Ngày 10/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.
![]() |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và cảm ơn cử tri đóng góp nhiều ý kiến chân thành, xây dựng, gửi gắm niềm tin vào các đại biểu Quốc hội; mong rằng sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri sẽ làm vơi đi những bức xúc và tăng thêm niềm tin của cử tri với Quốc hội. Gửi lời cảm ơn cử tri đã tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Là đại biểu Quốc hội, phải cố gắng làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao, phải nắm vững và thực hiện đúng nội quy, quy chế, quy trình luật định, luôn lắng nghe ý kiến cử tri và góp phần giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, không ít khó khăn thách thức, thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII, là những kết quả đáng trân trọng, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành công to lớn và toàn diện đó đã tạo nên niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới, để toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng mà tập trung nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc sửa đổi Hiến pháp cần phải được tiến hành một cách bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, trên nguyên tắc phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm của các nước...
Xung quanh việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh: chúng ta không quá coi trọng tăng trưởng, mà chủ trương duy trì mức tăng trưởng hợp lý, tập trung thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tổng Bí thư đã phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đó là sự yếu kém, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, nội lực của nền kinh tế nước ta còn yếu, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, công tác nghiên cứu dự báo còn hạn chế...
Trước sự quan tâm của cử tri về chủ quyền biển, đảo, Tổng Bí thư khẳng định độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, cần quyết tâm bảo vệ, giữ vững. Chúng ta đã nhiều lần công khai tuyên bố và có nhiều hình thức khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta là giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển, khai thác tiềm năng, phát triển mạnh kinh tế biển để làm giàu cho đất nước; thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về vấn đề phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư chỉ rõ: Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, trong đó cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu. Học tập, làm theo đạo đức, tác phong, lối sống của Bác, trước hết phải bắt đầu bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, tập trung làm tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, không hô hào chung chung. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh: Cần gìn giữ, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng nhất trí trong Đảng, trong dân, như giữ gìn con người của mắt mình, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước ta vững bước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.