Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội

Tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội

- Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã ban hành được hơn 20 ngày với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, đã có hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội.



Chính phủ quyết liệt chỉ đạo kiềm chế lạm phát

Đăk Nông: Kiểm tra sát sao việc nộp thuế, tăng thu ngân sách

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo ngành Thuế và ngành Tài chính phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước thêm 10% so với chỉ tiêu mà tỉnh giao trước đó. Được biết, trong năm 2011, dự toán tổng thu ngân sách mà tỉnh giao là 820 tỷ đồng. Như vậy, với việc tăng thu thêm 10% sẽ tương đương với 82 tỷ đồng và đưa tổng dự toán thu ngân sách trong năm nay lên 902 tỷ đồng.

Đánh giá về nhiệm vụ giao mới này, ông Ngô Cao Mệnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh khẳng định: “Công tác thu ngân sách trong năm nay mặc dù khá nặng nhưng ngành Thuế sẽ nỗ lực để hoàn thành số thu giao thêm”. Cũng theo ông Mệnh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách trong năm nay, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh công tác chống thất thu, nhất là đối với những lĩnh vực như kinh doanh nông sản, xây dựng cơ bản, vì hiện tại vẫn còn thất thu một khoản ngân sách không nhỏ. Theo đó, trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, ngành Thuế sẽ phối hợp với các lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên những tuyến đường nhánh rẽ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi trốn thuế. Đồng thời, ngành Thuế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập hai trạm kiểm soát hàng hóa ra, vào tỉnh tại Cầu 14, xã Tâm Thắng (Chư Jút) và Cây Chanh, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp). Về lâu dài, Cục Thuế tỉnh cũng từng bước có các chương trình phối hợp với chính quyền các cấp để chung tay cùng với ngành Thuế thực hiện công tác thu ngân sách. Đối với các dự án xây dựng vãng lai, ngành Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thuế huyện, thị hoàn thành công tác rà soát ngay trong quý I để tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai Chỉ thị 13/CT-UBND về tăng cường công tác chống thất thu ngân sách . Trong năm 2010, với sự phối hợp chặt của ngành Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban quản lý dự án các huyện và các ngân hàng thương mại theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, tình hình kê khai, nộp thuế ở lĩnh vực này đã được kiểm soát.

Trong 3 năm qua, ngành Thuế đã thực hiện cơ chế, cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai, nộp thuế theo cơ chế “tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Tuy nhiên, qua các đợt thanh tra, kiểm tra mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã gian lận, cụ thể là kê khai doanh số bán hàng nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế nhằm làm giảm số thuế phải nộp theo quy định. Trong năm 2010, chỉ qua kiểm tra 40 doanh nghiệp, Phòng Kiểm tra, Cục Thuế tỉnh cũng đã truy thu thêm cho ngân sách trên 4 tỷ đồng. Vì thế, trong năm 2011, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thuế huyện, thị xã rà soát lại toàn bộ tình hình tự kê khai, tự nộp thuế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhằm đánh giá chất lượng để có những biện pháp triển khai kịp thời hơn. Cùng với việc rà soát, bắt đầu từ đầu tháng 4, Cục Thuế tỉnh sẽ tổ chức thanh tra thuế đối với 28 doanh nghiệp và kiểm tra hồ sơ kê khai thuế tại trụ sở của người nộp thuế đối với 186 doanh nghiệp. Ngoài việc xử phạt nghiêm đối với những trường hợp cố tình gian lận, trốn thuế, ngành Thuế còn kết hợp tuyên truyền để các chủ doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của Luật Quản lý thuế nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của họ đối với việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Ngành Thuế hiện nay cũng đang gặp khá nhiều khó khăn trong công tác xử lý nợ đọng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn nợ ngành Thuế trên 100 tỷ đồng. Để đưa số nợ đọng đến cuối năm 2011 xuống còn 9% tổng thu ngân, ngành Thuế hiện nay đã có kế hoạch tổ chức xử lý nợ đọng chéo giữa các chi cục thuế huyện, thị. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, trong năm nay, Cục Thuế tỉnh sẽ tăng cường các cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng của Cục để tăng cường cho các đơn vị thuế huyện, nhằm triển khai công tác cưỡng chế nợ đọng thuế một cách bài bản và đạt kết quả cao hơn. Thực tế, trong năm 2010, công tác cưỡng chế, tịch thu tài sản của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nợ đọng ngân sách Nhà nước kéo dài để bán đấu giá đã được các đơn vị thuế huyện triển khai nhiều nhưng kết quả thu được lại đạt thấp. Nguyên nhân một phần là do các quy định về công tác cưỡng chế, thu nợ còn có những vướng mắc nhất định, nhưng quan trọng hơn cả là quy trình làm chưa thực sự bài bản, rồi nghiệp vụ của các cán bộ thuế ở đội cưỡng chế thuế huyện, thị còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của ngành Thuế thì trong năm nay, đơn vị sẽ phấn đấu thu vượt mức dự toán mà tỉnh giao và hy vọng sớm gia nhập “câu lạc bộ 1.000 tỷ. Được biết, tính đến thời điểm này, ngành Thuế và ngành Tài chính đã triển khai thu ngân sách trên địa bàn được gần 20% dự toán tỉnh giao.

Lạng Sơn: Kiểm soát chặt đầu tư xây dựng

Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Lạng Sơn sẽ kiểm soát chặt chẽ công tác đầu tư xây dựng trong 9 tháng còn lại của năm 2011, đặc biệt là đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.



Ưu tiên cho các dự án hiệu quả, tiến độ tốt và đình chỉ, giãn đối với các dự án triển khai chậm

Tổng nguồn vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2011 do tỉnh quản lý là gần 1.200 tỷ đồng, hiện tỉnh đang triển khai rà soát để điều hoà các nguồn vốn. Tỉnh sẽ ưu tiên cho các dự án phát huy hiệu quả và có tiến độ tốt và đình chỉ, giãn đối với các dự án triển khai chậm.

Tỉnh sẽ xem xét đình hoãn, giãn đối với các công trình sửa chữa trụ sở các cơ quan, các dự án khởi công mới nhưng chưa đủ điều kiện khởi công, các dự án chưa có khả năng cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư.

Còn đối với các dự án trọng điểm của tỉnh, sẽ tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, cụ thể là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Tinh thần là nhất quyết không để các nguồn vốn tồn đọng trong khi các dự án có khối lượng thực hiện tốt bị thiếu vốn giải ngân.

Được biết, trong năm 2011, tỉnh Lạng Sơn có 6 chương trình, dự án trọng điểm. Hiện có 5 dự án đang được triển khai gồm: dự án công viên bờ sông Kỳ Cùng giai đoạn 1, đường Bà Triệu (đoạn Lý Thái Tổ- Nguyễn Đình Chiểu), dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dự án toà nhà xuất nhập cảnh cửa khẩu Hữu Nghị và dự án đường nội bộ khu vực cửa khẩu Hữu Nghị. Đến tháng 3/2011, các công trình này đều được các chủ đầu tư thực hiện khá nghiêm túc từ khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Quảng Bình: Phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7-8% so với dự toán

Tại tỉnh Quảng Bìn,h chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã được ban hành cụ thể đến các cấp ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh.

Chương trình hành động mà tỉnh Quảng Bình hướng đến với nhiều nội dung cụ thể,thiết thực như: Tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; tăng cường công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách Nhà nước trên cơ sở tăng thu, tiết kiệm chi và giảm đầu tư công; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; thực hiện nghiêm quy định về điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; chú trọng tăng cường đảm bảo an sinh xã hội…

Theo đó, nhiều mục tiêu góp phần kiềm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã được tỉnh Quảng Bình đưa ra để các cấp, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh cùng thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là việc tỉnh Quảng Bình phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 7-8% so với dự toán ngân sách năm 2011 do Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra; tiết kiệm chi thường xuyên thêm 10% trong 9 tháng còn lại của năm 2011 (trước đó, tỉnh Quảng Bình đã phấn đấu tiết kiệm chi thường xuyên 10%)… Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra để dừng các dự án chưa cần thiết, ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Hiện tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan truyền thông trong tỉnh tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm giúp cán bộ, quân và dân trên địa bàn hiểu được chương trình hành động, mục tiêu cũng như giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội để cùng đồng thuận thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành và đoàn thể về hướng, giải pháp để thực hiện tốt chương trình hành động mà tỉnh đã đề ra.

Nam Định: Yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc các giải pháp tiền tệ, kiềm chế lạm phát

Để thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn đã yêu cầu Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nam Định và các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị và văn bản của Ngân hàng nhà nước về thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát. Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nam Định cũng được yêu cầu phối hợp với Công an tỉnh và Chi cục quản lý thị trường kiểm tra hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh vàng, ngoại tệ, niêm yết giá mua-bán bằng ngoại tệ trái pháp luật.



Kiểm soát chặt chẽviệc cho vay tín dụng

Sở Công thương và Sở tài chính có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý giá các mặt hàng, trong đó tập trung vào hẹ thống các đại lý, cơ sở kinh doanh các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, sắt thép, xi măng, vật tư nông nghiệp ... và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

Tỉnh Nam Định phấn đấu số thu ngân sách năm 2011 tăng tối thiểu 13% so với dự toán trung ương giao và 5% so với dự toán tỉnh giao (số tăng thu tuyệt đối theo số liệu của Cục thuế khoảng 240 tỷ đồng). UBND tỉnh cũng giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán ngân sách năm 2011 cho các sở, ban, ngành, các huyện và thành phố với tổng số tiền dự kiến 45,2 tỷ đồng. Như vậy cùng với số tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ dự toán đầu năm để tạo nguồn cải cách tiền lương theo chế độ thì tổng số tiết kiệm chi thường xuyên năm 2011 của tỉnh Nam Định lên đến khoảng 18%.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đình hoãn, chưa khởi công 7 công trình chưa cấp thiết, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư 600,5 tỷ đồng. Về các chính sách an sinh xã hội, Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dạy nghề gắn với tạo việc làm, đặc biệt là dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tại 73 xã được lựa chọn để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo với tổng số vốn 19,7 tỷ đồng trong năm 2011.

Ninh Thuận: Chưa khởi công các công trình, dự án mới

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện chính sách tăng thu, tiết kiệm để kèm chế lạm phát. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận tạm dừng trang bị mới xe ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm trong việc tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước; không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tỉnh chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách và các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại để điều chuyển vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ năm 2011 trong phạm vi quản lý để tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách năm 2011 tăng 13,5% so chỉ tiêu Bộ Tài chính giao và tăng 7% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (đạt trên 1.000 tỷ đồng) và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không bao gồm chi lương và các khoản chi khác theo quy định) 9 tháng cuối năm 2011 của các sở, ngành, địa phương với số tiền hơn 19 tỷ đồng.

UBND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết để thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó lưu ý tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gian lận thương mại, trốn lậu thuế. Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội...

Vĩnh Long: Hạn chế tối đa việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu

Theo ông Nguyễn Trọng Nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, trong tháng 3/2011, Ngân hàng tập trung triển khai các biện pháp tích cực thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động an toàn, có hiệu quả.



Cắt giảm mua xe ôtô công.

Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển thực hiện nghiêm túc việc ấn định lãi suất huy động không quá 14%, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý phù hợp mức độ rủi ro và khả năng hoàn trả của khách hàng, thực hiện điều chỉnh cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu, phát triển nông nghiệp – nông thôn; thực hiện rà soát lại việc cho vay các lĩnh vực phi sản xuất (cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán và tiêu dùng), từng bước giảm tỷ trọng đến cuối năm 2011 không quá 15% tổng dư nợ toàn địa bàn; thực hiện cho vay ngoại tệ theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích. Các chi nhánh ngân hàng thương mại có tỷ trọng dư nợ lĩnh vực phi sản xuất trên tổng dư nợ cao hơn kế hoạch hội sở giao xây dựng phương án giảm theo lộ trình của Hội sở chính, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tăng cường thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách với nguồn vốn cho vay 1.091 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2010. Riêng 3 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở huyện Bình Minh, Long Hồ và Tam Bình tăng cường huy động vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tổ chức 2 đợt thanh tra các tổ chức tín dụng về việc thực hiện cho vay lĩnh vực phi sản xuất và thanh tra về chất lượng tín dụng.

Đến giữa tháng 3/2011, số dư nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Vĩnh Long đạt trên 9.300 tỷ đồng, giảm 1,2% so với số dư đầu năm, dư nợ cho vay đạt 13.000 tỷ đồng../.

Báo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN