Một người dân ở Lâm Đồng bất ngờ đào được chiếc chiêng lớn, mà nhiều người nhận định là chưa từng thấy từ trước tới nay.
Chiếc chiêng mà ông Tánh đào được. |
Ông Lê Cao Tánh, ở số 54 Bùi Thị Xuân, thành phố Đà Lạt cho biết, cuối tuần trước, trong lúc đào móng làm nhà trên diện tích đất của gia đình ở xã Tà Nung, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 15 km, ông phát hiện ra chiếc chiêng ở độ sâu trên 1 m.
Theo Bách khoa toàn thư mở, cồng chiêng có đường kính chỉ từ 20-60 cm. Tuy nhiên, chiếc chiêng của ông Lê Cao Tánh vừa đào được có đường kính lên tới lên tới 73 cm, nặng 13,5 kg.
Sau khi đưa về nhà rửa sạch, ông Tánh phát hiện một phần bề mặt chiếc chiêng có nhiều hoa văn kỳ lạ, nhỏ li ti, nổi lên những đường mềm mại màu vàng óng, không có những hoa văn hình thù cụ thể như những chiếc chiêng thường thấy. Ở giữa chiêng là một đường lớn ngăn đôi.
Ông Võ Khắc Dũng, người có nhiều công trình nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên trong những năm qua cho rằng, đây có thể là chiếc chiêng dùng để tế lễ.
Tuy nhiên, những chiếc chiêng dùng để tế lễ từ trước tới nay ông Dũng được tiếp cận, nghiên cứu, thường có đường kính nhỏ hơn rất nhiều so với chiếc chiêng ông Tánh phát hiện.
Hiện chưa ai giải thích được ý nghĩa của những hoa văn cũng như một đường thẳng chia đôi mặt chiếc chiêng. “Tôi chưa từng thấy chiếc chiêng nào lại có một đường thẳng ngăn mặt chiêng ra làm hai phần như chiếc chiêng này”, ông Dũng nói.