Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tập trung triển khai nhanh các giải pháp, vượt qua khó khăn và thách thức của nền kinh tế

Tập trung triển khai nhanh các giải pháp, vượt qua khó khăn và thách thức của nền kinh tế

- Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong tháng 5 vừa qua, nền kinh tế đang tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức vẫn còn ở phía trước.

Sản xuất công nghiệp có xu hướng  tăng

 
Những tín hiệu tích cực

Biểu hiện rõ nhất trong tháng 5 là sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng và tốc độ tăng của tháng sau cao hơn tháng trước. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp sản xuất công nghiệp đã tăng so với tháng trước. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 tính theo giá cố định năm 1994 ước đạt 56,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 265,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó, khu vực kinh tế trung ương tăng 1,3%, kinh tế địa phương giảm 4,8%; kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng cao nhất với 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,7%.

Như vậy, so với tháng 5/2008, trừ khu vực kinh tế địa phương, tốc độ tăng trưởng ở cả 3 khu vực đều tăng. Các tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm đạt được mức tăng trưởng cao trong tháng 5 so với cùng kỳ là Quảng Ninh tăng 15,8%, Hải Phòng tăng 10,6%, Đà Nẵng tăng 9,9%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,1%, Hà Nội tăng 5,0%…Một số tỉnh, thành phố từ đầu năm đến nay liên tục giảm nhưng nay đã có sự tăng trưởng tuy còn rất khiêm tốn như Đà Nẵng tăng 6,5%, Hải Dương tăng 1,9%, Phú Thọ tăng 1,8%... Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của toàn ngành là dầu thô khai thác (tăng 19,9%), xi măng (tăng 17,4%), điều hòa nhiệt độ (tăng 17,3%)...

Bên cạnh đó, một dấu hiệu khác cũng có thể coi là một tín hiệu tích cực, đó là tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng, đạt 91,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 5, tăng 1,6% so với tháng 4. Như vậy, 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ trên thị trường đã lên tới 451,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2008. Nếu loại trừ yếu tố giá cả, mức tăng của tổng mức bán lẻ là 8,4% - một kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế suy giảm. Điều này cũng cho thấy sức tiêu thụ của dân cư đã dần hồi phục. Mức tăng trưởng khả quan của chỉ báo này cũng cho thấy Việt Nam có một thị trường nội địa rất nhiều tiềm năng và có thể làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong tình trạng thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Ở một khía cạnh khác, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 5/2009 ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng 4 nhưng giảm 37% so với tháng 5/2008. Mặc dù tụt giảm mạnh so với cùng kì song mức giảm đã giảm đáng kể so với tháng trước đó (trong 4 tháng đầu năm nhập khẩu giảm 44% so với cùng kì). So với tháng 4, nhập khẩu của nhóm hàng tiêu dùng có dấu hiệu tăng mạnh, sữa và sản phẩm sữa tăng 56%, dầu mỡ động, thực vật tăng 21,6%, ô tô nguyên chiếc tăng 15,5%, xe máy nguyên chiếc tăng 18,6%, trong khi nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất chỉ tăng nhẹ khoảng từ 4 - 5%. Như vậy sau nhiều tháng giảm liên tiếp thì đây có có thể là một tín hiệu tốt cho thấy sản xuất và tiêu dùng trong nước đã dần khôi phục.

Trên đây là những tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) Victoria Kwakwa tại Diễn đàn doanh nghiệp VN được tổ chức mới đây (1/6) cho rằng, mặc dù không tránh khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu, Việt Nam đang có được những tín hiệu tốt hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dù không bằng những năm trước.

Còn theo ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KH - ĐT, có được kết quả này, là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, cũng theo ông Sinh, thì thách thức, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn.

Khó khăn và thách thức vẫn ở phía trước

Trước hết,xuất khẩu tiếp tục xu hướng giảm sút. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng 4/2009. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2009 đạt 22,9 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, có một số mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh như cao su (giảm 49,2%), dây điện và dây cáp điện (giảm 41,7%), sản phẩm gốm sứ (giảm 23,7%), giày dép (giảm 10,1%), dệt may (1,6%), rau quả (8,9%), thủy sản (9,1%)…

Trong khi đó, là một nước nhập khẩu tới 90% nguyên phụ liệu chosản xuất kinh doanhnhưng trong 5 tháng qua, nhập khẩu sắt thép giảm 45,5% về lượng và giảm 60,8% về giá trị; nhập khẩu bông giảm 32,8% về lượng và giảm 55,3% về giá trị... Nhập khẩu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước, cũng như xuất khẩu. Theo một số chuyên gia kinh tế, nhập khẩu giảm cũng là một vấn đề đáng lo ngại cho khả năng hồi phục của sản xuất trong nước trong thời gian tới.

Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam có tín hiệu ổn định trở lại khi mức tăng so với cùng kì chỉ còn 11,59 %, tuy nhiên đà giảm của chỉ số này đã chậm lại so với các tháng trước cảnh báo nguy cơ tái lạm phát quay trở lại đối với nền kinh tế là có thể xảy ra.

Thêm vào đó, mặc dù các biện pháp kích cầu đang được quyết liệt thực hiện nhưng giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn ngân sách Nhà nước… vẫn đạt thấp, khiến không ít chuyên gia băn khoăn về khả năng đạt tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay. Biểu hiện rõ nhất là vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện so với kế hoạch năm 2009 chỉ đạt 33,2% (tức là chỉ đạt một phần ba kế hoạch trong khi gần nửa năm đã trôi qua).

Tháng 5 cũng là tháng thứ hai liên tiếp nhập siêu quay trở lại, với khoảng 1,5 tỷ USD, sau 3 tháng đầu năm xuất siêu, mà chủ yếu là nhờ xuất khẩu vàng. Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập siêu đã ở mức 1,1 tỷ USD, chiếm 4,9% kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh vốn đầu tư nước ngoài đạt thấp, kiều hối chậm, thì điều này có thể khiến cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Tập trung triển khai nhanh các giải pháp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ là chỉ đạo, kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hướng dẫn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu, chính sách tài chính, tiền tệ, giải quyết việc làm cho người lao động... gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo chính sách đến đúng đối tượng và đúng mục đích.

Đồng thời, tổ chức tốt thị trường nội địa để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong nước, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Ngân hàng phải chủ động điều hành tỷ lệ lãi suất phù hợp, đảm bảo chất lượng tín dụng, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn kích cầu… Kiểm soát chặt nhập siêu, phấn đấu mức nhập siêu dưới 20% trong năm nay cũng như tập trung bàn giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư.

Các biện pháp đã có, vấn đề được đặt ra là các bộ, ngành, địa phương…cần nhanh chóng triển khai để nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.
Theo báo ĐCS Việt Nam

BÀI VIẾT LIÊN QUAN