại học.

Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá)

Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá)đồng tình với việc báo cáo giám sát đã chỉ ra những gam màu tối, màu sáng của bức tranh GDĐH, trong đó có việc thành lập dễ dãi các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, theo đại biểu, báo cáo vẫn chưa chỉ rõ đến nơi đến chốn những nguyên nhân của những yếu kém. Đại biểu Lê Văn Cuông cho rằng, việc chỉ ra nguyên nhân còn thiếu lửa, né tránh, ngại va chạm, đặc biệt, không nêu ra trách nhiệm của ai, dễ dẫn đến hoà cả làng. Báo cáo phải chỉ rõ trách nhiệm của lãnh đạo chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành liên quan.

Về những yếu kém của GDĐH, đại biểu này cho rằng: trách nhiệm thuộc về Bộ chủ quản. Đại biểu Lê Văn Cuông đề nghị, Bộ GD-ĐT phải là nơi tập hợp được những cán bộ có tâm, có tầm với sự nghiệp GD-ĐT nước nhà. “Chính phủ phải kiên quyết giải thể các trường ĐH-CĐ kém chất lượng”, đại biểu Lê Văn Cuông chỉ rõ.

Theo một số đại biểu, đến thời điểm hiện nay nước ta cũng chưa có một tổ chức nào nghiên cứu, dự báo về nhu cầu lao động (số lượng, trình độ, cơ cấu nghề nghiệp, chất lượng... ) để làm cơ sở cho ngành giáo dục và đào tạo xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển. Về phía các cơ sở giáo dục đại học cũng rất ít trường xây dựng được bộ phận nghiên cứu thị trường lao động, nếu có bộ phận này thì hiệu quả hoạt động cũng rất hạn chế. Trong khi đó, việc quản lý chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng vẫn nặng về đầu vào, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc kiểm định chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Do vậy, xây dựng Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống GDÐH. Ðồng thời, đề nghị Quốc hội cho chủ trương để sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong các luật khác có liên quan giáo dục nói chung và GDÐH nói riêng (Luật Ðất đai, Luật Thuế, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư...) nhằm tạo điều kiện cho GDÐH phát triển nhanh và bền vững, đưa công tác xã hội hóa sự nghiệp giáo dục đạt những thành tựu lớn hơn. Trước mắt, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về GDÐH sau khi giám sát để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GDÐH trong giai đoạn hiện nay.

Cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) không phủ nhận những thành tựu mà GDĐH trong nhưng năm qua đã đạt được nhưng cũng khẳng định, những yếu kém của GDĐH là nhiều. Nhiều trường ĐH,CĐ được thành lập và nâng cấp trong khi điều kiện không bảo đảm là điều không chấp nhận được. Số sinh viên tăng lên chóng mặt, trong khi chất lượng đội ngũ giảng viên thấp. Để đảm bảo chỉ tiêu, nhiều trường hạ thấp đầu vào, khiến chất lượng đào tạo không bảo đảm. Thực tế, đào tạo ĐH hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho rằng, những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải trường ĐH,CĐ, gây áp lực xã hội rất lớn. Trong khi đó, việc di dời các trường ra ngoại thành mãi không làm được. Những dự án lớn (như ĐH Quốc gia Hà Nội) dù đã được phê duyệt nhưng ì ạch, chậm trễ.

Theo đại biểu Doãn Thanh, cần nghiên cứu chính sách phát triển GDĐH hướng tới bảo đảm chất lượng, không nên phổ cập đại học. Ngoài việc kiên quyết giải thể những trường kém chất lượng, phải quy định thời gian thực tập bắt buộc của sinh viên để nâng cao kỹ năng thực hành của sinh viên Việt Nam.

Theo đại biểu Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi), đào tạo sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ còn thấp, thậm chí ngày càng giảm đi. Chất lượng giáo trình thiếu cập nhật kiến thức mới. Không thể chấp nhận việc thư viện ĐH vẫn còn giáo trình in từ những năm 60, trong khi các nước sau 5 năm họ lại thay giáo trình.

Đại biểu Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi)


Từ thực tế này,đại biểu MãĐiền Cưcho rằng cần đẩy nhanh quá trình kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, để các trường tự giác đánh giá mình. Song song với đó, Bộ chủ quản kiểm định, công khai kết quả để người học lựa chọn trường. Ngoài ra, cần đổi mới giáo trình đại học, cập nhật thực tiễn, tăng kỹ năng thực hành cho sinh viên; tập trung cải thiện chất lượng đội ngũ giảng viên, trả lương cao để họ yên tâm giảng dạy, nghiên cứu./.
 
Báo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN