Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác y tế và dân số

Triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác y tế và dân số

- Sáng nay 25-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TW phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác y tế và dân số. Tham dự Hội nghị có đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW; Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, cùng đại diện lãnh đạo các Sở y tế, các ban ngành liên quan.

Cụ thể, Kết luận số 43/KL-TW của Bộ Chính trị về 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”. Kết luận số 44/KL-TW của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-TW ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình” (DS-KHHGĐ). Kết luận số 42 – KL/TW về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trình bày tổng quan về công tác y tế - dân số, các nhiệm vụ chủ yếu cần phải thực hiện để triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị.

Thời gian qua, ngành y tế đã tập trung giải quyết các vấn đề nổi lên của y tế cơ sở như: sự giảm sút về số lượng bác sỹ công tác tại y tế cơ sở (đặc biệt tại xã, phường); sự quá tải của các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương; chất lượng của hệ thống khám chữa bệnh, công tác bảo hiểm y tế; khống chế và giải quyết các dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; giải quyết và khắc phục hậu quả của thiên tai lũ lụt. Ngành đầu tư phát triển nguồn nhân lực và triển khai đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc, miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên. Cả nước đã duy trì và phát triển hoạt động của trên 13 ngàn cơ sở y tế công lập với 200 ngàn giường bệnh; 74 bệnh viện tư nhân với gần 6 ngàn giường bệnh; 95 cơ sở đào tạo cán bộ y tế…

Trong 3 năm, ngành y tế đã đạt được những kết quả nổi bật là: Kiểm soát chặt chẽ và khống chế thành công dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm H5N1…; Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh được tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới, nhiều dịch vụ chuyên khoa sâu đã được chuyển giao xuống tuyến y tế địa phương thông qua thực hiện Đề án 1816; Các chỉ số dịch vụ y tế và các chỉ số về sức khỏe nhân dân được cải thiện đáng kể…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nói trên thì công tác y tế hiện nay vẫn cón nhiều khó khăn, thách thức đó là: Hệ thống tổ chức y tế địa phương vẫn còn chưa nhất quán; các vấn đề dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm, điều kiện vệ sinh môi trường còn nhiều phức tạp, có nguy cơ trở lại bệnh dịch cũ hoặc bùng phát một số dịch bệnh mới, quản lý và đầu tư về vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, để thực hiện thắng lợi Kết luận số 42, 43 và 44 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, Ngành y tế sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, phát triển hệ thống y tế; giám sát, phòng và dập dịch bệnh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cho người có công, người nghèo, nhân dân vùng khó khăn…Về chỉ tiêu pháp lệnh cụ thể cho năm 2009, toàn ngành sẽ tập trung vào các chỉ tiêu cơ bản nêu trong Nghị quyết số 23 của Quốc hội khóa XII bao gồm số giường bệnh đạt 26,85/vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 19%; mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2 phần nghìn và tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 75%.

Về công tác DS-KHHGĐ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thuỷ cho biết, trong thời gian tới, ngành ưu tiên kiện toàn, ổn định bộ máy tổ chức; tập trung đào tạo, chuẩn hóa cán bộ thông qua việc xây dựng chương trình trung cấp chuyên nghiệp Dân số- Y tế, triển khai đào tạo cán bộ chuyên trách công tác DS-KHHGĐ cấp xã bắt đầu từ năm 2009. Bộ phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng các quy định, chế độ chính sách, định mức liên quan đến tổ chức bộ máy ngành DS-KHHGĐ: chế độ phụ cấp ưu đãi nghề của cán bộ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp dân số- kế hoạch hóa gia đình; phụ cấp trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp; chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức; định mức biên chế sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp DS-KHHGĐ.

Đề cập đến vấn đề tài chính y tế và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSK), Chuyên gia cao cấp, Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Phạm Mạnh Hùng cho rằng, tài chính y tế là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính công bằng trong CSSK và đảm bảo an sinh xã hội. Cách huy động các nguồn tài chính và cách phân bổ tài chính sẽ quyết định việc có giúp người dân, nhất là người nghèo vượt qua những khó khăn và rủi ro do chi phí dành cho CSSK gây ra hay không.

Chuyên gia cao cấp Phạm Mạnh Hùng đã chỉ ra giải pháp để CSSK cho người nghèo chính là lo nguồn tài chính để hỗ trợ cho họ. Cách thức chủ yếu trong việc lo nguồn tài chính là xã hội huy động sự san sẻ tài chính từ giàu sang nghèo. Ngoài ngân sách nhà nước thì BHYT bắt buộc toàn dân cũng là một giải pháp lý tưởng. Do đóng theo thu nhập nhưng hưởng các dịch vụ y tế không theo mức đóng mà theo nhu cầu bệnh tật, nên đây cũng là cách để chia sẻ giữa giàu và nghèo. Ngoài ra cũng phải lo tổ chức để việc khám chữa bệnh cho người nghèo có hiệu quả, hỗ trợ cho người nghèo khoản tài chính đi lại và ăn ở khi xa nhà…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW nhấn mạnh: Những vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khoẻ nhân dân có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến từng người, từng gia đình. Từ năm 2008 đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo công tác y tế và dân số, quan tâm đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân để tạo ra những chuyển biến căn bản trong việc nâng cao sức khoẻ cộng đồng, chăm lo tốt hơn công tác dân số.

Đồng chí Phùng Hữu Phú đề nghị, căn cứ vào các giải pháp mà Hội nghị đưa ra, Bộ Y tế và các địa phương phải xây dựng chương trình cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác y tế, dân số. Các địa phương cần cụ thể hoá từng giải pháp sớm đưa các chủ trương của Đảng và Nhà nước đi vào thực tế cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế đòi hỏi cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, cán bộ chuyên môn trong ngành y tế là lực lượng nòng cốt. Quá trình thực hiện 3 kết luận quan trọng này, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước cần phối hợp chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả về công tác y tế vàdân số./.
 
Báo Đảng Cộng Sản

BÀI VIẾT LIÊN QUAN