Ngày 11/7, Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
![]() |
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ban, ngành tại đầu cầu Hà Nội. |
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Trong giai đoạn 2008-2010, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nông nghiệp, nông thôn đã vững vàng vượt qua khó khăn, duy trì được tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế-xã hội của đất nước. Năm 2009, nông nghiệp nước ta đạt mức tăng GDP là 1,83%, năm 2010 đạt 2,78%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn 2006 – 2010 đạt 3,36%/năm, vượt mục tiêu 3,2%/năm của Đại hội Đảng X đề ra.
Tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD (tăng 3,46 tỷ USD so với năm 2008), vượt 81% so với mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra (10,8 tỷ USD). Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới, đã có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là thủy sản, đồ gỗ, gạo, cao su, cà phê và hạt điều.
Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực, đến năm 2010, trong khu vực nông thôn, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế.
![]() |
|
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện NQ 26 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về NQ và Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới còn chưa đầy đủ; nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống hoặc chưa tạo ra chuyển biến trên thực tế…
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Điện Biên, An Giang… chia sẻ những kinh nghiệm hay, những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện NQ 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các địa phương thời gian qua.
Các địa phương khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng các nội dung của NQ 26 trong đó có quyết tâm xây dựng nông thôn mới với tiêu chí cụ thể đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Nhiều địa phương phấn đấu đạt cao hơn mục tiêu 20%, trong đó có Hà Nội quyết tâm thực hiện mục tiêu có 40% số xã đạt tiêu chuẩn về nông thôn mới vào năm 2015.
Các ý kiến tại Hội nghị đều cho rằng, NQ 26 mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta từ trước đến nay, được dư luận trong và ngoài nước nhất là cư dân nông thôn tích cực đón nhận, kỳ vọng về một thời kỳ với tương lai phát triển mạnh mẽ.
Theolãnh đạo các địa phương, một trong những khó khăn lớn nhất trong triển khai thực hiện NQ 26 là trình độ, năng lực của cán bộ, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở còn hết sức hạn chế; nhiều địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình triển khai thực hiện NQ. Có ý kiến đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp về đầu tư tại khu vực nông thôn nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.
![]() |
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: NQ 26 đã thể hiện rõ tầm chiến lược trong công tác xây dựng và phát triển nông thôn, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Sau gần 3 năm thực hiện NQ 26, diện mạo nông thôn cả nước đã có nhiều thay đổi tích cực. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Để tiếp tục đưa NQ 26 vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát 8 nhóm giải pháp trong NQ 26; nội dung, tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo để từ đó, căn cứ đặc thù từng địa phương, xây dựng kế hoạch hành động. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương tự cân đối và có cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong huy động vốn, cần chú ý kết hợp hài hòa giữa nguồn ngân sách của Trung ương với tận dụng nguồn lực trong dân và đóng góp của doanh nghiệp. Đặc biệt, phải tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất cả về nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ, trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với cơ khí hóa, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm.
Các cấp, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ, dân trí cho người dân nông thôn. Song song với đào tạo phổ thông, đại học, cần đa dạng hóa hơn nữa việc đào tạo nghề để tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thoát nghèo. Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương, cũng cần tăng cường, củng cố công tác xây dựng, phát triển hệ thống chính trị cơ sở để giữ vững an ninh nông thôn, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên tổ chức sơ kết, cân đối, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để thúc đẩy hiệu quả của công tác hết sức quan trọng này./.
Báo ĐT.ĐCS