Tuần qua, Quốc hội (QH) dành một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, đã có 64/83 đại biểu đăng ký phát biểu, có năm thành viên Chính phủ tham gia báo cáo giải trình, một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ được nhiều đại biểu QH quan tâm nêu ra. Nhiều ý kiến của các đại biểu QH đã tập trung nêu rõ và phân tích những yếu kém, hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành nền kinh tế đất nước.
Ðánh giá cao việc Chính phủ đã triển khai thực hiện nghị quyết của QH một cách nghiêm túc, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nên mặc dù trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức cả trong và ngoài nước nhưng nền kinh tế của nước ta đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu, vì vậy kết quả đạt được của năm 2013 và ba năm qua rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận định mặc dù nền kinh tế đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được của nền kinh tế chưa vững chắc, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Về nguyên nhân, các đại biểu cho rằng, việc chậm đổi mới thể chế và cải cách hành chính là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm đã tác động và làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội của đất nước. Tính minh bạch, tính công khai tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được theo yêu cầu hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tính thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của một số bộ, ngành để thực hiện những giải pháp đồng bộ Chính phủ đã đề ra.
Ðại biểu Nông Thị Bích Liên (Hà Giang) bày tỏ sự đồng thuận với tám nội dung hạn chế, yếu kém trong báo cáo mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày. Ðồng thời cho rằng: Tâm trạng lo lắng không riêng gì của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ mà cả gần 500 đại biểu QH cũng phải chịu những phán quyết trách nhiệm trước nhân dân về những hạn chế, tồn tại đang hiện hữu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của nước ta.
Có đại biểu nêu ý kiến: Trong các báo cáo của Chính phủ khi đề cập những hạn chế yếu kém, Chính phủ thường nêu nguyên nhân là do kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm hoặc không nghiêm. Thí dụ, báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ QH đến nay nhận xét: Kỷ luật, kỷ cương trong việc tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh ban hành văn bản quy định chi tiết còn chưa nghiêm. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 ghi rõ một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, nhiệm vụ năm 2014 - 2015 khẳng định: Cải cách hành chính chưa nghiêm, chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu rõ: Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm trong quá trình triển khai thi hành luật, kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện làm cho luật chậm đi vào cuộc sống. Kỷ luật, kỷ cương không nghiêm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm cho tình hình tham nhũng không được ngăn chặn và đẩy lùi. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm bên cạnh cấp hành chính nhà nước làm cho bộ máy nhà nước ngày một phình ra nhưng hoạt động kém hiệu quả.
Ðại biểu này nhấn mạnh: Ðây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém cứ kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được chấn chỉnh, khắc phục làm cho hiệu lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực kém hiệu quả. Cử tri đề nghị QH, Chính phủ cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cần phải lập lại trật tự kỷ cương, cần phải siết chặt kỷ luật, để thực trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, không nghiêm không còn lặp lại trong các báo cáo của Chính phủ những năm về sau và củng cố niềm tin của người dân đối với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp, các ngành.
Quan tâm vấn đề hiệu lực quản lý nhà nước, đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) bổ sung và làm rõ một số nguyên nhân cơ bản. Ðáng chú ý là: Việc buông lỏng quản lý nhiều năm nay ở các cấp, các ngành trên nhiều lĩnh vực, như: tài chính, ngân hàng, tiền tệ, đất đai, quyết định đầu tư.... trong quản lý vốn, tài sản nhà nước và các doanh nghiệp đã gây cản trở đến sự phát triển kinh tế và niềm tin của nhân dân. Việc chậm đổi mới thể chế và cải cách hành chính qua Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật cho thấy một số lượng lớn các văn bản mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành còn nợ đọng chưa ban hành là rất lớn. Tính đến ngày 15-10 năm nay, số lượng các văn bản cần phải ban hành để hướng dẫn thực hiện còn nợ đọng chiếm khoảng 50%. Ðây là rào cản rất lớn trong việc thực hiện kinh tế - xã hội và thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước. Ðặc biệt, cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm, thực tế nhiều năm qua nhiều cấp, ngành, địa phương để xảy ra nhiều vụ việc lớn, nghiêm trọng nhưng rất ít khi hoặc ít người đứng ra chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý. Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ, một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương đã tác động làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ và tác động không nhỏ đến đời sống xã hội của đất nước.
Ðồng tình với tám hạn chế, yếu kém trong báo cáo của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, đại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai) cho rằng: Thực trạng tình hình chung của kinh tế - xã hội trong ba năm qua (2011 - 2013) vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tại kỳ họp này, để đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung làm rõ địa chỉ về trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, ngành T.Ư và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong giai đoạn vừa qua.
Bằng tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân, các đại biểu QH đã thẳng thắn nêu rõ những vấn đề, hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời đề xuất, hiến kế để đất nước vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, các đại biểu QH bày tỏ sự thống nhất cao với mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; tái cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðẩy mạnh cải cách hành chính phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội...
Theo nhandan.com.vn