Ngày 9/6, tại tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các nhà tài trợ song phương và đa phương cho Việt Nam như: WB tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các tổ chức của Liên hợp quốc và Đại sứ của một số quốc gia tại Việt Nam.
Các Bộ, ngành chức năng của Việt Nam đã giải đáp câu hỏi của các nhà tài trợ liên quan tới sức ép của thị trường bất động sản, chính sách giá theo cơ chế thị trường, số liệu thống kê, công khai cán cân thanh toán, nợ quốc gia, điều hành tỷ giá, chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, điều kiện cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phòng chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu vùng xa, quản lý và giám sát tài chính các doanh nghiệp nhà nước…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn WB, ADB cùng các nhà tài trợ đã tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho Việt Nam trong thời điểm hết sức khó khăn của năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. Khái quát một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu chính của năm 2010 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại; phấn đấu giữ ở mức khoảng 6,5-7%; bảo đảm tốt hơn an sinh , phúc lợi xã hội. Đến tháng 6, sản xuất công nghiệp tăng, nông nghiệp phát triển ổn định, thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng nhanh; khách du lịch trong nước và quốc tế tăng mạnh; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm... Một số ý kiến các nhà tài trợ quan tâm Việt Nam có trở lại mệnh lệnh hành chính trong nhập khẩu, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mọi kiểm soát đều phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam.
Hoanh nghênh ý kiến đóng góp của các nhà tài trợ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tập trung chỉ đạo các giải pháp nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô như: giảm bội chi xuống 6% so với GDP, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối (từ 8 tuần nhập khẩu lên 12 tuần nhập khẩu), điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường để có tỷ giá và lãi xuất phù hợp, kiểm soát nhập siêu dưới 20%, tăng cường cung cấp thông tin minh bạch về hệ thống ngân hàng và định chế tài chính... Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ về tư vấn chính sách vĩ mô, kỹ thuật và nguồn lực của các nhà tài trợ.
Về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu chiến lược của Việt Nam là đến năm 2020 phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, với GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện 5 quan điểm lớn đó là: phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững ; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ; thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển ; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng .
Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Thủ tướng nêu bật 3 khâu đột phá và 12 nhóm giải pháp đồng bộ là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính ; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân, đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Các nhóm giải pháp là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực . Trong đó tập trung vào tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, đồng thời thực hiện tốt chính sách xã hội. Thực hiện hệ thống cơ chế và chính sách phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế. Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững …
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp trên, Thủ tướng cho biết, Việt Nam tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà trọng tâm là thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường ; hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính ; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí ; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước .
Theo Thủ tướng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đòi hỏi nội lực của Việt Nam nhưng sự trợ giúp cộng đồng quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng, cam kết thực hiện có hiệu quả. Thủ tướng mong tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là trong việc tư vấn chính sách, góp ý để hoàn thiện chiến lược, hỗ trợ nguồn lực thông qua các hỗ trợ kỹ thuật, các khoản vay ưu đãi và khẳng định, Việt Nam sẽ sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của các nhà tài trợ./.