Hiện nay sản phẩm dầu nhờn được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế như SAE, API, ISO… nhằm đảm bảo chất lượng của các đặc tính kỹ thuật.
Tuy nhiên, dầu nhờn sẽ bị “lão hoá” theo thời gian. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với những loại máy móc mà chu kỳ bảo dưỡng thay dầu lên đến hàng chục năm. Chính vì vậy, các yếu tố như tính cân bằng và độ bền sản phẩm phải được xem xét cẩn thận để đảm bảo sản phẩm giữ được chất lượng, độ bền theo thời gian.
Tính cân bằng và độ bền của dầu nhờn thành phẩm được tạo nên bởi ba yếu tố: dầu gốc, phụ gia và công nghệ pha trộn. Đây chính là những điều kiện tiên quyết tác động trực tiếp đến việc sản xuất ra sản phẩm dầu nhờn chất lượng cao, giúp bảo vệ máy móc hoạt động hiệu quả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất về nhiệt độ, môi trường và tải trọng.
Theo phân loại quốc tế, dầu gốc có năm loại từ nhóm 1 đến nhóm 5 với cấp chất lượng và độ tinh chất tăng tương ứng. Điều này đồng nghĩa sản phẩm được tạo ra bởi nhóm dầu gốc càng cao sẽ cho thành phẩm với chất lượng tốt hơn.
Phụ gia và công thức pha trộn với tỷ lệ tối ưu tạo nên một bước đệm dẫn đến quy trình sản xuất chất lượng. Việc pha trộn thành công sẽ đem lại độ cân bằng tuyệt đối giữa các phụ gia với nhau cũng như giữa phụ gia và dầu gốc, từ đó mang lại sự ổn định và độ bền cao hơn cho sản phẩm.
Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất quyết định chất lượng sản phẩm, đó là quy trình pha trộn. Công nghệ cao ứng dụng trong quy trình pha trộn chính là chìa khóa thành công của việc sản xuất dầu nhờn. Phổ biến hiện nay vẫn là phương pháp truyền thống pha trộn theo mẻ giúp nhà sản xuất giảm chi phí... Thế nhưng, cách thức này khi áp dụng vào việc sản xuất số lượng lớn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Khắc phục nhược điểm trên, công nghệ pha chế trên đường ống (ILB - In Line Blending) ra đời đem lại nhiều hiệu quả. Với ILB, các thành phần dầu gốc và phụ gia được khuấy trộn tự động và chính xác theo tỷ lệ đã xác định tại mỗi thời điểm pha trộn. Nhờ đó, sản phẩm luôn đạt chất lượng và độ đồng nhất tối đa từ khi bắt đầu tới khi kết thúc quy trình - đây là ưu điểm đặc biệt nổi bật so với các công nghệ pha chế khác.
Tập đoàn Total cũng ứng dụng công nghệ mới nhất trong dây chuyền sản xuất của mình, trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên ứng dụng công nghệ pha trộn ILB tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Ông Trần Đức Thiện, Kỹ sư trưởng của Total Việt Nam chia sẻ: “Một bộ máy công nghệ tối tân đòi hỏi phải được quản lý bởi đội ngũ chuyên viên tốt. Những kỹ sư giàu kinh nghiệm tại Total luôn nỗ lực sáng tạo ra các sản phẩm và giải pháp dầu nhờn chuyên nghiệp cho thị trường”.