Theo các chuyên gia môi trường, thiệt hại nặng về mặt kinh tế và cả môi trường do mưa lũ ở Quảng Ninh vừa qua xuất phát từ việc thay đổi lớn về mặt địa mạo của tỉnh do hoạt động khai thác mỏ kéo dài trong nhiều năm. Bởi vậy, theo các chuyên gia môi trường việc làm đầu tiên cần phải xử lý ô nhiễm môi trường từ bãi thải than sau mưa, lũ.
Người dân Quảng Ninh nạo vét bùn sau trận mưa lũ. |
Lo ngại ô nhiễm môi trường nước và đa dạng sinh học tại Vịnh Hạ Long
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, trận mưa lũ này đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh và ngành Than, nhiều bãi thải mỏ sạt lở, xói mòn, trôi lấp đất đá xuống các vùng thấp hơn, nhất là khu vực bãi thải Đông Cao Sơn làm hư hại nhà cửa của nhân dân.
Ô nhiễm đất, nước là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay ở Quảng Ninh.Bởitrong thành phần đất đá thải, bã xít có một phần hàm lượng sắt. Qua quá trình oxy hóa cộng với những nguyên tố lưu huỳnh, khi chịu tác động của nước, có thể tạo thành dạng axit H2SO4 (sunfuric), đây là chất có thể gây tác động xấu tới môi trường.
Theo Thạc sĩ Đỗ Thanh Bái - Hội Hóa học Việt Nam, sự cố sạt lở tại các vùng mỏ Quảng Ninh vừa rồi vượt qua những tính toán, dự phòng từ trước, đặc biệt là tần suất và lưu lượng mưa quá lớn đã gây ra thảm họa về mặt môi trường.
Về mức độ ảnh hưởng của các bãi xỉ than, ông Bái cũng cho biết, khi than bị bóc ra khỏi lớp đất đá, nhiều chất biến đổi, như chất lưu huỳnh sẽ chuyển thành axit. Kim loại nặng trong chất thải có nguy cơ hòa tan vào đất, trong đó có nhiều chất độc hại, thậm chí một số vùng có thể có phóng xạ.
Theo đó, dòng nước thải nếu quản lý không đúng, sẽ đi vào môi trường, làm biến đổi không khí, đất, đặc biệt là nước biển, tác động tới thủy sản và sinh vật thủy sinh khác tại Vịnh Hạ Long. Bởi vậy, cần có một đánh giá về tác động lâu dài đối với việc khai thác than cũng như xem xét lại việc quy hoạch phát triển đô thị cũng như các bãi thải xỉ ở Quảng Ninh.
Đồng quan điểm trên, TS Đào Trọng Hưng-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay bãi thải khu phường Hòa Khánh nay cao tới 300m dẫn đến việc Vịnh Hạ Long có nguy cơ thành cái chảo hứng các chất ô nhiễm. Đứng trên mặt khai trường mỏ than lộ thiên Than Núi Béo, Than Cọc Sáu có thể thấy vấn đề rất nguy hiểm. Tất cả các luồng chảy đều dẫn ra Vịnh Hạ Long. Rừng ngập mặn là hệ sinh thái rất quý giá, giúp ngăn chặn các chất thải độc từ các khai trường đổ xuống. Nhưng giờ toàn bộ khu rừng ngập mặn ở Hạ Long đã bị tàn phá.
Qua đây, có thể thấy vấn đề đa dạng sinh học ở Vịnh Hạ Long đang bị đe dọa. Bởi những độc tố do khai thác mỏ ngấm vào nước, chảy ra biển sẽ tiêu diệt nhiều loại thủy sản.
Sớm quy hoạch lại các bãi thải than
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình sản xuất, mỗi năm các cơ sở sản xuất thải ra môi trường hàng chục triệu m3 nước không qua xử lý, hàng triệu m3 đất đá kéo theo hàng trăm ha thảm thực vật bị phá hủy. Để sản xuất một tấn than cần bóc tách từ 8 đến 10 mét khối đất, thải ra từ một đến ba mét khối nước thải mỏ.
Nếu theo cách tính này, Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã để lại vô số ngọn núi chất thải rắn, các bể chứa chất thải lỏng sau khai thác than. Đây được coi là mối nguy hiểm về ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở đất, đá xuống các khu dân cư sống chung quanh khu vực chân các bãi thải, nhất là sau đợt mưa lũ vừa qua. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi thải than cần có những giải pháp đồng bộ.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường TS Đào Trọng Hưng cũng cho rằng, chính quyền địa phương và ngành than cần thay đổi phương thức đổ thải, phân tầng, cắt lớp, phủ xanh bãi thải.
Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Mai Thanh Dung cho biết: Một trong những hậu quả nghiêm trọng do mưa lũ gây ra mà Quảng Ninh đang phải đối mặt đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường, do một lượng lớn than bùn tràn ra ngoài từ những mỏ than bị sạt lở. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thành lập đoàn công tác đến Quảng Ninh thị sát tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ gây ra.
Theo báo cáo của TKV, có khoảng 10 nghìn tấn than mới khai thác đang tập kết ở các kho tạm ngoài trời đã bị cuốn theo dòng nước mưa, làm bồi lấp nhiều hồ lắng, sông, suối, kênh thoát nước và khu vực dân cư… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tại khu vực này.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh, TKV chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị thành viên tiến hành ngay việc nạo vét các hồ đã bị lấp, khơi thông hệ thống cống, kênh mương, sông suối kể cả ở khu vực của sông thoát ra để đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước cho khu vực; kết hợp tận thu than bùn trong quá trình nạo vét nếu có lợi về mặt hiệu quả kinh tế; bùn đất nạo vét phải được tập kết ở địa điểm phù hợp, bảo đảm an toàn cho môi trường; gia cố các đập, tường chắn, bờ kè bãi thải bị sạt lở… Về lâu dài, cần tiến hành đánh giá để có quy hoạch bố trí dân cư phù hợp, quy hoạch hệ thống bãi thải trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho cộng đồng và môi trường. Đồng thời, Bộ TN&MT sẽ có những hỗ trợ cần thiết cho tỉnh Quảng Ninh, TKV nhằm sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, do đợt mưa lũ vừa qua gây ra…
Theo Dangcongsan.vn