Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chiều nay xác nhận vệ tinh hỏng của họ đã rơi về phía Thái Bình Dương, song các nhà khoa học chưa xác định được vị trí chính xác.
> Vệ tinh Mỹ có thể rơi xuống Canada và châu Phi
> Việt Nam có thể hứng các mảnh vỡ vệ tinh Mỹ
Tàu con thoi Discovery đưa vệ tinh Nghiên cứu Tầng thượng quyển ra ngoài vào ngày 14/9/1991. |
NASA thông báo rằng vệ tinh Nghiên cứu Tầng thượng quyển (UARS) rơi vào khoảng 5h sáng nay theo giờ GMT (12h theo giờ Việt Nam) và lao về phía Thái Bình Dương.
"Trung tâm Chỉ huy các chiến dịch không gian tại căn cứ không quân Vandenberg tại bang California thông báo vệ tinh UARS lao xuyên qua bầu không khí ở phía trên Thái Binh Dương. Thời gian vệ tinh rơi và nơi các mảnh vỡ của nó lao xuống vẫn chưa được xác định một cách chính xác", BBC dẫn thông báo của NASA.
Một số tin trên mạng xã hội Twitter cho hay, nhiều mảnh vỡ của UARS rơi xuống phía tây Canada. Nhưng giới chức Canada và NASA chưa xác nhận thông tin này.
Các quan chức NASA tin rằng phần lớn vệ tinh có khối lượng 6 tấn sẽ bốc cháy trong quá trình cọ xát với không khí, song mô hình trên máy tính cho thấy khoảng 26 mảnh - với tổng khối lượng lên tới 500 kg - sẽ không cháy hết. Chúng sẽ lao xuống một khu vực có chiều rộng từ 400 tới 500 km. Do các đại dương bao phủ 70% bề mặt địa cầu, khả năng chúng rơi xuống nước được dự đoán từ trước.
"Bạn hãy nhớ rằng các mảnh vỡ có kích thước nhỏ dù vệ tinh to như xe buýt. Nếu chúng rơi xuống đại dương thì điều đó có nghĩa là chúng ta khó có thể tìm thấy chúng", Stephen Cole, người phát ngôn của NASA, nói.
Trong vòng nửa tháng qua NASA liên tục đính chính thời gian và địa điểm rơi của UARS. Ban đầu họ thông báo vệ tinh nhân tạo sẽ rơi vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Ngày 17/9, NASA tuyên bố UARS sẽ rơi xuống một địa điểm bất kỳ trong khu vực giữa 57 vĩ độ Bắc và 57 vĩ độ Nam của đường xích đạo vào ngày 24/9. Việt Nam nằm trong khu vực này.
Tới ngày 22/9, NASA nói vệ tinh sẽ rơi vào ngày 23/9, sớm hơn so với tính toán của họ do vệ tinh tăng tốc trong quá trình rơi. Nguyên nhân là lượng tia cực tím từ mặt trời tăng. Khi lượng tia cực tím tăng, bầu khí quyển trái đất sẽ giãn nở khiến lực hút của trái đất đối với vệ tinh tăng. Vì thế UARS rơi nhanh hơn. Song dự đoán ấy không trở thành hiện thực trong ngày 23/9. Cuối cùng NASA cho rằng UARS rơi vào sáng nay và các mảnh vỡ có thể lao xuống Canada và châu Phi.
Dự đoán thời gian và địa điểm rơi của rác vũ trụ là việc khó bởi rất nhiều yếu tố tác động tới quá trình rơi của chúng - như sự giãn nở của bầu không khí, hình dạng của rác, hướng rơi, áp suất khí quyển, các cơn gió. NASA từng tuyên bố họ có thể xác định chính xác địa điểm rơi của UARS khoảng hai giờ trước khi nó tiến vào bầu khí quyển, song họ chưa thực hiện được việc này.
The New York Times cho biết, cái chết thực sự của UARS đã trở thành đề tài nóng hổi của cả giới truyền thông và cộng đồng mạng trong những ngày qua. Hầu như mọi hãng thông tấn lớn đều dự đoán thời gian và vị trí mà những mảnh vỡ của UARS sẽ rơi. Trên trang Facebook, mọi người liên kết các câu chuyện với nhau và đưa ra suy nghĩ của họ, như “Có lẽ tôi nên đội mũ cứng” hay “Chúng ta nên quan tâm tới vụ rơi này không nhỉ?”.
Trên trang MSNBC.com, khoảng 5.000 độc giả đưa ra dự đoán của họ trong một cuộc khảo sát ý kiến về UARS. 10% độc giả cảm thấy nhẹ nhõm vì nó không lao xuống khu vực Bắc Mỹ, 34% cảm thấy tiếc vì “không có cơ hội xem màn pháo hoa trên trời do các mảnh vỡ của vệ tinh bốc cháy khi lao xuống”. Tuy nhiên, có tới 44% người tham gia khảo sát tỏ ra lo lắng cho những khu vực ngoài Bắc Mỹ.
Nicholas L. Johnson, một chuyện gia về rác vũ trụ của NASA, cho hay, khả năng các mảnh vỡ rơi trúng một người bất kỳ trên thế giới là một phần nghìn tỷ.
Rabbi Carroll, một cư dân mạng tại Mỹ, cho rằng sự kín tiếng của NASA trong vụ rơi vệ tinh là một biện pháp đúng đắn trong quản lý thảm họa. “Tôi nghĩ NASA biết chính xác địa điểm và thời gian mà vệ tinh sẽ rơi xuống. Nhưng nếu họ công bố thông tin, hàng nghìn kẻ ngốc sẽ lao tới chỗ mà vệ tinh rơi và chờ một mảnh nào đó rơi chúng. Sau đó luật sư của họ có thể kiện NASA", Carroll bình luận.