Tại cuộc thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh vừa qua, đề tài nghiên cứu về “Thực trạng và biện pháp xử lý căng thẳng (stress) trong học tập" của hai em Huỳnh Ngọc Mai và Nguyễn Thị Diệu Anh, lớp 12A3 trường THPT Tiên Lữ đã đạt giải nhì lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi. Đây là dự án được ban giám khảo đánh giá cao về tính khả thi.
2 học sinh Huỳnh Ngọc Mai và Nguyễn Thị Diệu Anh
Là học sinh cuối cấp, cả Mai và Diệu Anh đều đang tập trung trau dồi kiến thức để bước vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đang đến gần – kỳ thi mang yếu tố quan trọng để các em có điều kiện hoàn thành ước mơ của mình. Tuy nhiên các em nhận thấy trước những áp lực về điểm số, thành tích, kiến thức khổng lồ dễ dẫn đến trạng thái stress trong học sinh. Từ đó, trưởng nhóm Huỳnh Ngọc Mai đã hình thành ý tưởng đi sâu vào thực trạng và tìm ra những giải pháp cải thiện những stress của học sinh cuối cấp.
Mai chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế chúng em học tập có nhiều áp lực từ gia đình, xã hội và học tập, dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi rất dễ buông xuôi. Vì thế chúng em muốn nghiên cứu đề tìm hiểu phương pháp xử lý căng thẳng để có thể vượt qua được mọi suy nghĩ tiêu cực".
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Phùng Thị Bính, 2 em bắt tay vào quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài từ tháng 9/2018.
Stress là tình trạng căng thẳng thể hiện mối tương tác giữa tác nhân công kích và phản ứng của cơ thể xuất hiện khi áp lực vượt quá khả năng thông thường để đối phó của bộ não. Thực trạng nghiên cứu tại khối 12 Trường THPT Tiên Lữ cho thấy, mức độ stress ảnh hưởng ở các em dưới các mức độ khác nhau, biểu hiện thông qua cơ thể, trí tuệ, cảm xúc hay hành vi.
Để cải thiện thực trạng đó, hai em đã đề ra những nhóm giải pháp cụ thể như: chủ động làm chủ cảm xúc của bản thân, quản lý được căng thẳng của mình; bồi dưỡng và rèn luyện cơ thể để có sức khỏe tốt; tăng cường tham gia các hoạt động tập thể…
Cô giáo Phùng Thị Bính cho biết: “Ý tưởng xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống của các em học sinh và có khả năng ứng dụng cho học sinh các cấp học, nhất là học sinh khối 12. Những giải pháp mà các em đề xuất có khả năng ứng dụng trong những nhóm người khác nhau chứ không chỉ là học sinh"
Đề tài nghiên cứu của hai em không chỉ dừng lại ở nghiên cứu khoa học mà còn mang lại niềm vui cho các bạn học sinh khi được chia sẻ, lắng nghe. Từ đó tạo động lực để các em phấn chấn, cố gắng nhiều hơn trong học tập và cuộc sống.
Theo: hungyentv.vn