Trong “khởi nghiệp”, “khởi” cũng mang nghĩa là “bắt đầu”. Còn “nghiệp” chính là nghề, là nghề mà mình “phê”, là nghề mà mình dù có “đuổi”, nó cũng cứ bám chặt vào mình. “Khởi nghĩa” để “cướp” cái nghề mà mình “phê” về tay mình, đó là khởi nghiệp. Hãy nhớ, phải là nghề mình “phê”, khi đó sẽ thành công rực rỡ, còn nhầm lẫn, chọn khởi nghề mình không “phê” là thua đấy!
Khởi nghiệp có hai kiểu, một kiểu là khởi nghiệp sáng tạo, gọi là “start up”; kiểu thứ hai là SME, là khởi nghiệp lặp lại ý tưởng của “thằng” khác. Khởi nghiệp “start up” thất bại khoảng 92% nhưng 8% thành công thì thành công rực rỡ, đó là Uber, là Grab... Khởi nghiệp SME, ví dụ mở quán cà phê, thất bại sau 3 năm khởi nghiệp là 32%. Các bạn dù khởi nghiệp theo kiểu nào, “start up” hay SME thì cũng hãy luôn phải chuẩn bị tư thế đương đầu với muôn vàn khó khăn.
Muốn khởi nghiệp không thất bại, các bạn phải khởi nghiệp theo đúng 25 bước, đó là công thức khởi nghiệp kinh điển.
Bước 1 là bước khởi động, đây là bước tối quan trọng trong khởi nghiệp.
Vậy có mấy kiểu khởi động trong khởi nghiệp, hay nói cách khác, bước 1 này thường được biểu hiện dưới những hình thức nào? Kiểu thứ nhất là “khởi” một “nghiệp” nào đó bằng một ý tưởng. Kiểu thứ hai là “khởi” bằng hậu quả của một ý tưởng từ một phát minh mới của IT. Kiểu thứ ba là “khởi” bằng... chẳng có cái gì ngoài đam mê, là trường hợp của Lê Văn Danh, Trần Quốc Hải ở Tây Ninh, chế tạo ra máy bay trực thăng.
Một ý tưởng được gọi là ý tưởng khởi nghiệp chỉ khi ý tưởng đó được thừa nhận. Đúng và đủ trong trường hợp này phải là, khởi nghiệp gắn với ý tưởng, gắn với IT và gắn với đam mê, các bạn ạ! Có nhiều người khởi nghiệp thành công mà đâu nhất thiết gắn với ý tưởng?
Khởi động xong thì các bạn có 24 bước hành động. 24 bước hành động này được chia làm 4 mặt trận là, mặt trận tài chính, mặt trận hạ tầng, mặt trận sản phẩm và mặt trận khách hàng. Mỗi mặt trận lại có 6 yếu tố. Các bạn phải học bốn mặt trận, 24 yếu tố này “trầy da tróc thịt” đã, rồi hãy khởi nghiệp. Bốn mặt trận này vững như bàn thạch rồi thì xung trận là thành công thôi!
Nhìn mấy em khởi nghiệp bây giờ, tôi thương lắm, cứ bị người ta dụ thôi, bắt đầu thì hung hăng lắm nhưng 24 nội hàm chưa chuẩn bị đủ và nhiều thứ nữa có được chuẩn bị đâu, thế cho nên thường chỉ tồn tại được một năm.
Khởi động khởi nghiệp và hành động khởi nghiệp nằm trong công đoạn thứ ba (trong tổng số 4 công đoạn) của quá trình khởi nghiệp. Công đoạn 1 là vào cái “nghiệp” cho đúng, theo đúng định vị. Công đoạn 2 là phải xây dựng cho mình tinh thần khởi nghiệp. Công đoạn 3 là khởi động khởi nghiệp và hành động khởi nghiệp. Công đoạn 4 là nuôi “nghiệp”. Bốn công đoạn đó nó vần các bạn cả cuộc đời đấy nhưng thú vị lắm, cứ để nó vần đi!
Riêng công đoạn 3 có 25 bước, chia làm khởi động và hành động như tôi đã nói ở trên nhưng tôi muốn nhấn mạnh là, ở bước khởi động, bạn phải học thật quyết liệt, nó quan trọng lắm. Phải học thế nào là khách hàng, thế nào là đi phát hiện khe hở khách hàng, tạo sản phẩm lấp vào khe hở đấy như thế nào, làm cho sản phẩm của mình thành độc chiêu hơn người ta để lấp được vào khe hở đấy như thế nào, lấy tiền đâu để tạo sản phẩm...
Bạn cũng phải tỉnh táo cả điều này nữa, ai đó nói rằng, cứ cho các bạn trẻ tiền đi là họ khởi nghiệp được thì đừng tin. Có tiền rồi, phát hiện được khe hở khách hàng rồi, đẩy được sản phầm vào khe hở khách hàng rồi nhưng rất tiếc là không có người làm, vậy là hỏng. Người làm là hạ tầng, công nghệ là hạ tầng, không có hạ tầng thì làm gì được. Và bạn đã bao giờ nghe nói đến tài sản vô hình? Tôi nói nôm na như thế này, có những việc mà “chú” không có uy tín như Lê Thẩm Dương thì không làm được, không bao giờ làm được, đó là tài sản vô hình. Cộng cả tài sản vô hình này vào nữa, nó mới ra được kỹ thuật khởi nghiệp trên một nền tảng khởi động khởi nghiệp.
Bạn phải nhớ điều này, đã “múc” là phải thắng, không thắng không “múc”. Bao nhiêu năm đi đá bóng ở nhiều giải đấu khác nhau, nhiều người cứ nói với nhau là, đi để học tập là chính. Không được nghĩ như vậy, đã đá là phải thắng, không thắng thì là mình thua, chứ không có chuyện đi đá để học tập. Đã đi thi đại học thì phải xác định, thi là phải thắng, phải đỗ, không thắng, không đỗ là mình thua, mình chưa giỏi.
Nguồn: Báo điện tử Tiền phong